TTVH Online

Jerry - Chú chuột được yêu thích nhất mọi thời đại!

26/01/2020 00:00 GMT+7

Chuột Mickey của Walt Disney chắc chắn là biểu tượng nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử điện ảnh. Nhưng xét về mức độ phổ biến và được yêu thích khắp năm châu, chuột Mickey không thể sánh với chú chuột nhỏ Jerry trong series hoạt hình "Tom & Jerry" của hãng MGM!

(Thethaovanhoa.vn) - Chuột Mickey của Walt Disney chắc chắn là biểu tượng nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử điện ảnh. Nhưng xét về mức độ phổ biến và được yêu thích khắp năm châu, chuột Mickey không thể sánh với chú chuột nhỏ Jerry trong series hoạt hình Tom & Jerry của hãng MGM!

Tom & Jerry sẽ tái xuất màn ảnh nhỏ

Tom & Jerry sẽ tái xuất màn ảnh nhỏ

Tom And Jerry, một trong những loạt phim hoạt hình nổi tiếng nhất thế giới, đang chuẩn bị trở lại màn ảnh nhỏ vào dịp Giáng sinh, sau 46 năm vắng bóng.

Năm 2020, một phiên bản Live-action sẽ được ra mắt để đánh dấu “Cuộc chiến mèo chuột” này đã tròn 80 tuổi, và vẫn chưa cho thấy dấu hiệu ngừng nghỉ những cuộc rượt đuổi bất tận của mình.

Ra đời trong sự thờ ơ lạnh nhạt…

Thập niên 1920, 1930 là kỷ nguyên huy hoàng của thể loại phim hoạt hình ngắn, mà đứng đầu là hãng Walt Disney với chuột Mickey.

Cuối thập niên 1930, tại xưởng hoạt hình của hãng MGM, William Hanna – một đạo diễn hoạt hình đầy kinh nghiệm, kết hợp với Joseph Barbera – một chuyên gia sáng tác cốt truyện kiêm thiết kế nhân vật, thực hiện một bộ phim hoạt hình ngắn với câu chuyện mèo đuổi chuột có tựa là Puss Gets the Boot.

Nhân vật chính của Puss Gets the Boot là Jasper, một con mèo mướp lông xám theo lệnh của bà chủ phải cố gắng đuổi bắt một con chuột phá phách (không có tên). Nếu Jasper bắt chuột mà làm vỡ đồ trong nhà, thì sẽ bị tống ra ngoài đường. Con chuột láu lỉnh đã lợi dụng điều này, và làm điêu đứng chú mèo Jasper.

Chú thích ảnh
Mèo, chuột trong “Puss Gets The Boot” năm 1940

Bộ phim được hoàn tất vào cuối năm 1939 trong sự thờ ơ của cả xưởng hoạt hình MGM vì họ cho rằng nó cũng chỉ như các bộ phim khác về thú vật. Cha đẻ của bộ phim là Hanna và Barbera cũng chỉ làm cho xong bổn phận rồi bắt tay làm những bộ phim ngắn khác.

Puss Gets The Boot âm thầm phát hành ra rạp không kèn không trống vào ngày 10/02/1940.

Thái độ bi quan đối với bộ đôi mèo và chuột này thay đổi, khi bộ phim hoạt hình Puss Gets The Boot bất ngờ chinh phục được các chủ rạp. Khán giả cười vỡ bụng với bộ phim hoạt hình ngắn nhưng đầy ắp những tình huống hành động hài hước này. Nhiều người mua vé xem phim chính, chỉ cốt để cười cho đã với bộ phim “khai vị” này!

Năm đó trước sự ngạc nhiên của hãng MGM, Puss Gets The Boot đã được đề cử Oscar phim hoạt hình ngắn hay nhất. Tuy sau đó giải Oscar lọt về tay The Milky Way – một bộ phim hoạt hình khác cũng của MGM, nhưng số phận của bộ đôi mèo chuột này đã thay đổi mãi mãi.

Trở thành loạt phim hoạt hình… bạo lực được yêu thích!

Nhà sản xuất Fred Quimby, người quản lý xưởng hoạt hình MGM, đã nhanh chóng thấy được sức mạnh hái ra tiền của bộ đôi mèo chuột này. Ông lập tức yêu cầu Hanna và Barbera bỏ hết những dự án lặt vặt khác của hãng, mà chỉ tập trung tất cả cho loạt phim mới về “cặp bài trùng” này.

Hanna và Barbera tổ chức một cuộc thi trong xưởng hoạt hình MGM để cho cặp mèo chuột ấy có một cái tên mới, bằng cách bắt thăm bỏ trong mũ để trưng cầu ý kiến. Nhà làm phim hoạt hình John Carr đã giành được phần thưởng 50 đô la với cái tên đề xuất Tom & Jerry – 2 cái tên này lấy cảm hứng từ loạt nhật báo rất phổ biến ở nước Anh thế kỷ 19 (1821) của tác giả Pierce Egan, Life in London, or Days and Nights of Jerry Hawthorne and his elegant friend Corinthian Tom (Cuộc sống ở Luân Đôn, hay Ngày và Đêm của Jerry Hawthorne và anh bạn thanh lịch Corinthian Tom)

Loạt phim mèo chuột chính thức với tên mới Tom & Jerry, đã bắt đầu cuộc hành trình đầy vinh quang của mình (tiếp nối Puss Gets The Boot) với tập phim đầu tiên là The Midnight Snack vào năm 1941.

Chú thích ảnh
William Hanna và Joseph Barbera năm 1940

Nội dung chính trong suốt 70 năm tồn tại của mèo Tom và chuột Jerry chỉ là sự đối đầu không khoan nhượng, những trận thư hùng, và những cuộc đuổi bắt không có hồi kết giữa hai kỳ phùng địch thủ. Ưu điểm của loạt phim này là hầu như không có lời thoại. Rất ít có nhân vật người, và nếu có thì không bao giờ được cho thấy mặt.

Hành động liên tục từ đầu đến cuối, với đầy ắp những pha bạo lực cường điệu chính là điểm hấp dẫn nhất của Tom & Jerry. Hầu hết các nhà phê bình và phụ huynh đều chỉ trích rằng: Tom & Jerry là loạt phim có nhiều pha bạo lực nhất từ trước tới nay trong thể loại hoạt hình, tuy nó không bao giờ cho thấy máu me trong bất kỳ cảnh nào. Nhưng chính điều đó mới làm ra sự khác biệt thú vị làm mê mệt bao thế hệ người xem.

Jerry xẻ đôi Tom, kẹp đầu Tom vào cánh cửa. Tom dùng mọi thứ từ rìu, súng, chất nổ, bẫy và thuốc độc… để cố gắng giết chết Jerry.

Jerry cũng chẳng vừa: đá Tom bay vào tủ lạnh, lừa nhốt vào lò vi sóng, cắm đuôi Tom vào ổ cắm điện, dùng gậy, dùi cui hay cái vồ để nện Tom, đập rụng 2 hàm răng của Tom, nhét đuôi của Tom vào khuôn bánh quế và máy cán là, làm cho cây hoặc cột điện đóng Tom lún xuống đất như đóng đinh, gài diêm quẹt vào chân Tom và đốt, cột Tom vào cây pháo bông và châm ngòi, đấm thẳng vào mắt Tom…

Thật ra tất cả những pha bạo lực cường điệu này chỉ là những nỗ lực sáng tạo của Hanna và Barbera nhằm mang sự bất ngờ và tiếng cười đến cho người xem, chứ chẳng có con nào bị thương nặng hay chết hẳn cả! Những hình ảnh hài hước trong bộ phim này đầy sức lôi cuốn vì chúng liên quan tới những đồ vật quen thuộc và những chuyện xảy ra hàng ngày. Bản thân các nhân vật thường biến đổi thành những hình thù rất buồn cười nhưng mang tính liên tưởng sâu sắc.

Âm nhạc đóng một vai trò rất quan trọng trong các tập phim, nhấn mạnh hành động, thay thế cho các hiệu ứng âm thanh truyền thống, và làm cho các cảnh hành động thêm phần xúc cảm. Nhà soạn nhạc Scott Bradley tạo ra những bản nhạc nền phức tạp, kết hợp các yếu tố âm nhạc: jazz, cổ điển và pop; Bradley thường lặp lại các bản nhạc pop đương đại và quen thuộc, tạo sự thích thú cho người xem.

Chú thích ảnh
Tom và Jerry, một mối quan hệ vừa ghét vừa yêu

Những thăng trầm của Tom & Jerry

Trong 70 năm tồn tại, Tom & Jerry cũng phải trải qua những bước thăng trầm với 3 kỷ nguyên tiến hóa khác nhau, dẫn đến thay đổi cả cách tạo hình nhân vật:

Kỷ nguyên Hanna và Barbera (1940 – 1958): Đây là kỷ nguyên hoàng kim nhất của loạt phim này với 114 tập phim. Được khán giả yêu thích nhất với 13 lần đề cử Oscar, và 7 lần đoạt giải – phá vỡ thế độc tôn và chia sẻ danh hiệu “bộ phim hoạt hình chiếu rạp đoạt nhiều giải Oscar nhất” cùng với loạt phim Silly Symphonies lừng danh của Walt Disney. Nhưng trong lịch sử phim hoạt hình, chưa có nhân vật nào đoạt Oscar nhiều như Tom & Jerry.

Kỷ nguyên Gene Deitch (1960 – 1962): Sau khi MGM đóng cửa xưởng hoạt hình (1957) dẫn đến sự ra đi của Hanna và Barbera. Hãng MGM đã sang Đông Âu mời đạo diễn Gene Deitch – một người không hề thích Tom & Jerry – và sản xuất 13 tập phim hoàn toàn tại Tiệp Khắc. Tuy cả 13 tập này đều thành công về thương mại, nhưng nó lại bị các nhà phê bình chê bai, và các fan của Tom & Jerry phản ứng dữ dội: Họ cho rằng “bọn Đông Âu” đã “tiêu diệt những tinh hoa” của Tom & Jerry.

Kỷ nguyên Chuck Jones (1963 – 1967): Chuck Jones bị sa thải khỏi Warner Bros. Cartoons sau hơn 30 năm làm việc tại Hãng. Ông mở xưởng phim hoạt hình của riêng ông, Sib Tower 12 Productions, và khởi động với 34 tập Tom and Jerry theo phong cách đặc trưng của Chuck Jones (gây ảo giác nhẹ).

Tom được cho đôi lông mày dày hơn, lông xám hơn, tai nhọn hơn và đôi má nhiều lông hơn. Còn Jerry thì có mắt và tai to hơn, màu nâu sáng hơn, và gương mặt bầu bĩnh ngọt ngào như một chú heo con! Loạt phim này nhận được lời khen chê lẫn lộn, nhưng nó vẫn không thể nào sánh với kỷ nguyên của Hanna và Barbera.

Năm 1967, hãng MGM chấm dứt sản xuất Tom & Jerry. Năm 1975, Tom & Jerry được đoàn tụ trở lại với Hanna và Barbera, và 2 ông đã thực hiện Tom & Jerry cho truyền hình trong suốt ba thập niên: 1970, 1980 và 1990.

Năm 1986, Ted Turner mua Hãng MGM rồi sau đó bán đi cho người khác, nhưng vẫn giữ lại thư viện phim trước năm 1986 của MGM.

Tom & Jerry giờ đây trở thành tài sản của tập đoàn Time Warner (thông qua Turner Entertainment).

Từ năm 1992 cho đến nay, Tom & Jerry từng xuất hiện trong nhiều bộ phim truyện (cả dài và ngắn), nhưng nó không bao giờ trở lại thời hoàng kim như trước nữa.

Thành tựu và ảnh hưởng lớn đến văn hóa đại chúng

Năm 2002, loạt phim Tom & Jerry đã được tạp chí TIME vinh danh là “Bộ phim truyền hình hay nhất mọi thời đại”

Năm 1945, lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh đã xuất hiện người đóng với nhân vật hoạt hình. Đó là ngôi sao khiêu vũ Gene Kelly đóng cùng với chú chuột Jerry trong bộ phim nhạc kịch nổi tiếng Anchors Aweigh, và thu được thành công rực rỡ. Đến năm 1953, cả Tom và Jerry đều xuất hiện với Esther Williams trong một bộ phim nhạc kịch khác, Dangerous When Wet.

Trong suốt 80 năm qua, cụm từ Tom & Jerry gần như đồng nghĩa với sự kình địch không bao giờ kết thúc, như lối nói ẩn dụ “cuộc chiến giữa mèo và chuột”. Trong Tom & Jerry, kẻ đạt tới thế thượng phong thường không phải là kẻ mạnh hơn.

Tom cùng Jerry vừa là chính diện vừa là phản diện

Trong nỗ lực rượt đuổi dài vô tận, Tom hiếm khi thành công trong việc bắt Jerry, do chú chuột này quá khôn khéo, tinh ranh và may mắn. Cả Tom lẫn Jerry vừa là chính diện vừa là phản diện, ngụ ý mô tả một mối quan hệ vừa ghét vừa yêu hơn là sự bực tức cùng cực. Có khá nhiều tập chúng biểu lộ tình bạn đích thực, và quan tâm đến sự an nguy của nhau, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn…

Bá Vũ
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN