TTVH Online

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Dối trá, khai man để được cấp lại giấy phép lái xe sẽ bị xử lý nghiêm

14/02/2020 19:22 GMT+7

Sáng 14/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành về thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và thu tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 14/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành về thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và thu tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Hà Nội: Nhiều trường hợp uống rượu bia khi lái ô tô, xe máy bị phạt nặng, tước giấy phép lái xe

Hà Nội: Nhiều trường hợp uống rượu bia khi lái ô tô, xe máy bị phạt nặng, tước giấy phép lái xe

Ngày 2/1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội đã đồng loạt triển khai xử lý vi phạm giao thông theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Hoàn thiện quy trình trả giấy tờ tạm giữ trong xử lý vi phạm hành chính tại nhà

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cho biết, thực hiện Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một số ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán để nghiên cứu, xây dựng, cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến; đồng thời, phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Công an để tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp khai, nộp thuế và thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Đến nay đã hoàn thành tích hợp với Ngân hàng Vietcombank và VNPTpay; tích hợp triển khai thí điểm thanh toán trực tuyến tại An Giang đối với luồng thanh toán phí, lệ phí ngay khi nộp hồ sơ trực tuyến (đặt payment platform tại Cổng dịch vụ công của An Giang để cá nhân, tổ chức lựa chọn thanh toán); thực hiện kết nối thử nghiệm với Cổng dịch vụ công tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán phải điều chỉnh một số nội dung liên quan đến quy trình, nghiệp vụ (như: các nghiệp vụ liên quan đến Biên lai điện tử; đối soát giữa các ngân hàng, trung gian thanh toán với Kho bạc,…) nên có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện theo yêu cầu phải hoàn thành để đưa vào triển khai trong quý I/2020. Số lượng các ngân hàng và trung gian thanh toán hoàn thành việc tích hợp với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn thấp. Một số ngân hàng thương mại và trung gian thanh toán hiện đang nghiên cứu hướng dẫn tích hợp, kết nối để phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai thực hiện. Việc đối soát giữa các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán và các đơn vị cung cấp dịch vụ công hiện đang thực hiện theo quy chế được ký giữa các bên. Do đó, việc ký kết quy chế này dẫn đến tốn nhiều thời gian (do một ngân hàng phải thỏa thuận với nhiều cơ quan để ký nhiều quy chế), cũng như có thể ảnh hưởng đến cơ hội lựa chọn đơn vị có dịch vụ thanh toán tốt nhất để thực hiện thanh toán phí, lệ phí của cá nhân, tổ chức.

Chú thích ảnh
Thí sinh sát hạch hạng C thi phần sa hình. (Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN)

Về tích hợp, cung cấp dịch vụ kê khai, nộp thuế trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đối với việc nộp thuế doanh nghiệp, đã được tích hợp ngay từ giai đoạn khai trương 09/12/2019. Đối với thuế cá nhân, Tổng cục Thuế đã chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông (VNPT) để thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu Sổ thuế cá nhân phục vụ cho việc nộp thuế cá nhân, thuế trước bạ trực tuyến. Hiện nay, các bên đang phối hợp để xử lý vấn đề kỹ thuật liên quan đến vướng mắc về máy chủ bảo mật, phấn đấu hoàn thành để có thể đưa vào triển khai việc tra cứu, nộp thuế cá nhân trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ 20/2/2020.

Song, vướng mắc hiện nay là chưa thực hiện đăng nhập một lần (SSO) giữa Cổng Dịch vụ công Quốc gia với các ngân hàng thương mại do các ngân hàng lo ngại việc vướng quy định xác thực giao dịch internet banking tại Thông tư số 35/2016/TT-NHNN. Theo đó, quy trình thanh toán hiện tại chưa thật sự thuận lợi do người dân, doanh nghiệp phải đăng nhập 2 lần mới thực hiện được việc thanh toán.

Về tích hợp, cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ, VNPT, Bưu điện Việt Nam (Vnpost) để tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ. Hiện nay, các bên về cơ bản đã thống nhất luồng quy trình nghiệp vụ; nội dung thông tin tích hợp, chia sẻ dữ liệu hai chiều giữa Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của Bộ Công an với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để phục vụ cho việc thanh toán trực tuyến tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát giao thông. Trên cơ sở kết quả thống nhất giữa các bên, Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ đang xây dựng, hoàn thiện các hệ thống tương ứng của các bên.

Ông Ngô Hải Phan cho biết, theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT-BCA, việc in, sử dụng, quản lý biểu mẫu biên bản xử lý vi phạm hành chính do Công an các đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm nên việc thực hiện chủ yếu bằng giấy và có sự trùng nhau về số biên bản xử phạt. Bên cạnh đó, phần mềm xử lý vi phạm hành chính của Bộ Công an hiện nay mới chỉ triển khai ở khoảng 40 địa phương. Vì vậy, theo yêu cầu phải triển khai thực hiện dịch vụ này toàn quốc ngay trong quý I/2020 là rất khó khăn. Theo đó, Cục Cảnh sát giao thông kiến nghị, giai đoạn I (từ 12/3/2020) triển khai thí điểm tại 5 địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận); giai đoạn II (6/2020) sẽ triển khai toàn quốc.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đề nghị Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để sớm hoàn thành, đưa vào thử nghiệm tra cứu, thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (đối với thẩm quyền xử phạt của Cảnh sát giao thông). Trong đó, lưu ý vấn đề chia sẻ dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phục vụ cho việc cấp, cấp lại, đổi giấy phép lái xe.

Ông cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, phối hợp với Văn phòng Chính phủ để sớm hoàn thành, đưa vào thử nghiệm tra cứu, thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (đối với thẩm quyền xử phạt của Thanh tra giao thông). Kho bạc Nhà nước tổ chức tích hợp để đảm bảo thực hiện tốt dịch vụ thu nộp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Vnpost phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông để hoàn thiện quy trình trả giấy tờ tạm giữ trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ tại nhà.

Chú thích ảnh
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra giấy phép lái xe của một chủ phương tiện. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Tăng tỷ lệ cấp, đổi giấy phép lái xe là nhu cầu thực tế

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, việc triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến cấp, đổi giấy phép lái xe; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và thu lệ phí trước bạ đăng ký phương tiện giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đã sẵn sàng. Ngay từ mùng 6 Tết, Cục đã cùng sát cánh với Văn phòng Chính phủ triển khai nhiệm vụ này. Đến 9 giờ tối 13/2, cơ bản hoàn thành về quy trình nghiệp vụ.

Về lộ trình thực hiện, vì đây là vấn đề mới nên Thiếu tướng Lê Xuân Đức đề xuất để đánh giá, đo lường sự hài lòng của người dân cũng như để người dân thấy sự thiết thực của các dịch vụ này, giai đoạn I nên triển khai thí điểm ở 5 địa phương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận bởi đây là các tỉnh, thành phố có tỷ lệ xử phạt vi phạm hành chính chiếm một nửa của cả nước. Sau khi thí điểm, Cục Cảnh sát giao thông sẽ triển khai trên toàn quốc.

Riêng với thủ tục thu lệ phí trước bạ, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đề nghị giai đoạn I triển khai ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vì tỷ lệ đăng ký phương tiện giao thông ở đây là lớn nhất.

Giải đáp thắc mắc của dư luận về việc sau khi áp dụng Nghị định 100/2019/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), nhu cầu cấp, đổi giấp phép lái xe tăng mạnh, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, trước đây một lái xe có thể có 2-3 giấy phép lái xe, có người báo mất để được cấp lại, hoặc báo mất ở địa phương này để xin cấp ở địa phương khác, nhưng giờ đã có kết nối rất hiệu quả, nếu lái xe báo mất, trên hệ thống của Tổng cục Đường bộ sẽ kiểm tra. Chính sự kết nối này đã khắc phục được tình trạng trên.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định những vấn đề về gian lận, dối trá, khai man để được cấp lại giấy phép lái xe sẽ bị xử lý rất nghiêm. “Như vậy, việc tăng tỷ lệ cấp, đổi giấy phép lái xe là nhu cầu thực tế chứ không phải do khai man, báo mất. Cơ quan Nhà nước đã phát hiện và khắc phục vấn đề này bằng kết nối chia sẻ giữa các cơ quan”, ông Dũng nói.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 12/3, Văn phòng Chính phủ sẽ khai trương trung tâm báo cáo quốc gia, phục vụ cho điều hành của Chính phủ, Thủ tướng; kết hợp sơ kết 3 tháng triển khai Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Nhấn mạnh Cổng này có nhiều dịch vụ liên quan đến người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan ủng hộ tinh thần cải cách của Thủ tướng, thúc đẩy cải cách bằng việc cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bởi đây là dư địa quan trọng cho tăng trưởng.

“Trong khi chúng ta bị thua thiệt về kinh tế do dịch COVID-19 (nCoV) thì chúng ta phải thúc đẩy cải cách bằng việc cung cấp dịch vụ công để huy động các nguồn lực trong xã hội, bù đắp những thiệt hại do dịch”, Bộ trưởng nói.

Ông đề nghị, các cơ quan Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế và ngân hàng thương mại, các cơ quan trung gian thanh toán phối hợp thật tốt, hoàn chỉnh các quy trình; các vấn đề kết nối thanh toán, nền tảng hạ tầng, cơ sở dữ liệu… phải được triển khai hoàn thành trước ngày 12/3. Khi Cảnh sát giao thông triển khai thí điểm thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ tại 5 địa phương trên thì Thanh tra giao thông cũng thực hiện đồng bộ. Đặc biệt về thủ tục hành chính, các cơ quan cung cấp dịch vụ công cần liên tục rà soát các thủ tục liên quan, cắt bỏ các thủ tục, giấy phép con, giảm thời gian và chi phí cho người dân.

“VNPT, Ngân hàng Nhà nước phải lường hết vấn đề liên quan, đừng để hacker tấn công, lợi dụng dịch vụ công để chui vào lấy tiền của người dân, làm mất uy tín là không ổn”, Bộ trưởng lưu ý.

Nêu quyết tâm thực hiện thanh toán trực tuyến đối với việc nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ, Bộ trưởng đề nghị Cục Cảnh sát giao thông và Tổng cục Đường bộ thực hiện tốt việc kết nối chia sẻ dữ liệu để tạo thuận lợi nhất về thủ tục trên nguyên tắc bên nào cung cấp dịch vụ, bên đó có trách nhiệm trả lời các khiếu nại và bên nhận tiền phải xuất hóa đơn, biên lai.

Chu Thanh Vân/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN