TTVH Online

Quảng Ninh: Huyện miền núi Hoành Bồ chính thức được sáp nhập vào thành phố Hạ Long

12/01/2020 22:43 GMT+7

Tối 12/1, tại Quảng trường Sun Carnival Plaza (thành phố Hạ Long), tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ Kỷ niệm 20 năm vịnh Hạ Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (lần thứ 2) và công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh.

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 12/1, tại Quảng trường Sun Carnival Plaza (thành phố Hạ Long), tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ Kỷ niệm 20 năm vịnh Hạ Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (lần thứ 2) và công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh.

'Lan tỏa và hội nhập' cùng Festival âm nhạc Quốc tế - Hạ Long 2020

'Lan tỏa và hội nhập' cùng Festival âm nhạc Quốc tế - Hạ Long 2020

Tối 10/1, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh, Festival âm nhạc Quốc tế - Hạ Long 2020 (HALOMUS) với chủ đề “Hạ Long – Lan tỏa và hội nhập” chính thức khai mạc.

Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu biểu dương tỉnh Quảng Ninh trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có của tỉnh để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội; đồng thời đánh giá cao quyết tâm chính trị, đổi mới sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong việc cụ thể hóa và thực hiện các chủ trương của Trung ương, Nhà nước.

Chú thích ảnh
Lễ trao Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Văn Đức – TTXVN

Để thành phố Hạ Long mới phát triển xứng tầm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh quan tâm thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu dịch vụ hiện đại, chất lượng, bảo tồn và phát huy giá trị kỳ quan thiên nhiên thế giới; chăm lo công tác xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội động bộ, hiện đại, sớm hoàn thành hệ thống giao thông kết nối phía Đông và phía Tây của tỉnh; quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối lên các xã vùng núi khó khăn.

Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH về sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh, theo đó: Nhập toàn bộ 843,54 km2 diện tích tự nhiên và dân số (51.003 người) của huyện Hoành Bồ với toàn bộ 275,58 km2 diện tích tự nhiên và dân số (249.264 người) của thành phố Hạ Long. Sau sắp xếp, điều chỉnh, thành phố Hạ Long mới có diện tích tự nhiên 1.119,36 km2, đạt 746,08% và quy mô dân số 300.267 người, đạt 200,17%  so với quy định. Đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Hạ Long gồm: 33 đơn vị cấp xã, bao gồm 21 phường và 12 xã.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng sáp nhập 9 đơn vị hành chính cấp xã của 5 huyện, thành phố trực thuộc. Sau sắp xếp, sáp nhập, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện, 4 thành phố và 2 thị xã; 177 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 98 xã, 72 phường và 7 thị trấn.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long là sự kiện lịch sử, có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của thành phố Hạ long và của tỉnh Quảng Ninh. Đó là sự kết tinh, khát vọng, sự trăn trở của bao thế hệ lãnh đạo tỉnh; là kết quả của cả một quá trình diễn tiến khách quan, lâu dài trong lịch sử phát triển của địa phương, là sự mạnh dạn vận dụng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, cụ thể hóa sáng tạo các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ vào điều kiện thực tiễn địa phương.

“Một thành phố Hạ Long mới trực thuộc tỉnh không những có quy mô diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính trực thuộc lớn nhất cả nước, mà còn sở hữu những nguồn tài nguyên thiên nhiên “có một, không hai”, tỷ lệ mặt nước, cây xanh và giá trị của sự khác biệt gắn với thương hiệu nổi tiếng vịnh Hạ Long, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa đặc sắc; đã mang trong mình một tầm vóc mới, mở ra vận hội, thời cơ mới để thu hút tối đa mọi nguồn lực, phát triển đột phá, nhanh, bền vững, nâng tầm vị thế trong giai đoạn mới” – Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Liên tiếp trong 58 năm qua kể từ khi vịnh Hạ Long được Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích danh thắng cấp quốc gia vào năm 1962, được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất vào năm 1994 và lần thứ hai vào năm 2000, tỉnh Quảng Ninh đã hết sức trách nhiệm bằng nhiều giải pháp để bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo và phát huy, thực hiện đầy đủ, đúng với Công ước quốc tế về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Đến nay, vịnh Hạ Long đã thực sự trở thành thương hiệu nổi tiêng của du lịch Quảng Ninh, của Việt Nam và của thế giới; là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh và là điểm đến được lựa chọn hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế. Điều đó khẳng định, minh chứng cho sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong việc quản lý, bảo tồn, gìn giữ và khai thác, phát huy giá trị của vịnh Hạ Long.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Việc mở rộng địa giới thành phố Hạ Long, chính là tỉnh Quảng Ninh đã tìm thấy chìa khóa cho phương pháp quản lý có tính tổng thể nhằm tăng cường khả năng liên kết vùng, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ được môi trường và các giá trị ngoại hạng của vịnh Hạ Long một cách bài bản, tổng thể. Việc bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long sẽ được tính toán hiệu quả hơn khi đặt trong sự phát triển với các ngành, lĩnh vực liên quan.

Với thành phố Hạ Long, sự sáp nhập và mở rộng này sẽ đáp ứng mọi yêu cầu phát triển mới về đất đai, dân số và cơ sở hạ tầng. Xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển, du lịch sinh thái rừng với không gian cảnh quan tự nhiên thân thiện; có dịch vụ du lịch với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Hạ Long được định hướng và xây dựng thành thành phố phát triển kinh tế đa ngành, phù hợp với định hướng phát triển đô thị, góp phần quan trọng trong lộ trình nhiệm vụ nhằm xây dựng Quảng Ninh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Ngay sau phần lễ là chương trình nghệ thuật ấn tượng và đặc sắc, gồm 3 chương: Về miền Di sản, Sắc màu hội tụ, Kỳ quan Di sản bừng sáng. Gần 600 diễn viên múa, ca sĩ chuyên nghiệp… đã cống hiến cho du khách và người dân Hạ Long, Quảng Ninh những tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu, hoành tráng, vui tươi, rực rỡ nhưng cũng đa chiều sâu văn hóa, nêu bật giá trị của vịnh Hạ Long - 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, tương lai phát triển của tỉnh Quảng Ninh sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

Văn Đức - TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN