TTVH Online

Ồ ạt đi học bằng lái xe vì… sợ học phí tăng

29/02/2020 11:02 GMT+7

Trước thông tin việc Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, với nhiều thay đổi trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe, đặc biệt là thông tin tăng học phí. Điều này đã khiến nhiều người dân đổ xô đi học bằng lái xe ô tô.

(Thethaovanhoa.vn) - Trước thông tin việc Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, với nhiều thay đổi trong công tác đào tạo, sát hạch lái xe, đặc biệt là thông tin tăng học phí. Điều này đã khiến nhiều người dân đổ xô đi học bằng lái xe ô tô.

Phòng chống vi phạm nồng độ cồn khi lái xe: Nâng cao hiệu quả ngăn chặn

Phòng chống vi phạm nồng độ cồn khi lái xe: Nâng cao hiệu quả ngăn chặn

Bên cạnh việc tăng cường chế tài xử phạt, các nước cũng áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quy định pháp luật, lan tỏa các thông điệp để tăng cường ý thức cho người dân, hạn chế việc sử dụng rượu bia hay có nhiều hình thức để người lái xe lựa chọn nếu muốn di chuyển khi đã uống rượu bia.

Theo Thông tư mới, kể từ ngày 1/1/2020, việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe ô tô sẽ có nhiều sự thay đổi so với hiện tại. Ngoài việc tăng mức học phí đào tạo, học viên sẽ phải trải qua những bài kiểm tra về lý thuyết và thực hành phức tạp hơn, đòi hỏi sự nghiêm túc cả từ phía người học và người dạy lái xe.

Đặc biệt, trong một khoá học, mỗi học viên sẽ được đào tạo tất cả các phần sau: Phần lý thuyết, phần học đạo đức người lái xe, phần học cấu tạo sửa chữa xe cơ bản, phần học thực hành trên sa hình, phần học lái xe trên đường trường. Tất cả tổng cộng phải đạt trên 100 giờ học. Chính vì số lượng kiến thức được đào tạo của mỗi học viên được gia tăng nên học phí đào tạo lái xe cũng sẽ tăng theo. Ước tính, đối với học phí đào tạo lái xe ô tô hạng B2 sẽ có mức tối thiểu từ 15 - 20 triệu đồng, tức tăng khoảng gấp 2 - 3 lần so với thời điểm hiện tại.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa.  Ảnh: TTXVN

Trước thông tin này, nhiều người dân ở tỉnh Kon Tum đã gác lại nhiều dự định trong năm 2020 để có được tấm bằng lái xe trước khi Thông tư 38 có hiệu lực. Anh Nguyễn Hữu Long (phường Duy Tân, TP Kon Tum, Kon Tum) là một trong số đó. Theo anh Long, thời gian gần đây anh nghe một số thông tin trong thời gian sắp tới việc thi giấy phép lái xe ô tô sẽ khó hơn, học phí cũng cao hơn hiện tại rất nhiều lần. Do đó, anh tranh thủ thời gian đi học sớm để tránh việc nộp học phí cao.

“Tôi nghe nói bắt đầu từ ngày 1/5, muốn thi bằng B2 phải học ròng rã 6 tháng trời. Đối với học phí đào tạo lái xe ô tô hạng B2 sẽ có mức tối thiểu từ 20-30 triệu đồng. Tranh thủ lúc chưa có gì thay đổi, tôi liền đăng kí nộp hồ sơ đi học”, anh Long cho biết.

Cũng phải “ráng được cái bằng B2”, vợ chồng anh Lê Văn Mười (trú huyện Đăk Tô, Kon Tum) dù cách thành phố Kon Tum gần 60 km cũng lên đây đi học lấy bằng lái. Anh cho biết, vì nghe nói, thời gian tới sẽ tăng học phí lên đến 30 triệu đồng nên anh và vợ rủ nhau xuống thành phố Kon Tum học bằng lái. Dù xa, nhưng hai vợ chồng cũng cố gắng tranh thủ học sớm cho đỡ tốn tiền. Nếu học phí lái xe ô tô B2 lên đến 30 triệu đồng thì hai vợ chồng học mất tới 60 triệu; tranh thủ lúc học phí đang rẻ nên hai vợ chồng túc tắc đèo nhau từ huyện về thành phố nộp hồ sơ đi học.

Theo tìm hiểu của phóng viên tại các cơ sở đạo tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên địa bàn tỉnh, lượng hồ sơ người dân nộp vào học giấy phép lái xe rất lớn. Ông Tiêu Quang Tuyến, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Công nhân Kỹ thuật vận tải (Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Kon Tum) cho biết, các năm trước, vào dịp đầu năm, lượng người nộp hồ sơ học bằng lái xe hạng B2 tăng hơn dịp cuối năm nhưng chưa năm nào lại tăng đột biến như năm nay. Nếu như các năm trước, khoảng thời gian đầu năm chỉ có khoảng 150 người mua hồ sơ học. Thậm chí có thời điểm trung tâm phải đăng thông báo tuyển sinh nhưng vẫn thiếu học viên. Thế nhưng năm nay, dù mới là đầu năm nhưng lượng hồ sơ đăng kí học đã tăng lên trên 400 hồ sơ. Có người đến mang theo cùng một lúc 4-5 bộ hồ sơ đăng kí học cho vợ, con, anh em. Đặc biệt, có người mang đến nộp cả 10 bộ hồ sơ, nộp luôn cho cả đồng nghiệp, bạn bè. Có ngày trung tâm nhận từ 40-50 hồ sơ đăng kí học bằng lái.

Tương tự, tại Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Koruco Kon Tum cũng đang trong tình trạng quá tải. Ông Lê Văn Hướng, Giám đốc Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Koruco (Công ty cổ phần Cao su Kon Tum) cho biết, thời gian gần đây, người dân tại nhiều nơi trên địa bàn ồ ạt rủ nhau đi học bằng lái xe ô tô, vì vậy, lượng hồ sơ thời điểm này quá nhiều. Hiện tại trung tâm chuẩn bị khai giảng khóa 97 nhưng hồ sơ đã nhận đến khóa 102. Hiện, đơn vị chúng tôi có hơn 350 hồ sơ đang chờ khai giảng, con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Vài ngày trước có một vị cán bộ đang công tác tại Kon Tum cũng đem đến nộp 7 bộ hồ sơ đăng kí học bằng lái xe hạng B2.

Theo ông Hướng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân đổ xô đi học bằng lái là do Thông tư 38 quy định về đào tạo và sát hạch lái xe có một số điều chỉnh. Cụ thể, từ ngày 1/5, các trung tâm sẽ lắp camera giám sát người học. Học viên khi tham gia học sẽ điểm danh bằng vân tay. Học viên nếu vắng học quá số tiết sẽ không được thi thực hành mà phải hoàn thành phần học lý thuyết. Sau khi thi lý thuyết, các học viên sẽ phải thi trên thiết bị mô phỏng, khi hoàn thành bài thi này mới tiếp tục thi phần thực hành. Bắt đầu từ ngày 1/1/2021, các trung tâm sẽ lắp đặt các camera giám sát vào xe để nhận dạng học viên. Quy định này yêu cầu học viên phải thực hành đủ số km quy định thì mới được thi.

Trước sự việc người dân ồ ạt đi học bằng lái xe do lo sợ học phí tăng, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum đã có công văn gửi các cơ sở đào tạo lái xe về việc triển khai các quy định trong công tác đào tạo lái xe.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum đã đề nghị các đơn vị đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh thực hiện tuyên truyền để người dân hiểu nội dung đổi mới và lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo lái xe ô tô trong thời gian tới; tuyệt đối không được lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia các lớp học lái xe khi nhu cầu của người dân chưa thực sự cần thiết; thực hiện nghiêm Điều 2 quy định về xây dựng mức thu học phí và Điều 5 quy định về chi phí trong công tác đào tạo lái xe tại Thông tư liên tịch số 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT ngày 27/5/2011 do liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải ban hành hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính trong hoạt động đào tạo lái xe cơ giới đường bộ; đồng thời quán triệt các học viên tại cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định trong quá trình học và tham gia sát hạch lái xe.

Mặt khác, Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum yêu cầu các học viên tuyệt đối không được sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để học, sát hạch cấp mới giấy phép lái xe; không mang theo điện thoại di động, thiết bị viễn thông liên lạc bằng hình ảnh, âm thanh vào phòng sát hạch lý thuyết, lên xe sát hạch hoặc có hành vi gian dối khác làm sai lệch kết quả sát hạch.

Quang Thái/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN