TTVH Online

Đi SEA Games mệt, nhưng vui mà nhớ!

22/01/2020 05:55 GMT+7

Càng khó khăn thì chiến thắng càng ý nghĩa. Với đoàn Thể thao Việt Nam, vị trí thứ 2 toàn đoàn tại SEA Games 2019 là một thành công vang dội. Với nhóm phóng viên thể thao chúng tôi, tác nghiệp ở một đất nước mà khâu tổ chức còn nhiều hạn chế, dù vất vả trăm bề nhưng cũng thực sự đáng nhớ.

(Thethaovanhoa.vn) - Càng khó khăn thì chiến thắng càng ý nghĩa. Với đoàn Thể thao Việt Nam, vị trí thứ 2 toàn đoàn tại SEA Games 2019 là một thành công vang dội. Với nhóm phóng viên thể thao chúng tôi, tác nghiệp ở một đất nước mà khâu tổ chức còn nhiều hạn chế, dù vất vả trăm bề nhưng cũng thực sự đáng nhớ.

Xem màn trình diễn đầu tiên của Quang Hải sau chấn thương ở SEA Games 30

Xem màn trình diễn đầu tiên của Quang Hải sau chấn thương ở SEA Games 30

Sau SEA Games 30 không trọn vẹn vì chấn thương, Quang Hải trận đầu tiên trở lại khi cùng U23 Việt Nam ra quân gặp U23 UAE ở bảng D VCK U23 châu Á.

Muôn vàn những khó khăn

Philippines đã chi rất nhiều tiền cho khâu tổ chức SEA Games. Nhưng ở một đất nước mỗi năm phải hứng chịu trung bình 20 cơn bão lớn nhỏ khác nhau, dù chính quyền nước này đã nỗ lực, vẫn còn rất nhiều những vấn đề còn hiện hữu.

Manila trước ngày khai mạc SEA Games khoảng 1 tuần vẫn im ắng như chưa hề có sự kiện Đại hội thể dục thể thao lớn nhất Đông Nam Á xảy ra. Ngay cả khi những trận đấu đầu tiên của bộ môn bóng đá diễn ra, người dân Thủ đô Manila cũng không tỏ ra quan tâm.

Ở New Clark, thành phố mới được xây dựng để tổ chức các môn thi đấu của SEA Games vẫn ngổn ngang như công trường. Con đường dẫn tới làng VĐV vẫn chưa được hoàn tất. Biển hiệu, chỉ dẫn cũng hạn chế trong khi công tác tình nguyện, hướng dẫn của BTC cũng không có nhiều. Điều này dẫn đến tình trạng hoang mang rất lớn cho các đoàn thể thao khi đặt chân đến nơi này.

Một số đoàn như Myanmar, Thái Lan hay Timor Leste đã gặp rất nhiều vấn đề về chuyện ăn ở kể từ khi đáp xuống thủ đô Manila. Một số đội bóng phải đợi chờ hàng giờ đồng hồ tại sân bay trước khi được BTC bố trí xe đưa đón. Tuyển U22 Thái Lan thậm chí còn phải bỏ một buổi tập vì BTC bố trí khách sạn ở vị trí quá xa so với sân tập. Trong khi đó U22 Campuchia đã phải nghỉ ngay tại sảnh khách sạn do chưa được nhận phòng. Hay như chuyện đội nữ Việt Nam phản ánh về việc các bữa cơm thiếu đồ ăn khiến các cầu thủ không đủ năng lượng...

Chú thích ảnh
Phóng viên Trần Giáp và Hoàng Linh tác nghiệp ở Manila, Philippines

Những bất cập như vậy xuất hiện liên tục vào những ngày trước lễ khai mạc SEA Games. Nó buộc chính quyền Philippines cuối cùng cũng phải lên tiếng xin lỗi về sự hạn chế trong khâu tổ chức. Sau đó, những bất cập cũng dần được giải quyết, dù không triệt để hoàn toàn nhưng ít nhất, nó cũng giúp cho các đoàn có thể tập trung thi đấu.

Nhưng chiến thắng càng giá trị

Bất chấp những khó khăn gặp phải trên đất Philippines, đoàn Thể thao Việt Nam đã có một kì đại hội thành công ở đấu trường khu vực. 98 HCV, đứng thứ 2 chung cuộc. Điều đáng nói hơn, những tấm huy chương mà các VĐV Việt Nam giành được đều là những tấm huy chương của niềm vui, của những cảm xúc bất tận.

Nếu bóng đá nam Việt Nam chấm dứt cơn khát HCV kéo dài 60 năm ở đấu trường SEA Games thì bóng đá nữ, với trận chung kết nghẹt thở trước Thái Lan, đã khẳng định về sức mạnh của bóng đá nữ ở đấu trường khu vực. Càng tuyệt vời hơn, chiến thắng 1-0 trước Thái Lan trong trận chung kết cho thấy tinh thần chiến đấu quả cảm, kiên cường, vượt qua mọi khó khăn của những cô gái. Tinh thần ấy được chính HLV Mai Đức Chung khẳng định "chỉ có người phụ nữ Việt Nam mới có được".

Những tấm HCV bóng đá mang lại niềm vui nức lòng cho hơn 90 triệu dân Việt Nam. Nhưng cũng có những tấm huy chương mang lại những phút giây trầm lắng, nghẹn ngào trong cảm xúc. Khi VĐV Vương Thị Huyền giành HCV cử tạ ở hạng cân 45kg, cô đã bật khóc nức nở. "Bố mẹ ơi, con đã làm được rồi". Đó là những tiếng nghẹn ngào của cảm xúc bị kìm nén khi 10 ngày trước khi sang Philippines, bố của Huyền qua đời. Trước đó, vào năm 2013, cũng vì đi thi đấu, Huyền đã không ở bên mẹ khi bà trút hơi thở cuối cùng.

Chú thích ảnh
Phóng viên Trần Giáp và Vũ Tú tác nghiệp trong một trận bóng đá ở Manila

Với VĐV Phạm Thị Hồng Lệ thì hoàn toàn khác. Dù chỉ giành tấm HCĐ ở môn Marathon với quãng đường dài 42,195 km dành cho nữ, Hồng Lệ vẫn xứng đáng được ghi nhận bởi những nỗ lực tuyệt vời của mình. Dưới trời nắng nóng ở New Clark, 7 VĐV nữ tham dự nhưng khi về đích chỉ có 5 người, còn 2 người phải bỏ cuộc. Phạm Thị Hồng Lệ đã gục ngã ở đích đến sau khi hoàn thành phần thi với thành tích 3 giờ 2 phút 52 giây. Hồng Lệ lập tức được đưa vào phòng y tế và phải nhờ vào sự chăm sóc của các bác sĩ. Cô bị chuột rút toàn thân, cơ bị căng cứng không thể cử động được và phải thở oxy. Khi BTC trao huy chương, Hồng Lệ thậm chí không tự mặc được quần dài và phải nhờ tới sự giúp đỡ của các thành viên BHL. Khi được dìu lên bục nhận huy chương, Hồng Lệ đã bật khóc.

Một kì SEA Games đáng nhớ

"Đây là kì SEA Games vất vả nhất mà tôi từng trải qua", anh Đỗ Tuấn, phóng viên báo Bóng đá, người đã trải qua 10 kì SEA Games đã phải thốt lên như thế. Khi các vận động viên không có được điều kiện thi đấu tốt đẹp nhất thì việc các phóng viên tác nghiệp ở SEA Games khó khăn trăm bề cũng là điều dễ hiểu.

Vấn đề lớn nhất với các phóng viên chính là việc di chuyển. Các nhà thi đấu ở Manila lẫn New Clark đều rất xa nhau nhưng BTC không hề bố trí các xe bus đưa đón và các phóng viên đều phải tự túc. Nhưng đi lại ở Philippines thì không hề dễ dàng khi tình trạng tắc đường thậm chí còn khủng khiếp hơn Việt Nam rất nhiều lần. Chúng tôi đã mất tới 5 tiếng đồng hồ trên ôto dù quãng đường giữa hai thành phố Manila và Binan chỉ cách nhau có gần 50km.

Việc bắt taxi, hay grab cũng là một vấn đề nhất là vào giờ cao điểm. Các tài xế thậm chí còn từ chối chạy theo giá cước và sẵn sàng đưa ra những cái giá rất cao. Để không muốn lỡ dở công việc, chúng tôi không còn cách nào khác là phải chấp nhận những cái giá được cho là trên trời nếu so sánh với taxi ở Việt Nam.

Chú thích ảnh
Phóng viên Trần Giáp (phải) và nhà vô địch cử tạ nữ SEA Games 30 Vương Thị Huyền trong phút giây chiến thắng

Ngay cả ở các trung tâm báo chí của nhà thi đấu cũng không có được điều kiện tốt nhất cho phóng viên tác nghiệp. Những phòng họp báo sơ sài theo kiểu dã chiến, tình trạng wifi, internet cực tệ. Ngay như nước uống phục vụ cũng không đủ cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Trước quá nhiều những hạn chế như thế, tất cả chúng tôi chỉ biết lắc đầu, chấp nhận trong ngao ngán...

Khó khăn là thế, nhưng với các phóng viên Việt Nam như chúng tôi, đó vẫn là một kì SEA Games thực sự đáng nhớ. Chúng tôi đã vỡ òa khi tiếng còi kết thúc 120 kịch tính ở trận chung kết bóng đá của tuyển nữ Việt Nam. Chúng tôi đã nín thở, căng thẳng khi Phạm Thị Hồng Thanh giành HCV sau cú lật kèo lịch sử ở nội dung cử tự hạng 59 kg giành cho nữ. Hay những lần đội mưa bão Kammuri, chạy bộ từ nhà thi đấu này sang nhà thi đấu khác chỉ để được chứng kiến những khoảnh khắc chiến thắng của VĐV nước nhà...

"Mệt nhưng mà sướng, mà đã", phóng viên Hoàng Linh đã phải thừa nhận như thế. Chúng tôi, đã có một ki SEA Games thực sự vất vả trong quá trình tác nghiệp. Nhưng bù lại, chúng tôi được tận hưởng trực tiếp cảm giác của những chiến thắng, của một kì SEA Games thành công nhất trong lịch sử của đoàn thể thao Việt Nam.

Trần Giáp

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN