TTVH Online

Chào tuần mới: Loa phường chống dịch

23/03/2020 08:00 GMT+7

Những ngày này, khi đại dịch Covid-19 đã trở thành “đại sự” của cả thế giới, người ta bắt đầu sửng sốt trước vai trò của một phương tiện truyền thông “nho nhỏ” cấp phường, xã. Đó là loa phường.

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này, khi đại dịch Covid-19 đã trở thành “đại sự” của cả thế giới, người ta bắt đầu sửng sốt trước vai trò của một phương tiện truyền thông “nho nhỏ” cấp phường, xã. Đó là loa phường.

'Dĩ bất biến, ứng vạn biến', đẩy lùi đại dịch COVID-19

'Dĩ bất biến, ứng vạn biến', đẩy lùi đại dịch COVID-19

 “Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân” là nhiệm vụ “bất biến”, mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước trong ứng phó với đại dịch toàn cầu mang tên COVID-19.

Được đưa vào sử dụng tại nhiều tỉnh thành từ những năm 60 của thế kỷ trước, loa phường, xã có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh.

Nhưng trong cuộc sống hiện đại, rất nhiều người dần có cách nhìn khá “kẻ cả” đối với loa phường. Cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chiếc loa phường bỗng nhiên trở lại vị trí là "bạn thân" cùng người dân chống dịch.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, vào cuối những năm 1970, ở khu chúng tôi rất đông các anh lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu. Vào các buổi chiều, khi đến giờ có bản tin thời sự, mọi người thường tập trung ra loa phường nghe tình hình chiến sự, xem diễn biến ra sao. Nghe xong rồi không ai bảo ai, cứ gặp những gia đình có con em đã nhập ngũ là lại hỏi thăm nhau xem là có đứa nào gửi thư về chưa? Không biết là cuộc sống các cháu trên chốt có khổ không?... Những lúc ấy thấy không khí hàng xóm thật gắn bó, gần gũi.

Thời bình, tôi nhớ những buổi chiều mùa Hè 1982, khi giải vô địch bóng đá thế giới diễn ra tại Tây Ban Nha, cứ đến bản tin thể thao lúc 18h là mọi người trong khu tập thể lại kéo nhau ra ngồi quanh cột điện treo loa phường nghe anh Hoài Sơn bình luận. Bản tin chỉ chừng 15 phút thôi, nhưng mọi người còn ngồi lại bình luận, phân tích, dự đoán những trận đấu tiếp theo cho đến khi trời tối hẳn mới về. Những chuyện như thế thì chỉ có ở thời kỳ loa phường thịnh hành, chứ còn bây giờ quả thật rất hiếm gặp.

Chú thích ảnh
Loa phường. Ảnh: Internet

Loa phường ngày xưa là như thế. Nhưng có lẽ không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người cũng đều nghĩ rằng loa phường phải chăng đã hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của nó khi mà cách đây chừng 3 năm, một đợt thăm dò, lấy ý kiến của người dân cho kết quả ban đầu là có tới 90% số người tham gia khảo sát trên địa bàn Hà Nội đồng tình với ý kiến cho rằng nên bỏ loa phường.

Loa phường mặc dù sau đó vẫn tồn tại, nhưng phải thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đầu tiên, chúng ta cùng thống nhất với nhau rằng, chắc chắn tin tức được phát thanh trên hệ thống loa phường sẽ không có tin giả. Đối với những khu vực dân cư vẫn giữ được lối sinh hoạt cộng đồng cao như làng, xã, thôn xóm hoặc các tổ dân phố, các khu tập thể… loa phường thực sự rất phù hợp khi đáp ứng được tính nhanh, độ bao phủ thông tin rộng, cùng lúc. Nhờ đó, đông đảo người dân tiếp cận được thông tin chính xác.

Chúng ta cũng đừng quên một thực tế này: mặc dù đã nghe rất nhiều về Covid-19 qua đài, báo, ti vi, hay internet, nhưng tâm lý chung của khá nhiều người vẫn còn chủ quan, “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”. Chỉ lo lắng, phòng bị vài hôm, sau đó thấy xung quanh, dân tình vẫn cà phê, bia bọt như thường, là lại sơ sểnh, cho rằng dịch bệnh còn là chuyện của những ai đó ở tận đâu đâu, chứ chưa phải là chuyện nhỡn tiền của chính mình. Trong những hoàn cảnh như thế, loa phường sẽ kéo mọi người trở về với mặt đất bằng những thông tin hết sức cụ thể, sát sườn ngay trong xóm ngõ mỗi người. Ý thức phòng dịch lại lên cao.

Chú thích ảnh
Cả thế giới phòng chống đại dịch Covid-19. Ảnh: Internet

Rồi trong những lúc lan tràn các tin đồn thất thiệt, không chỉ gây hoang mang dao động trong tâm lý, mà còn có nguy cơ biến thành hành động thực tiễn khó kiểm soát, như đổ xô đi tích trữ hàng hóa, thì chính những lúc đó, tiếng loa phường bình tĩnh vang lên như người bạn tin cậy, hiện diện bên cạnh mỗi người, sẽ giúp đập tan tin đồn nhanh chóng.

 

 

 

Cho nên dù thua kém các loại hình truyền thông khác về nhiều mặt, nhưng không phải vì thế mà loa phường trở nên yếu thế, thậm chí vẫn còn những chỗ vượt trội. Bạn tôi còn phân tích, với các khung giờ truyền thanh 7h - 10h - 15h - 17h, loa phường có thể hướng tới các thính giả là người cao tuổi ở nhà và trẻ nhỏ. Đây cũng chính là những nhóm người ít có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin hiện đại (không phải ai cũng được như đám trẻ: “lướt” web hay “quẹt” smartphone nhoay nhoáy suốt ngày). Đã “yếu thế” hơn về công nghệ, những người già còn được xếp vào nhóm bị Covid-19 đe dọa mạnh nhất. Loa phường trở thành phương tiện rất tận tụy và nhân văn khi “chăm sóc” cho những nhóm này.

Trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng này, khi chúng ta phải huy động “đa binh chủng” chống giặc Covid-19, thì đừng xem nhẹ binh chủng nào, nhất là “cựu binh” loa phường.

Quốc Thắng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN