TTVH Online

Diễn biến dịch COVID-19 tới sáng 18/3: Số tử vong sắp đạt tới 8.000, Italy vẫn là 'mắt bão'

18/03/2020 07:45 GMT+7

Trong vòng 24h qua, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh tại nhiều nơi trên thế giới, các nước châu Âu đang khẩn trương khiển khai những biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế sự lây lan chóng mặt của chủng virus đáng sợ này.

(Thethaovanhoa.vn) - Trong vòng 24h qua, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh tại nhiều nơi trên thế giới, các nước châu Âu đang khẩn trương khiển khai những biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế sự lây lan chóng mặt của chủng virus đáng sợ này.

Diễn biến dịch COVID-19 tới 7 giờ sáng 16/3: Italy có 368 ca tử vong, cao hơn cả Hồ Bắc ngày đỉnh dịch

Diễn biến dịch COVID-19 tới 7 giờ sáng 16/3: Italy có 368 ca tử vong, cao hơn cả Hồ Bắc ngày đỉnh dịch

Ngày 15/3 ghi nhận châu Âu nói chung và Italy nói riêng trở thành điểm dịch nóng nhất thế giới, ngoài Trung Quốc, khi chứng kiến số ca mắc bệnh và thiệt mạng tăng vọt.

Theo số liệu cập nhật đến 6 giờ sáng 18/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận trên 198.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 7.961 ca tử vong và trên 81.000 ca đã bình phục. Châu Âu tiếp tục là “điểm nóng” nhất trên thế giới của đại dịch COVID-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận hiện đã có 164 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc bệnh COVID-19. Trong 24h qua, dịch bệnh đã khiến 799 người thiệt mạng.

Tại châu Âu, Italy vẫn là “mắt bão” của dịch COVID-19, trong khi các nước khác như Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh cũng chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh.

Italy ngày 17/3 đã có tới 345 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng tại nước này lên tới 2.503 trong tổng số 31.506 ca nhiễm. Khu vực miền Bắc Italy vẫn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó riêng vùng Lombardy có 1.420 ca tử vong, chiếm 66%  số ca tử vong trong cả nước.

Chú thích ảnh
Đấu trường La Mã tại Rome, Italy, vắng bóng khách du lịch ngày 16/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Trước tình hình diễn biến ngày càng nghiêm trọng, Chính phủ Italy đã phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Nước này cũng thông qua gói kích thích 25 tỷ euro (tương đương 27,8 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế chống chọi với dịch bệnh. Động thái này giúp Italy có thể giảm nhẹ tác động từ dịch bệnh, bao gồm việc hoãn thanh toán nợ cho các công ty nhờ có nhà nước bảo lãnh với các ngân hàng, tăng ngân sách giúp các doanh nghiệp chi trả lương cho những nhân viên phải tạm nghỉ do lệnh phong tỏa.

Pháp cũng xác nhận 1.210 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 7.730 trường hợp, trong đó có 175 người tử vong, tăng thêm 27 ca so với một ngày trước đó.

Ngày 17/3, Vương quốc Anh cũng chứng kiến số ca tử vong vì COVID-19 tăng mạnh, với 16 ca mới, nâng tổng số người thiệt mạng tới thời điểm này lên 71. Trong khi số ca mắc bệnh cũng ghi nhận thêm 407 và tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 1.950.  Giới chức y tế Anh dự báo số bệnh nhân COVID-19 có thể lên tới 10.000 người. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã buộc phải thay đổi cách tiếp cận với dịch bệnh, trong đó có việc tạm thời sẽ đóng cửa các sân bay, khuyến cáo người dân tránh tập trung đông người, hạn chế giao tiếp xã hội và làm việc tại nhà.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron tối cùng ngày đã công bố hàng loạt biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, theo đó mọi hoạt động di chuyển và tiếp xúc sẽ bị hạn chế ở mức tối thiểu kể từ trưa 17/3 và kéo dài trong ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ.

Tại Đức, trong 24h qua ghi nhận đã có tổng cộng 6.612 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 với 13 trường hợp tử vong, trong đó riêng bang Bayern có 4 ca tử vong. Thủ hiến bang Bayern, ông Marcus Söder đã ban bố tình trạng thảm họa ở bang miền Nam lớn nhất nước này. Cho đến thời điểm này, chính quyền bang Bayern đã cho đóng cửa toàn bộ trường học và nhà trẻ cũng như các địa điểm tụ tập đông người nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tây Ban Nha ngày 17/3 ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục tính theo ngày, với 191 trường hợp mới, nâng tổng số ca thiệt mạng vì dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Âu này lên con số 553 người. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha cũng xác nhận 11.826 ca mắc COVID-19, nhiều thứ hai châu Âu và thứ 4 trên thế giới.

Liên đoàn bóng đá Na Uy ngày 17/3/2020 đã công bố trên tài khoản Twitter của liên đoàn này rằng giải vô địch bóng đá châu Âu EURO 2020, dự kiến diễn ra từ ngày 12/6 tới ngày 12/7 tại 12 thành phố châu Âu, sẽ không diễn ra đúng kế hoạch do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thụy Điển Karl-Erik Nilsson cho biết dự kiến lịch mới cho giải đấu sẽ là 11/6- 11/7/2021.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) trong cuộc họp báo ngày 16/3 với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel. Ảnh: AFP

Tối 17/3 theo giờ địa phương (rạng sáng 18/3 theo giờ Việt Nam), Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định đóng cửa biên giới trong 30 ngày đối với những người không phải công dân EU nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.

Phát biểu sau cuộc họp trực tuyến qua video với lãnh đạo các nước EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel tuyên bố các nước thành viên sẽ đóng cửa biên giới đối với người ngoại khối trong thời hạn 30 ngày để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh: "EU và các nước thành viên sẽ làm bất kỳ điều gì để ứng phó với các thách thức hiện nay".

Việc đi lại trong nội khối giữa các nước thành viên với nhau tạm thời chưa bị cấm. Công dân và thân nhân của họ ở các nước EU được phép đi qua Đức và điều này cũng áp dụng với các công dân từ Anh, Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Những trường hợp muốn vào vì lý do khẩn cấp - ví dụ để dự tang lễ hoặc phiên tòa - sẽ phải được cấp phép.

Ngoài lệnh cấm trên, tại hội nghị trực tuyến, các nhà lãnh đạo EU cũng đã thảo luận về cuộc chiến chung chống lại những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế do đại dịch gây ra, trong đó các nước nhất trí duy trì lưu thông dòng hàng hóa. Các nhà lãnh đạo EU cũng nhận định đại dịch COVID-19 sẽ gây ra những “hậu quả rất thảm khốc” đối với nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế khử trùng tại Iran. Ảnh: AFP

Tại châu Á, theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), ngày 16/3 Trung Quốc đại lục chỉ ghi nhận 21 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, trong đó chỉ có 1 ca trong nước, 20 ca còn lại đều nhập cảnh từ nước ngoài. Trong số 13 ca tử vong, 11 ca ở thành phố Vũ Hán, thuộc tình Hồ Bắc. Như vậy, tính đến nay Trung Quốc đã có tổng cộng 80.881 ca nhiễm và  3.226 ca tử vong.

Ngày 17/3, Iran thông báo đã xác nhận thêm 135 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 988 ca. Theo người phát ngôn của Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour (Ki-a-nâu-xơ Gia-han-pua), báo cáo từ hơn 56 phòng thí nghiệm xác nhận đã có thêm 1.178 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 16.169 ca.

Hàn Quốc tính đến ngày 17/3 đã ghi nhận số ca COVID-19 lên trên 8.300, song số ca nhiễm mới theo ngày tiếp tục dưới mức 100 trong ngày thứ 3 liên tiếp. Nước này trong 24h qua cũng chỉ có 6 người tử vong vì dịch COVID-19.

Ngày 17/3, Malaysia thông báo ca tử vong đầu tiên do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo nhà chức trách Malaysia, bệnh nhân, 60 tuổi, là một mục sư của nhà thờ Tin lành Emmanuel ở bang Sarawak. Chính quyền bang Sarawak cho biết hiện đã cách ly tại nhà 193 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Hiện quốc gia Đông Nam Á này có tổng cộng 553 ca mắc COVID-19, cao nhất trong số các nước ASEAN.

Trước sự lây lan nhanh của dịch bệnh, Malaysia đã thông báo một loạt hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới, sẽ phải hoãn cho đến tháng 6 năm nay trong bối cảnh quốc gia này đang phải ứng phó với dịch.

Tại Thái Lan, Bộ Y tế nước này thông báo đã xác nhận thêm 30 ca nhiễm virus corona chủng mới, nâng số ca nhiễm COVID-19 lên tới 177 người. Cơ quan trên cho biết 11 bệnh nhân trong số này có liên quan đến một nhóm cổ động viên môn quyền Anh có kết quả dương tính với COVIC-19. Ngoài ra, hiện có 22 ca đang chờ kết quả xét nghiệm. Bộ Y tế cảnh báo có thể có thêm các ca nhiễm mới, từ 30 đến 50 ca mỗi ngày trong thời gian tháng Tư. Bộ Y tế cho biết hầu hết các ca nhiễm mới được phát hiện ở Bangkok vì vậy các bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện ở khu vực xung quanh thủ đô. Hiện tại, Thái Lan đã chuẩn bị 234 giường bệnh để nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên đường phố tại Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 14/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Mỹ, diễn biến dịch COVID-19 cũng tiếp tục diễn biến phức tạp, leo thang. Trong ngày 17/3, Mỹ đã ghi nhận thêm 20 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 106. Hiện dịch COVID-19 đã xuất hiện tại tất cả 50 bang của Mỹ.

Ngày 17/3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết nước này sẽ hỗ trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và nghiên cứu triển khai các biện pháp khẩn cấp để làm chậm lại đà lây lan của đại dịch này.

Tại Argentina, theo số liệu thống kê, đến thời điểm này đã ghi nhận 65 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 2 ca tử vong. Chính phủ cũng đang chuẩn bị để đưa hàng nghìn công dân Argentina từ châu Âu và Mỹ về nước bằng các chuyến bay của hãng hàng không nhà nước Aerolineas Argentinas.

GOL - hãng hàng không dân dụng lớn thứ 2 của Brazil ngày 17/3 đã thông báo quyết định tạm dừng tất cả các chuyến bay quốc tế từ 23/3-30/6 do tác động của dịch COVID-19.

Thông báo chính thức của hãng GOL cho biết biện pháp trên được đưa ra trên cơ sở chính sách bảo đảm an toàn cho khách hàng và nhân viên trước sự lây lan của dịch COVID-19, cũng như sự sụt giảm về nhu cầu đi lại và những hạn chế về xuất nhập cảnh mà các nước đang áp dụng.

Hiện hãng hàng không này đang có đường bay quốc tế tới Argentina, Bolivia, Chile, Ecuador, Mỹ, México, Paraguay, Perú, Cộng hòa Dominicana, Surinam và Uruguay.

Trong khi đó, GOL cũng xem xét cắt giảm hoạt động trong các đường bay nội địa khoảng 50-60% tùy từng thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, hãng vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn, đồng thời sẽ đánh giá các kịch bản có thể xảy ra và điều chỉnh việc cung cấp các chuyến bay một cách linh hoạt cho tới khi nhu cầu của khách hàng quay trở lại mức bình thường.

Trước đó các hãng hàng không Azul và LATAM cũng đã thông báo biện pháp cắt giảm các chuyến bay quốc tế và nội địa trong bối cảnh bệnh dịch bùng phát mạnh ở khu vực Mỹ Latinh. Theo thống kê chính thức, Brazil đã ghi nhận hơn 200 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 1 ca tử vong.

Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN