TTVH Online

Giữa mùa dịch, thú vị cùng 3 nấc thang vào nghệ thuật

24/03/2020 19:59 GMT+7

Giữa mùa dịch, đã có những nhận xét rằng, một trong những cách thực hiện tinh thần “Yêu nước hãy ngồi yên tại chỗ” cho hữu hiệu, bổ ích nhất là đọc sách. Mua sách vẫn là một chi tiêu rất tiết kiệm, xài được nhiều thế hệ. Ngày nay sách đa dạng mà thời gian đọc quá ít, nhiều người đang biến sự nhàn rỗi bất đắc dĩ của đại dịch thành cơ hội đọc sách, ngẫm nghĩ và tu chỉnh bản thân.

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa mùa dịch, đã có những nhận xét rằng, một trong những cách thực hiện tinh thần “Yêu nước hãy ngồi yên tại chỗ” cho hữu hiệu, bổ ích nhất là đọc sách. Mua sách vẫn là một chi tiêu rất tiết kiệm, xài được nhiều thế hệ. Ngày nay sách đa dạng mà thời gian đọc quá ít, nhiều người đang biến sự nhàn rỗi bất đắc dĩ của đại dịch thành cơ hội đọc sách, ngẫm nghĩ và tu chỉnh bản thân.

Chào tuần mới: Người đọc sách

Chào tuần mới: Người đọc sách

Dư âm của “Ngày sách Việt Nam” vẫn chưa qua, chứng có là nhiều hội sách vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay (22/4). Trong tuần này, chúng ta lại đón chào ngày Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4) và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4).

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) thử đề xuất 3 cuốn sách cùng chủ đề về nghệ thuật, do NXB Thế giới và Nhã Nam ấn hành trong thời gian gần đây. Sự thú vị của 3 cuốn này là dù được 3 tác giả viết với 3 mục đích rất khác nhau, nhưng gộp lại, nó lại thành 1 chiếc thang từ khởi điểm cho đến thượng tầng.

Từ theo dòng lịch sử

Đúng như chủ đích mà sách hướng đến là kiến thức căn bản cần biết, cuốn Theo dòng lịch sử nghệ thuật của Gérard Denizeau, qua bản dịch của May^Sao, là một trải nghiệm dễ nắm bắt từ nghệ thuật thời nguyên thủy cho đến sáng tạo đương đại. Với 320 trang sách, cùng vô số hình minh họa in màu, đây như là một bách khoa thu nhỏ, nơi người đọc có thể bao quát được một lịch sử dài đằng đẳng, phức tạp bằng những cô đúc, đối chiếu.

Cũng như nhiều tác giả Tây phương khác, lịch sử nghệ thuật ở đây vẫn được nhìn chủ yếu với tinh thần “dĩ Âu vi trung”, nhưng có nhiều mở rộng hơn. Đáng kể nhất là các Top 10, như châu Á qua 10 kiệt tác, châu Đại dương qua 10 kiệt tác, 10 kiệt tác Trung Đông, chủ nghĩa Nhật Bản qua 10 kiệt tác, chiến tranh qua 10 kiệt tác… đã giúp cho sách mở rộng chiều kích ra thế giới, thay vì cứ “quẩn quanh” châu Âu như lâu nay. Với hơn 135 Top 10 và nhiều Top 20 khác, sách không chỉ dừng lại ở hội họa, điêu khắc, âm nhạc, mà còn mở rộng ra sân khấu, điện ảnh, ngôn ngữ nghệ thuật đương đại và cả các vụ bê bối, rùm beng trong nghệ thuật.

Chú thích ảnh
Bộ ba “nấc thang vào nghệ thuật”: "Theo dòng lịch sử nghệ thuật",...

Nguyên bản tiếng Pháp do Larousse ấn hành năm 2016, nghĩa là rất cập nhật, nên sách bao quát được nhiều tác phẩm và khái niệm mới trong nghệ thuật đương đại. Larousse nổi tiếng với việc soạn bách khoa và từ điển, nên Theo dòng lịch sử nghệ thuật của Gérard Denize được biên soạn khá tường minh và thực dụng, tra cứu dễ dàng. Đặc biệt là mục lục, chỉ mục và các cột mốc thời gian quá khoa học, nên cần gì thì đọc nấy, đỡ mất thời gian.

Đến một dẫn nhập

Đã có vô số cuốn sách dạng này, nhưng Dẫn nhập về nghệ thuật của Laurie Schneider Adams, do Hồ Hồng Đăng dịch, có mấy ưu trội. Đầu tiên, vì tác giả là một GS-TS lành nghề về lịch sử nghệ thuật, nên tính chất giáo khoa của sách này khá rõ, nó giúp người đọc dễ nắm bắt từ căn bản đến chuyên sâu. Thứ hai, dù trở lại các vấn đề khá cũ như nghệ thuật là gì, khởi nguyên từ đâu, tại sao tác phẩm gây tranh cãi… nhưng được viết với góc nhìn mới, mạch lạc, thu hút. Thứ ba, sách cũng đưa ra các tiên đoán về tương lai của nghệ thuật, để trả lời xem nghệ thuật đã đến lúc vô dụng, vô nghĩa, cáo chung, hay sẽ còn tiếp diễn.

Chú thích ảnh
..."Dẫn nhập về nghệ thuật",...

Điểm độc đáo của sách này là tác giả đã dùng phân tâm học, tâm lý sáng tạo, phương pháp luận về tư duy nghệ thuật… để cắt nghĩa, lý giải về hình thức, ý nghĩa, sức mạnh và mục đích của nghệ thuật. Đọc nhiều đoạn có cảm tưởng như đọc đoạn phỏng vấn, vì nó sinh động như đang đối thoại, nhưng thực ra là kết quả của phân tích tâm lý sáng tạo.

Khuyết điểm của sách này, nếu phải kể ra, chính là vẫn dùng điểm nhìn “dĩ Âu vi trung”, nên chúng ta không có hy vọng biết thêm về nghệ thuật châu Á, châu Phi ở đây, dù thực tế rất quan trọng. Chính vì vậy mà phải cần thêm nhiều các sách kiểu Theo dòng lịch sử nghệ thuật của Gérard Denizeau để bổ túc vào khoảng trống vắng. Một ví dụ, như thuật ngữ Japonisme (chủ nghĩa Nhật Bản), sử dụng lần đầu tại Pháp năm 1872, là khái niệm để chỉ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nghệ thuật, triết lý, thẩm mỹ Nhật Bản đến nghệ thuật châu Âu, nếu vắng bóng trong các sách về nghệ thuật thế giới, quả là thiếu sót, mà sách của Laurie Schneider Adams thì đang thiếu.

Và một triết lý thâm sâu

Những ai muốn tìm sự thử thách, thì cuốn Triết học nghệ thuật của Heidegger của Julian Young, do Như Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, sẽ là một đáp ứng tuyệt vời. Nếu Gérard Denizeau chú trọng nhiều đến thành tựu nghệ thuật, Laurie Schneider Adams để ý nhiều đến tâm lý sáng tạo, thì Julian Young quan tâm nhiều đến khoa học của nghệ thuật. Nói nôm na, có thể cắt nghĩa nghệ thuật ở khía cạnh lý tính, bằng những lập luận và thực nghiệm để chạm đến chân lý.

Chú thích ảnh
..."Triết học nghệ thuật của Heidegger"

Martin Heidegger (1889-1976) cho rằng nghệ thuật hiện đại có thể bị giết chết bởi chính những lý thuyết tồi, những triết lý vụn vặt, nó đang cần một khí quyển rộng rãi và bao dung hơn. Chính vì vậy mà ông thử tái dựng lại không khí triết lý và nghệ thuật có từ trước thời Socrates, với hy vọng giải cứu nghệ thuật hiện đại ra khỏi bế tắc, đạt đến những tác phẩm có tầm vóc phi thường, to lớn như ngày xưa.

Xét riêng về mặt ngôn ngữ và thuật ngữ trừu tượng, sách này cung cấp cho độc giả Việt Nam một vốn từ vựng đáng kể. Những nỗ lực “chế từ” của dịch giả Như Huy và sự hiệu đính đầy thẩm quyền của Bùi Văn Nam Sơn đã góp phần đưa tiếng Việt đương thời tiệm cận triết gia hàng đầu của thời hiện đại. Độ phức tạp, tinh tế của Heidegger đã được Julian Young - nghiên cứu viên danh dự về triết học tại Đại học Auckland, Mỹ - “chuyển thể” nhuần nhuyễn, cập nhật vào ngôn ngữ của thế kỷ 21. Đây được xem là nghiên cứu toàn diện đầu tiên bằng tiếng Anh về quan niệm triết học nghệ thuật của Heidegger.

Văn Bảy

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN