TTVH Online

Thư gửi robot Citizen: Văn hóa 'xi-nê'

14/02/2020 07:36 GMT+7

Sophia thân mến! Mấy tuần nay cả thế giới đau đầu về dịch bệnh corona (Covid-19) rồi, hoạt động giải trí nhiều nơi bị tạm dừng. Rạp chiếu phim chắc là vắng vẻ lắm. Mà nhân nói đến rạp chiếu phim, tôi lại phải kể một chuyện… đau đầu.

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Thư gửi robot Citizen: Sống thật, sống ảo

Thư gửi robot Citizen: Sống thật, sống ảo

Tình cờ, tôi đọc được bài thơ về sống ảo đạt giải Nhất trong cuộc thi thơ haiku Nhật - Việt. Bài thơ vỏn vẹn có 15 chữ: “Cà phê ngày Tình nhân/ Hai màn hình điện thoại/ Chiếu sáng hai mặt người”.

Mấy tuần nay cả thế giới đau đầu về dịch bệnh corona (Covid-19) rồi, hoạt động giải trí nhiều nơi bị tạm dừng. Rạp chiếu phim chắc là vắng vẻ lắm. Mà nhân nói đến rạp chiếu phim, tôi lại phải kể một chuyện… đau đầu.

Số là, cô Á hậu 2 Hoàn vũ Việt Nam 2017 Mâu Thủy đang trở thành tâm điểm “làn sóng chỉ trích” của cư dân mạng sau khi cô đăng tải khoảnh khắc gác chân lên ghế khi đi xem phim trên trang cá nhân. Mặc dù hình ảnh cho thấy phía trước rạp không có ai ngồi và cô Á hậu cũng đã đưa ra lời giải thích rằng cô chỉ “…giơ chân lên rồi chụp khi chưa có ai vào rạp…”, nhưng hành động “cao chân” này vẫn bị cho là khiếm nhã.

Nhắc đến thú “xi-nê” (cinema - xem phim) tôi nhớ lại những buổi chiếu bóng lưu động ngày xưa tại các khu tập thể. Những ngày có đội chiếu bóng về, không khí vui như trẩy hội. Phim ảnh khi ấy có cái gì đó quyến rũ, mê hoặc mọi người đến kỳ lạ, cho nên trong nghèo khó mà vẫn hình thành được cả một cái văn hóa xem chiếu bóng có một không hai.

Hình ảnh mọi người lũ lượt cầm ghế con, manh chiếu cũ, mảnh áo mưa, thậm chí là một vài viên gạch vỡ ra xí chỗ xem phim rất điển hình tại các bãi chiếu bóng công cộng lúc bấy giờ. Thoạt nhìn thì như vậy thôi nhưng khi ổn định buổi chiếu, bao giờ cũng rất hợp quy củ: phía trước gần màn ảnh là bọn trẻ con, xa dần về sau là những người có ghế ngồi, người lớn tuổi.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cánh thanh niên thường hay đứng phía sau hoặc là hai bên màn ảnh. Thi thoảng có những hôm phim đang chiếu, một số người nói chuyện quá to hoặc bô bô thuyết minh trước nội dung (nói như ngôn ngữ hiện nay là “spoil phim”) là y như rằng bị mắng cho té tát. Tự điều chỉnh, tự phục vụ - đó cũng là một nét văn hóa xem phim lúc bấy giờ.

Bước vào thời hội nhập, rồi thời công nghệ hiện đại, sự ra đời của thế hệ phim 3D, 4DX đã tạo ra văn hóa hóa xem phim mới ngoài rạp và không thể không nhắc đến “combo popcorn”, tặng kèm đồ chơi ăn theo bộ phim, rồi ghế đôi (sweetbox) ngọt ngào, sang chảnh… Nhiều người trẻ bây giờ xem việc đến rạp chiếu phim như là khoảng thời gian thư giãn cuối tuần, vừa xem phim mới, vừa hẹn hò, giao lưu, shopping... chính họ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường điện ảnh phát triển không ngừng. Bây giờ rất hiếm gặp những người cao tuổi, tay trong tay mua vé vào rạp để xem phim như ngày trước.

Tuy nhiên, vẫn có không ít những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa ở một số rạp chiếu phim. Đó là chuyện xả rác bừa bãi, ăn mặc thiếu lịch sự, hành vi ngả ngốn như trong nhà mình khi xem phim. Hay là bình luận vô duyên giữa buổi chiếu, nói chuyện điện thoại, để màn hình smartphone sáng choang làm ảnh hưởng đến xung quanh…

Hình ảnh khán giả gác chân lên khi xem phim không phải là chuyện hiếm gặp. Nhưng đỉnh điểm của vấn đề này theo tôi có lẽ là vụ việc một clip ghi lại cảnh một đôi trai gái có những hành “nhạy cảm” trên ghế sweetbox trong rạp chiếu phim bị phát tán trên mạng. Một hành vi không phù hợp văn hóa và thuần phong mỹ tục, thiếu ý thức tại nơi công cộng, rất đáng báo động.

Rõ ràng, không phải cứ rạp phim hiện đại là khán giả đến xem cũng sẽ có những ứng xử “văn minh hiện đại” - mặc dù điều này là rất cần phải có của mỗi khán giả.

Sophia thân mến!

Chúng ta không những cần phải ứng xử văn minh khi đến rạp phim, mà ngay cả khi thưởng thức môn “nghệ thuật thứ Bảy” này tại gia. Trước hết là tôn trọng bản quyền của các bộ phim này. Xem lậu phim ảnh là giết chết điện ảnh. Đồng thời chúng ta cũng phải tôn trọng các thành viên khác trong gia đình và hàng xóm xung quanh. Đặc biệt, không cho trẻ em xem những bộ phim không phù hợp lứa tuổi (đã có dán nhãn).

Hóa ra, khi mình xem phim thì cũng là lúc mọi người còn đang xem cả hành vi ứng xử của mình đấy, Sophia nhỉ.

Tạm biệt và hẹn gặp lại thư sau!

Quốc Thắng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN