TTVH Online

Dịch COVID-19: EU áp đặt lệnh cấm nhập cảnh 30 ngày, sẵn sàng áp dụng biện pháp bổ sung nếu cần thiết

18/03/2020 08:42 GMT+7

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 17/3 thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với những người không phải công dân EU trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.

(Thethaovanhoa.vn) - Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 17/3 thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với những người không phải công dân EU trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.   

Dịch COVID-19: EU họp trực tuyến về biện pháp đối phó dịch bệnh

Dịch COVID-19: EU họp trực tuyến về biện pháp đối phó dịch bệnh

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị qua điện thoại "trong tương lai gần" để thảo luận về các nỗ lực phối hợp giữa các nước thành viên trong cuộc chiến chống sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. 

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu sau cuộc họp trực tuyến qua video với lãnh đạo các nước EU tối 17/3 theo giờ Đức, Thủ tướng Merkel tuyên bố các nước thành viên EU đã nhất trí áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào khối này, ngoại trừ công dân các nước thuộc Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) và Anh.

Nhà lãnh đạo Đức thông báo lệnh trên sẽ có hiệu lực trong 30 ngày và Berlin sẽ lập tức thực thi lệnh cấm nhập cảnh này. Ngoại trừ một số ngoại lệ, như trường hợp người lao động phải qua biên giới làm việc, tất cả các nước EU sẽ thực thi lệnh cấm này. Công dân và thân nhân của họ ở các nước EU được phép đi qua Đức và điều này cũng áp dụng với các công dân từ Anh, Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.   

Ngoài lệnh cấm trên, tại hội nghị trực tuyến, các nhà lãnh đạo EU cũng đã thảo luận về cuộc chiến chung chống lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế do đại dịch gây ra, trong đó các nước nhất trí duy trì lưu thông dòng hàng hóa. Các nhà lãnh đạo EU cũng nhận định đại dịch COVID-19 sẽ gây ra những “hậu quả rất thảm khốc” đối với nền kinh tế.   

Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh EU đang phối hợp hành động để đưa các công dân đang mắc kẹt ở các nước ngoài EU trở về. Trước đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas (Hai-cô Mát) thông báo hàng nghìn người Đức đang bị mắc kẹt ở nhiều nước trong bối cảnh biên giới bị đóng cửa, nhiều hãng hàng không đã hủy chuyến và Berlin sẽ nỗ lực hết sức để đưa số công dân này về nước.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt hành khách đi qua cửa khẩu biên giới Đức- Ba Lan, từ thị trấn Frankfurt tới Slubice nhằm ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan, ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng ngày, phát biểu trong một cuộc họp báo khẩn, Thủ tướng Montenegro, ông Dusko Markovic thông báo nước này đã ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2, đánh dấu mốc dịch bệnh COVID-19 đã lan ra toàn bộ các nước châu Âu.  

Trước đó, ngày 13/3, Chính phủ Montenegro đã đưa ra các biện pháp quy mô lớn nhằm ngăn chặn COVID-19 tràn vào nước này như đóng cửa các cơ sở giáo dục trong vòng 15 ngày kể từ 16/3, hủy tất cả các sự kiện ở nơi công cộng, hạn chế công dân đi lại tới một số quốc gia và kiểm soát y tế đối với những người tới từ những nước đó.

Tối 17/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí quyết định đóng cửa biên giới ngoài EU trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối để ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Brussels, sau cuộc họp trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo EU, các nước thành viên tuyên bố "tất cả đồng ý áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào EU, trừ một vài ngoại lệ nhỏ". Các ngoại lệ phải liên quan đến công dân nước ngoài EU có quyền cư trú dài hạn tại một quốc gia thành viên. Những trường hợp muốn vào vì lý do khẩn cấp - ví dụ để dự tang lễ hoặc phiên tòa - sẽ phải được cấp phép.

Trong cuộc họp báo với Chủ tịch Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố việc đóng cửa biên giới sẽ tùy thuộc vào quyết định triển khai của từng quốc gia thành viên.

Cùng với đó, EU thống nhất thiết lập các "tuyến đường xanh" ưu tiên cho giao thông thiết yếu để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt. Điều này cũng áp dụng cho việc vận chuyển trang thiết bị y tế. EU cũng tìm cách phối hợp mua thiết bị y tế chung cho các nước thành viên. Các quốc gia thành viên cũng sẽ phối hợp để hồi hương các công dân châu Âu bị mắc kẹt ở nước ngoài bởi vô số lệnh đóng cửa biên giới và cấm giao thông áp được đặt trước sự lan rộng của đại dịch.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết thêm EU sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp bổ sung khi có những diễn biến mới.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde và Chủ tịch của Nhóm các bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng euro (Eurogroup), Mario Centeno, cũng đã tham dự cuộc họp bất thường này và đề cập đến những vấn đề liên quan đến kinh tế nảy sinh trong quá trình đối mặt với đại dịch Covid-19.

Các nhà lãnh đạo đã phê duyệt một tuyên bố được đưa ra bởi Eurogroup, trong đó có nội dung sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đối phó với những khó khăn kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng thông báo Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU dự kiến vào ngày 26-27/3 tới sẽ được thực hiện theo hình thức trực tuyến.

* Cũng theo phóng viên TTXVN tại Brussels, sau Italy, Tây Ban Nha, và Pháp, kể từ trưa 18/3, đến lượt Bỉ tiến hành phong tỏa toàn quốc, hạn chế tối đa các di chuyển và người dân được đề nghị ở nhà.

Chú thích ảnh
Một nhà khoa học nghiên cứu kháng thể chống virus gây dịch COVID-19 tại phòng thí nghiệm Viện nghiên cứu y học Rega ở Leuven, Bỉ ngày 28/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Bỉ, tính đến hết ngày 17/03, tổng số người nhiễm COVID-19 là 1243, số người tử vong là 10 và có 14 người khỏi bệnh, Hội đồng An ninh Quốc gia Vương quốc Bỉ đã ra quyết định phong tỏa toàn quốc kể từ 12h trưa 18/3 tới ngày 5/4. Cảnh sát Bỉ sẽ được huy động để giám sát việc tuân thủ nghiêm ngặt lệnh phong tỏa này. Người dân được kêu gọi ở nhà. Tuy nhiên, họ được quyền đi ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp hoặc đi mua thực phẩm, tới hiệu thuốc, bưu điện, hiệu sách, ngân hàng hoặc đi đổ xăng.

Ngoài ra, hoạt động thể thao vẫn được phép. Các siêu thị sẽ phải kiểm soát lượng khách hàng để đảm bảo mỗi khách hàng có khoảng không gian 10 m2 và mỗi khách hàng chỉ được xuất hiện tối đa 30 phút trong siêu thị. Liên quan tới các cửa hàng phục vụ đồ ăn nhanh, giao đồ ăn tại nhà vẫn được phép hoạt động.

Các doanh nghiệp cần phải tổ chức để đảm bảo tối đa cho làm việc từ xa, không chấp nhận ngoại lệ nào. Nếu không thể thực hiện được, thì doanh nghiệp đó phải tuân thủ "khoảng cách xã hội" do chính phủ Bỉ đề ra, tức mỗi cá nhân phải giữ khoảng cách với người khác là 1,5 m. Các khoản phạt nặng dự kiến sẽ được dành cho những đối tượng không tuân thủ các quy định này. Nếu các doanh nghiệp vẫn không tuân thủ các quy định bắt buộc này thì họ phải đóng cửa. Du lịch nước ngoài không có lý do quan trọng của công dân Bỉ cũng sẽ bị cấm tới ngày 5/4.

TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN