TTVH Online

Sự việc - Ý kiến: Bé không vin thì cả gãy cành

18/03/2020 08:15 GMT+7

Thành ngữ Việt Nam có câu: “Bé không vin thì cả gãy cành”, soi chiếu câu thành ngữ này vào công tác đào tạo bóng đá trẻ cũng có ý nghĩa tương tự. Vì thế, trong sự việc đáng tiếc vừa rồi của một số cầu thủ trẻ ở vòng loại giải U19 quốc gia 2020, nếu các cầu thủ đáng trách 1 thì HLV của họ đáng trách gấp 10 lần...

(Thethaovanhoa.vn) - Thành ngữ Việt Nam có câu: “Bé không vin thì cả gãy cành”, soi chiếu câu thành ngữ này vào công tác đào tạo bóng đá trẻ cũng có ý nghĩa tương tự. Vì thế, trong sự việc đáng tiếc vừa rồi của một số cầu thủ trẻ ở vòng loại giải U19 quốc gia 2020, nếu các cầu thủ đáng trách 1 thì HLV của họ đáng trách gấp 10 lần, bởi dù mang danh người thầy nhưng họ đã không có biện pháp giáo dục và kiểm soát học trò hiệu quả, để xảy ra sự việc làm hoen ố cả bóng đá Việt Nam.

Cầu thủ trẻ Việt Nam tụt hậu so với Thái Lan

Cầu thủ trẻ Việt Nam tụt hậu so với Thái Lan

Báo chí Thái Lan đang khiến cả bóng đá Đông Nam Á bất ngờ khi đưa tin có CLB ở giải VĐQG Nhật Bản (J-League 1) chấp nhận chi trả mức tiền 1,6 triệu USD (36 tỷ đồng Việt Nam) để có được sự phục vụ của cầu thủ sinh năm 2002. Ở chiều ngược lại, bóng đá trẻ Việt Nam khiến dư luận giật mình với bóng ma tiêu cực.

Chúng ta đều biết rằng hầu hết, nếu như không nói là tuyệt đại đa số, các đội bóng hoặc các lò đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp ở Việt Nam đều thực hiện theo mô hình ăn ở tập trung, nên phần lớn các cầu thủ đều rời nhà từ rất sớm, ở độ tuổi khoảng 10 hoặc 11 tuổi, để đến ăn tập tại đội bóng chủ quản.

Trong điều kiện như thế thì vai trò của người thầy là rất quan trọng, vì họ không chỉ là người huấn luyện chuyên môn cho các cầu thủ nhỏ mà còn phải làm thay cả nhiệm vụ dạy dỗ các em thay cho những bậc phụ huynh.

Mà ở thời buổi bùng nổ thông tin và có nhiều cám dỗ như hiện nay, chỉ một phút lơ là, thiếu quan tâm của người lớn với các cầu thủ thiếu niên cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Phiên tòa xét xử một số cầu thủ Đồng Nai bán độ năm 2016 dường như vẫn chưa phải là liều thuốc cảnh tỉnh đủ mạnh cho nhiều cầu thủ

Ngay cả những nền bóng đá tiên tiến ở châu Âu cũng không thể hoàn toàn ngăn chặn vấn nạn cá cược bất hợp pháp của một số cầu thủ, thì làm sao các cầu thủ đang tuổi mới lớn, ăn ở tập trung cùng nhau, không có sự giám sát quản lý của cha mẹ, lại có thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của trò cá cược?

Và nếu chúng ta để ý sẽ thấy một số cầu thủ trẻ có vấn đề chỉ rơi vào những trường hợp nhất định, hay nói cách khác chuyện này chỉ có thể gặp ở đội bóng A, hoặc đội bóng B, chứ tại CLB C hay lò đào tạo D tuyệt đối không có nghi vấn thi đấu thiếu trung thực hoặc dàn xếp tỷ số dưới bất cứ hình thức nào.

Điều đó cho thấy để tạo ra môi trường lành mạnh cho cầu thủ trẻ hóa ra không phải nhiệm vụ bất khả thi, mà vấn đề là người ta có quyết tâm thực hiện bằng được hay không mà thôi.

Huy Anh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN