TTVH Online

Bóng lăn trong tuần: Chiều ngã đã có đêm nâng?

23/03/2020 08:59 GMT+7

Bức màn tiêu cực ở các trận đấu vòng loại U19 quốc gia 2020 từ từ được vén lên khiến nhiều người phát hoảng. Tại sao và như thế nào, tầm này rồi mà các cầu thủ trẻ Việt Nam ở một số đội bóng còn vướng vào vết xe đổ?

(Thethaovanhoa.vn) - Bức màn tiêu cực ở các trận đấu vòng loại U19 quốc gia 2020 từ từ được vén lên khiến nhiều người phát hoảng. Tại sao và như thế nào, tầm này rồi mà các cầu thủ trẻ Việt Nam ở một số đội bóng còn vướng vào vết xe đổ?

'Bóng ma tiêu cực' ám ảnh bóng đá Việt Nam

'Bóng ma tiêu cực' ám ảnh bóng đá Việt Nam

Cựu đội trưởng đội tuyển Việt Nam Phan Văn Tài Em từng là người trong cuộc chứng kiến vụ tiêu cực chấn động bóng đá nước nhà năm 2005 vừa tiết lộ trên giới truyền thông về chuyện không lạ khi nhiều giải đấu có tình trạng mua bán độ.

Nó không đơn thuần chỉ là cá nhân nhỏ lẻ, tệ hơn, việc làm sai lệch tỷ số và đánh bóng trên mạng cá cược bất hợp pháp, là có tổ chức hẳn hoi.

6-7 năm trước, tiêu cực bóng đá cũng bằng hình thức này đã quét sạch 2 đội bóng V-League 2014 là V.Ninh Bình và Đồng Nai. Năm 2005, đại án Bacolod lấy đi những tinh tú nhất của nền bóng đá. Cũng năm đó, một nhóm hơn chục “vua áo đen” bị khởi tổ, thêm ban lãnh đạo - huấn luyện CLB Ngân hàng Đông Á cũng... vào khám một thời gian, hàng chục năm sau (hoặc hơn) mới có cửa quay lại.

Nhân tiện, cơ quan điều tra lật lại hồ sơ vụ mua bán chức vô địch V-League 2001, với một số cá nhân có liên quan của SLNA và Cảng Sài Gòn (cũ).

Giai đoạn 2008-2010, bóng ma tiêu cực hoành hành ở hàng loạt hạng mục giải đấu trong nước và quốc tế; với nhiều cấp độ CLB lẫn đội tuyển, nhưng không có kết luận cuối cùng (tính đến thời điểm này). Sau 2 quả bom nổ năm 2014 ở Ninh Bình và Đồng Nai, vì tỷ lệ ăn chia không đều, thông tin lọt ra ngoài..., ở một diễn biến khác, các cấp độ ĐTQG liền 2 năm sau đó, cũng rất đáng ngờ. Năm 2011-2012, từng có lãnh đạo CLB nọ tố ngược cầu thủ của đội mình... làm kèo.

Chú thích ảnh
Huỳnh Văn Tiến (bìa trái) trong trận Đồng Tháp - Vĩnh Long ở vòng loại bảng C giải U21 QG 2019 được phanh phui là có tiêu cực. Ảnh: Dương Thu/TT

Bóng đá Việt Nam vừa mới lấy lại sức sống khoảng 2 năm qua, với một đôi thế hệ được cho là sạch sẽ nhất từ trước đến nay. Người trong cuộc trống rong cờ mở. Nhưng, trong khi cả nền bóng đá đang cùng xã hội phải lo sốt vó dịch Covid-19, thì tiêu cực ở một số trận đấu vòng loại U19 quốc gia được phanh phui. Đến thời điểm này, nó như vết dầu loang, rất khó khoanh vùng. Tiêu cực cũng như một loại dịch virus vậy.

Quả thật thất vọng. Người trẻ không hẳn “thua me mà gỡ bài cào”, bởi một số không phải những con bạc khát nước. Nhưng người trẻ “chơi” và chơi rất ngông, họ cần nguồn tiền để thoả mãn, để được “đêm nâng”. Gọi là “chiều ngã đã có đêm nâng”. Bất chấp, bao gồm cả đánh rơi cả sự nghiệp, chỉ cần được phê pha. Một bộ phận rất lớn cầu thủ trẻ và thậm chí cả những người trưởng thành thi thoảng vẫn bị phát hiện “ngáo” trên sân là thế.

Đói ăn vụng túng làm liều trong tình huống này đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chơi nhiều thành quen và túng thiếu. Ở các giải đấu ngoài chuyên nghiệp, người ta chẳng lạ gì mấy chuyện này. Họ nghĩ chỉ trời biết, đất biết, mình biết và không ai biết thêm nữa.

Nghề nào cũng có ông Tổ của nghề đó, chỉ cần một lần phạm phải, bất cứ ai cũng có thể bị loại ra khỏi đời sống, sinh nghề tử nghiệp vậy. Thậm chí, còn có thể huỷ hoại cả đời người, thân tàn ma dại. Thật đáng tiếc lắm thay cho một bộ phận người trẻ, trong đó có cầu thủ trẻ Việt Nam. Họ nên bị loại ra khỏi đời sống bóng đá ngay từ bây giờ, mà không cần đến kết luận điều tra hay Toà án nào cả.

Tùy Phong

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN