TTVH Online

Chữ và nghĩa: Nhân một trường hợp viết tắt

19/02/2020 07:44 GMT+7

Có nhiều người ngạc nhiên là không biết nên gọi dịch bệnh do chủng mới virus corona gây nên (xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019) đang làm xáo trộn cuộc sống gần như của cả thế giới là gì cho đúng.

(Thethaovanhoa.vn) - Có nhiều người ngạc nhiên là không biết nên gọi dịch bệnh do chủng mới virus corona gây nên (xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm 2019) đang làm xáo trộn cuộc sống gần như của cả thế giới là gì cho đúng.

Góc nhìn 365: Tình yêu mùa dịch corona

Góc nhìn 365: Tình yêu mùa dịch corona

Ngày mai 14/2 là ngày Valentine - thời điểm quen thuộc để nhân loại cùng tôn vinh tình yêu đôi lứa. Và chúng ta đang có một ngày Valentine rất đặc biệt, giữa bóng đen của dịch bệnh do chủng mới virus corona - Covid-19 (nCoV).

Chúng ta đã biết, có khá nhiều tên gọi mang tính định danh cho hiện tượng này. Không nói những tên tự đặt "trôi nổi" trên mạng, như “virus corona/coronavirus Vũ Hán”, “viêm phổi Vũ Hán”, “virus viêm phổi chợ Hoa Nam Vũ Hán (Trung Quốc)”... những tên tắt được đặt chính thức cũng không chỉ có 1: 2019-nCoV, nCoV-2019, nCoV 2019/19... và gần đây là COVIT 2019/COVIT-2019/19, Covit/Covit-2019/19...

nCoV-2019 là tên viết tắt của "New Corona Virus 2019" (virus corona (chủng) mới, phát sinh vào năm 2019). Từ ngày 11/2/2020, WHO chính thức gọi tên bệnh dịch do virus này gây ra là "COVID-2019 hoặc COVIT-19". Đó là tên viết tắt từ tổ hợp "Corona Virus Disease 2019" (Bệnh do virus corona, phát sinh năm 2019). Viết như vậy, WHO chỉ đích danh đây là: 1. một loại bệnh, 2. có nguồn gốc từ một loại virus và 3. thời điểm phát sinh/phát hiện ra bệnh, đồng thời cũng có ý tránh liên hệ với vị trí địa lý cụ thể và tránh kỳ thị.

Sẽ có người hỏi, nCoV, COVID là viết tắt theo phương thức nào? Tại sao nCoV chữ hoa chữ không hoa, COVID lại viết hoa toàn bộ và còn có thể viết nửa hoa nửa thường là "Covid"?

"Tắt hóa" có hai chức năng: 1. rút gọn tổ hợp từ (chủ yếu nhằm mục đích tiết kiệm) và 2. rút gọn và định danh (tức là không chỉ "tỉnh lược" độ dài mà còn tạo nên một đơn vị từ vựng mới). Hầu hết tên tắt tiếng Anh mà chúng ta biết đều chọn cách lấy một chữ cái (đại diện cho một từ trong tổ hợp nhiều từ) và ghép vào nhau thành tên tắt. Chẳng hạn: WHO (World Health Organization - Tổ chức Y tế Thế giới); APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation - Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương); ASEAN (Association of South East Asian Nations - Hiệp hội các nước Đông Nam Á); EC (The European Community - Cộng đồng châu Âu); UN (United Nations - Liên Hợp Quốc); v.v…

Chú thích ảnh
Corona Virus. Ảnh: Internet

Nhưng cũng có những trường hợp viết tắt theo kiểu "cắt từ", tức là lấy một đoạn âm tiết làm đại diện chứ không chỉ lấy một chữ cái, và không nhất thiết lấy hết các từ có mặt tham gia tổ hợp tắt. Chẳng hạn: nCoV (lấy "co" từ "corona"); INTERNET/internet (Interconnected System of Networks - Hệ thống các mạng máy tính được kết nối toàn cầu); INTERPOL (International Criminal Police Organization - Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế), v.v… Cũng nên lưu ý, khi đã thành một đơn vị định danh mới (từ mới) thì từ viết tắt kia có thể viết thường, đọc thường như các từ khác (internet, intranet, covid...).

Cách viết tắt trong tiếng Việt, về cơ bản, cũng tuân thủ những nguyên tắc mà tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga đang áp dụng. Chẳng hạn: 1. Lấy chữ cái đầu, hoa toàn bộ: HN (Hà Nội); TP HCM (Thành phố Hồ Chí Minh); ĐHBK (Đại học Bách Khoa); BCH (ban chấp hành); TT&VH (Thể thao & Văn hoá)... 2. Lấy một phần âm tiết: XUNHASABA/Xunhasaba (Công ty Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam); VATASO/ Vataso (Công ty Vận tải Đường sông); COGIDONA (Công ty Giấy Đồng Nai); VINATABA/Vinataba (Việt Nam Tabaco - Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam)... Cách viết tắt thứ hai tạo ra từ mới và có thể đọc thành các âm tiết rời mà vẫn hiểu được (xu-nha-xa-ba, cô-di-đô-na, vi-na-ta-ba...) còn loại 1 chỉ viết tắt chứ đọc tắt không ai hiểu (HN không đọc là “hờ-nờ", TT&VH không đọc là "tê-tê và vê-hát...).

Chú thích ảnh
Covid-19. Ảnh: Internet

Điều lạ là gần đây, có một số từ tắt người ta lại tự nhiên thêm dấu chấm vào. Điển hình là các tổ hợp tắt GS TS (giáo sư tiến sĩ), PGS TS (phó giáo sư tiến sĩ), TS (tiến sĩ)... được viết thành GS. TS., PGS. TS., TS.,... Vô lý là những chữ tắt này không viết như mọi từ bình thường khác. Ví dụ: UV (ủy viên); TTXVN (Thông tấn xã Việt Nam); HTX (hợp tác xã)... mà lại thêm các dấu chấm vào giữa mới kỳ. Nhiều người lập luận rằng dấu chấm này có giá trị phân cách các từ hay ngữ đứng cạnh nhau. Nếu thế thì một loạt tổ hợp tương tự cũng phải có dấu chấm phân biệt: ủy viên ban chấp hành công đoàn = UV. BCH. CĐ.; Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam = CH. XHCN. VN.; Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh = ĐH. SP. TP. HCM. v.v… (Cũng phải nói thêm, hiện tại có vài trường hợp không hoa, có dấu chấm: tr. = trang; t. = tập; s. = số; nhưng đó chỉ là ngoại lệ).

Lại có trường hợp người ta không viết hoa tất cả các chữ tắt như thông lệ (mà viết hoa có chọn lọc). Thí dụ: Nhà xuất bản = Nxb.; Thành phố Hồ Chí Minh = Tp. HCM.; Giáo sư = Gs.;... coi đó là "khoa học" vì mô phỏng đúng tình trạng viết hoa và không hoa trong tổ hợp (!). Nếu thế thì, Nhà xuất bản Giáo dục sẽ là Nxb. Gd.; Nhà xuất bản Công an Nhân dân sẽ là Nxb. CaNd.; Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa sẽ là Ch. Xhcn.; Tắt đèn (tác phẩm) = Tđ; Thông tấn xã Việt Nam sẽ thành Ttx VN...

Có thể nói, những cách viết tắt kiểu đó vừa phá vỡ hệ thống quy ước, vừa làm rắc rối thêm cách viết và kém tính thẩm mỹ. Nhưng đáng tiếc là do thói quen của đa số mà cái bất hợp lý này đang được "người người đua nhau, nhà nhà đua nhau". Nó cũng trở thành phổ biến cho hầu hết các văn bản, kể cả văn bản của giới khoa học.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN