TTVH Online

Góc nhìn 365: 'Tiếp lửa' cho ca trù

25/02/2020 07:40 GMT+7

Vài ngày qua, thông tin và những hình ảnh về việc Google vinh danh ca trù Việt Nam đang liên tục được chia sẻ trong sự phấn khích của cộng đồng.

(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày qua, thông tin và những hình ảnh về việc Google vinh danh ca trù Việt Nam đang liên tục được chia sẻ trong sự phấn khích của cộng đồng.

Bảo tồn di sản ca trù: Câu ca, nhịp phách vang ngân dịp cuối tuần

Bảo tồn di sản ca trù: Câu ca, nhịp phách vang ngân dịp cuối tuần

Vào tối thứ Bảy hàng tuần, câu ca, nhịp phách ca trù lại vang ngân tại Bích Câu Đạo quán (Hà Nội), đưa không gian này thành điểm hẹn của những người yêu di sản.

Trước đó, khi bước sang ngày 23/2, trang chủ Google đã sử dụng biểu tượng tạm thời (Google Doodle) được thiết kế để diễn tả một canh hát ca trù, kèm theo đó là những giới thiệu trang trọng về xuất xứ và giá trị của di sản từng được UNESCO ghi danh vào năm 2009.

Đây không phải lần đầu tiên, những giá trị của văn hóa Việt xuất hiện trên Google Doodle. Nhưng với ca trù, việc được giới thiệu trên mạng tìm kiếm lớn nhất thế giới là một câu chuyện đặc biệt – nếu xét tới những gì nó đã trải qua.

Thực tế, từng có một thời gian dài bị lãng quên trong quá khứ, ca trù Việt Nam mới chỉ manh nha phục hưng trong những năm gần đây. Bản thân, danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” mà UNESCO từng trao tặng cho nó cũng nói lên thực trạng này - khi mà 11 năm qua, ca trù vẫn chưa được đưa ra khỏi danh mục “cần bảo vệ khẩn cấp”.

Và, dù khái niệm “ca trù” cũng đã bắt đầu trở nên quen thuộc trong đời sống xã hội, những thông tin, kiến thức cụ thể về nó cũng chưa đến được rộng rãi với cộng đồng. Bởi, trong suy nghĩ chung của mọi người, ca trù vẫn chỉ gắn với hình ảnh của những đào nương và các canh hát tại ca quán - vốn chỉ là một trong những dạng thức tồn tại của ca trù theo lịch sử phát triển.

Chú thích ảnh
Đào nương Nguyễn Thị Như Quỳnh trình diễn hát nói "Thông minh nhất nam tử và Hàn Tín" tại Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2019. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Do vậy, như những gì được chia sẻ nhiều người tỏ ra bất ngờ và thú vị trước lời giới thiệu của Google về ca trù: Đây là thể loại nhạc truyền thống được tôn sùng nhất của Việt Nam, từng có phong cách diễn xướng “giống như các nghi lễ geisha của Nhật Bản và các màn trình diễn kịch của vở opera” và từng là “trò giải trí cho giới quý tộc trong hoàng cung”.

Thậm chí, việc Google coi ngày 23/2 (mùng 1 tháng 2 Âm lịch) là ngày “giỗ tổ ca trù” cũng là một thông tin khiến nhiều người ngạc nhiên - khi mà trên thực tế, các giáo phường ca trù tại Việt Nam thường có những ngày “giỗ tổ” khác nhau theo truyền thống. (Theo lý giải của một chuyên gia, thời điểm này gắn với ngày giỗ Đào nương Đào Thị Huệ - một trong những vị tổ của ca trù. Tương truyền, bà sống vào thế kỷ 15, từng lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh và hiện vẫn được tôn vinh trong lễ hội Đào nương từ mùng 1 đến mùng 6 tháng 2 Âm lịch hàng năm tại Hưng Yên).

***

Đọc lại các tư liệu, chúng ta sẽ thấy ca trù đã từng có những năm tháng hoàng kim và được trọng thị không kém bất cứ bộ môn nào trong kho tàng nghệ thuật truyền thống. Loại hình âm nhạc - diễn xướng ngôn từ ấy cũng có một sức sống đặc biệt, khi có thể sáng tạo, du nhập thêm những thể cách mới và tồn tại trong mọi hoàn cảnh: Gắn với các nghi lễ tín ngưỡng địa phương, sử dụng trong cung đình (đặc biệt là từ thời Lê Trung Hưng), thậm chí “bén rễ” ở những đô thị hiện đại đầu thế kỷ 20 và gần như trở thành một biểu trưng văn hóa của Hà Nội.

Chú thích ảnh
Ca nương Đặng Thị Lụa trình diễn hát nói "Gánh gạo đưa chồng" tại Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội 2019. Ảnh: Đinh Thuận - TTXVN

Thậm chí, dẫn lại ghi chép của cố nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, nhà phê bình âm nhạc Bùi Trọng Hiền vẫn thường nhắc tới một hình ảnh xúc động và bi tráng nhất của ca trù trong quá khứ: Năm 1946, khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, một trong những chuyến tàu cuối cùng tại Hà Nội đã chở khoảng 300 đào nương tình nguyện lên chiến khu để sung vào đội ngũ dân công, như dấu chấm hết cho một giai đoạn từng là dòng nghệ thuật chủ lưu phía Bắc của loại hình này.

Kể lại những câu chuyện ấy không phải để tiếc nuối cho ca trù - khi mà những thay đổi của xã hội hiện đại đã làm di sản này không còn giữ được vị thế như xưa. Thực tế, từ khi được UNESCO ghi danh, ca trù cũng đã phần nào được quan tâm trở lại, với những cuộc thi, những khóa đào tạo và cả những nghiên cứu, mày mò để phục dựng phần nội dung từng mai một.

Nhưng, để ca trù thật sự tìm lại được phần nào sức sống từng có, đó không thể chỉ là câu chuyện của riêng ngành văn hóa hay của 14 địa phương đang sở hữu nghệ thuật ca trù trên cả nước. Xa hơn, ca trù cần được cả xã hội quan tâm và tự hào về nó - như tâm lý chúng ta đang có sau sự tôn vinh của Google.

Cúc Đường

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN