TTVH Online

Gần 1 tỉ người đang bị hạn chế đi lại vì dịch COVID-19

23/03/2020 10:45 GMT+7

Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, ước tính khoảng 900 triệu người dân trên thế giới đã được yêu cầu tránh đi lại. Phần lớn trong số này là người dân các nước mà chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa, trong khi số còn lại đang chịu lệnh giới nghiêm, cách ly, hoặc được khuyến cáo không nên ra khỏi nhà.

(Thethaovanhoa.vn) - Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, ước tính khoảng 900 triệu người dân trên thế giới đã được yêu cầu tránh đi lại. Phần lớn trong số này là người dân các nước mà chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa, trong khi số còn lại đang chịu lệnh giới nghiêm, cách ly, hoặc được khuyến cáo không nên ra khỏi nhà.

Mỹ ngừng hoàn toàn hoạt động đi lại từ châu Âu do dịch COVID-19

Mỹ ngừng hoàn toàn hoạt động đi lại từ châu Âu do dịch COVID-19

Tiếp tục cập nhật các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tại Mỹ, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết những hạn chế đi lại mới được Tổng thống Donald Trump công bố sáng 12/3 (giờ Việt Nam) cũng bao gồm việc cấm toàn bộ người nước ngoài, từng tới các quốc gia thuộc khu vực Schengen ở châu Âu trong vòng 14 ngày trước đó, nhập cảnh Mỹ.

Tại Mỹ, hơn 1/3 dân số đang phải thích nghi với lệnh hạn chế đi lại. Trong khi đó, Anh đã hối thúc 1,5 triệu người có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 cao ở trong nhà. Hy Lạp đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc từ ngày 23/3. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải cách ly sau khi tiếp xúc với một bác sĩ nhiễm SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường cao tốc tại Beirut, Liban ngày 22/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, Đức đã cấm tụ tập với sự tham gia của 2 người trở lên. Italy đã dừng các hoạt động sản xuất không liên quan đến nhu yếu phẩm để đảm bảo nguồn cung các mặt hàng quan trọng, siết chặt quy định cách ly với việc đóng cửa toàn bộ các không gian xanh công cộng.

Tại Pháp, lệnh giới nghiêm đã được ban bố tại một số thành phố trong đó Nice và Montpellier. Chính phủ Pháp đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế, trong khi Tây Ban Nha đã đề nghị Quốc hội gia hạn tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 11/4. Romania cũng tuyên bố cấm phần lớn người nước ngoài tới quốc gia này. Australia đã đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài và những người không phải cư dân thường trú, đồng thời yêu cầu người dân hủy các kế hoạch du lịch trong nước.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Vancouver, Canada ngày 21/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Ở châu Á, Iraq đã ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Chính phủ Thái Lan đã đóng cửa khu vực công cộng, từ trung tâm mua sắm cho đến sân golf và các bể bơi. Hàng triệu người dân Ấn Độ đã bị hạn chế đi lại khi nước này ban bố lệnh giới nghiêm.

Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, đã siết chặt các quy định, hạn chế các hoạt động tụ tập tại một số nơi với sự tham dự của 50 người trở lên. Côte d'Ivoire và Burkina Faso đã đóng cửa biên giới vào cuối tuần này trong khi Rwanda và CH Congo cũng áp dụng các lệnh tương tự.

Chú thích ảnh
Cảnh sát và binh sĩ phong tỏa một khu vực ở Putrajaya, Malaysia ngày 22/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo kế hoạch, Brazil sđóng cửa biên giới từ ngày 23/3 đối với toàn bộ du khách từ châu Âu, Australia và một số nước châu Á. Cuba sẽ đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài từ ngày 24/3.

Liên quan đến sự kiện thể thao quốc tế, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) cho biết đang xem xét phương án hoãn Olympic Tokyo 2020. Sáng 23/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã lần đầu tiên đề cập đến khả năng hoãn sự kiện thể thao hàng đầu thế giới này.

TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN