TTVH Online

'Lạ hóa' cổ tích 'Tấm Cám'

29/01/2020 14:00 GMT+7

Có ba vở diễn hay từ chất liệu dân gian và kinh điển Việt Nam tôi xem gần đây: "Tiên Nga" của Sân khấu Idecaf ra mắt tháng từ 12/2017 tại TP. HCM; "Tấm Cám" của sân khấu Lệ Ngọc, ra mắt cuối tháng 5/2019; "Thân phận nàng Kiều" của Nhà hát Múa rối Việt Nam ra mắt tháng 9/2019, đều tại Hà Nội.

(Thethaovanhoa.vn) - Có ba vở diễn hay từ chất liệu dân gian và kinh điển Việt Nam tôi xem gần đây: Tiên Nga của Sân khấu Idecaf ra mắt tháng từ 12/2017 tại TP. HCM; Tấm Cám của sân khấu Lệ Ngọc, ra mắt cuối tháng 5/2019; Thân phận nàng Kiều của Nhà hát Múa rối Việt Nam ra mắt tháng 9/2019, đều tại Hà Nội. Ngoài những giải thưởng, theo tôi, thành công lớn nhất của ba vở là đã tìm lại được đông đảo khán giả… Vậy bằng cách nào mà ba vở diễn này được đông đảo người xem thưởng ngoạn và mến mộ? Hãy giải mã điều này từ Tấm Cám.

Kịch 'Tấm Cám': Cho trẻ em hay cho người lớn?

Kịch 'Tấm Cám': Cho trẻ em hay cho người lớn?

Không phải ngẫu nhiên, sau hai vở diễn chào sân: "Ngũ biến" và "Kim Tử", sân khấu Lệ Ngọc (đơn vị sân khấu tư nhân “xã hội hóa” đầu tiên của thủ đô Hà Nội) đã mạnh bạo, quyết đầu tư dàn dựng tiếp hai vở diễn: "Thị Nở - Chí Phèo" và "Tấm Cám".

1. Nhận thức rất rõ sự toàn quyền trong cuộc kiếm tìm kịch bản, cơ sở chữ nghĩa văn chương của vở diễn sân khấu, NSND Lệ Ngọc, bà chủ của Sân khấu Lệ Ngọc đã quyết tìm chất liệu trong văn học dân gian Việt, để kiếm một mũi tên bắn hai con chim: người xem thiếu nhi, và người lớn, phụ huynh thiếu nhi. Trước đó Lệ Ngọc đã chinh phục người lớn, ngay từ vở ra mắt chính thức sân khấu Lệ Ngọc là Thị Nở - Chí Phèo, lấy chất liệu từ truyện ngắn Chí Phèo nổi tiếng nhất của nhà văn Nam Cao, thuộc dòng văn học hiện thực phê phán 1930 -1945.

Đặt hàng nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản Tấm Cám với chủ đích nhấn mạnh vẻ đẹp và sức mạnh tình mẫu tử trong truyền thống ứng xử văn hóa Việt, (đã được lưu truyền qua các thành ngữ dân gian: “Nước mắt chảy xuôi”, “Cá chuối đắm đuối vì con” và “Phúc đức tại Mẫu”), nhà văn Nguyễn Hiếu đã táo bạo thay thế nhân vật ông Bụt, một nhân vật quen thuộc trong truyện cổ tích gốc Tấm Cám, bằng nhân vật người mẹ đã khuất núi của Tấm. Cứ khi nào Tấm gặp khó là mẹ Tấm hiện ngay về để cứu giúp con gái.

Chú thích ảnh
NSND Lệ Ngọc (bìa phải) vào vai mẹ Cám

Đó là một thay thế thuận tình thuận lý, vừa giữ được màu dân gian của nhân vật ông Bụt trong ứng xử nhân hậu, lại hợp tình với cách ứng xử mẹ con, vốn đầy “phúc đức” và “đắm đuối” trong gia đình thuần Việt, và còn xuôi chảy đến hôm nay, trong gia đình người Việt hiện đại. Và đó cũng là nét hoa văn hóa gia đình khiến bộ phim truyền hình dài tập Về nhà đi con thắng lớn trên sóng truyền hình năm nay.

Kịch bản Tấm Cám của Nguyễn Hiếu, vì thế, đã phân chia rất mạch lạc chuyện Thiện - Ác, trong xung đột kịch xuyên suốt, giữa hai cặp mẹ con: mẹ con Cám (là dì ghẻ và em gái cùng cha khác mẹ của Tấm), đối đầu với mẹ con Tấm (là linh hồn người mẹ đã mất và Tấm). Ở giữa xung đột của hai cặp mẹ con này, chính là nhân vật vị hoàng tử, sau thành vua, chồng Tấm.

Do ghen ăn tức ở, đố kị, khi thấy Tấm bỗng chốc được hoàng tử rước về cung và thành hoàng hậu chỉ sau một cuộc thử hài ở hội làng, mà mẹ con Cám quyết bày mưu tính kế giết Tấm hơn một lần, khiến Tấm phải mấy lần hóa kiếp (từ cây xoan đào, chim vàng anh, đến quả thị vàng, và phải xé vỏ quả thị bước ra, mới trở về là cô Tấm hiền thục, là hoàng hậu mà vua say đắm yêu thương, chứ không phải con Cám độc ác đã giết Tấm để thế chỗ). Âu cũng là nhờ linh hồn của người mẹ Tấm, lần nào cũng hiện hình đúng lúc để cứu Tấm khỏi sự tàn độc của mẹ con Cám…

2. Chứa đựng thông điệp nhân văn về tình mẫu tử khi cặp mẹ con Tấm đã chiến thắng mẹ con Cám, cùng sự hiện đại hóa trong việc tước bỏ những chi tiết rùng rợn về sự trả thù của Tấm, và dựng thành vở diễn với nhiều cảnh diễn đậm phong vị hội hè dân gian Việt của châu thổ Bắc Bộ, đó là công lao của đạo diễn người Singapore, ông Chua Soo Pong. Cùng với một nụ cười sảng khoái, phảng phất ý vị hề Chèo truyền thống, được điểm xuyết đúng chỗ trong vài cảnh diễn hài hước, vị đạo diễn người Singapore đã khiến vở diễn mang sắc thái vui vẻ trẻ trung của sự “lạ hóa”.

Đặc biệt, khi đạo diễn thiết kế được cả một cuộc giao lưu vui nhộn với khán giả nhí, diễn ra liên lục và thoải mái từ đầu đến cuối vở diễn, khiến tiếng cười sảng khoái lan tỏa khắp khán phòng. Các diễn viên của Sân khấu Lệ Ngọc vừa đối thoại theo vai kịch trên sân khấu, vừa hướng về khán phòng đầy ắp người xem nhí cùng phụ huynh, thi thoảng hỏi vui cho khán giả nhí đồng thanh đáp vui. Khi nhân vật hoàng tử do Tùng Linh thủ vai, cùng tùy tùng trảy hội, nhặt được chiếc hài xinh của Tấm rơi, liền ỡm ờ hỏi thử khán giả nhí: Nhặt được hài rơi thì có nên trả lại người ta không nhỉ? Khán phòng đầy tiếng thanh thanh của trẻ em: Trả đi! Trả đi! Không được lấy!

Chú thích ảnh
Vở Tấm Cám của Sân khấu Lệ Ngọc

Có hôm Tùng Linh vai hoàng tử nghịch ngợm hỏi tiếp: Không biết ai đánh rơi hài thì biết ai mà trả? Cả rạp lại đồng thanh mách nước: Cô Tấm đấy! Cô Tấm đấy! Trả cô Tấm đi!

Tất cả khán giả lớn bé đều phá lên cười muốn vỡ rạp.

Xem Tấm Cám thật vui như Tết. Người lớn thì hể hả, trẻ em thì thoải mái vui, vừa sướng con mắt vừa thích thú tưng tưng vì được hỏi ý kiến, được tranh nhau trả lời, đồng thanh trả lời khi đối đáp với nhân vật trên sân khấu… Và cuối đêm diễn thì tha hồ ào lên sân khấu chụp ảnh với cô Tấm, Vua, và hai cặp mẹ con Tấm, Cám, và hồ hởi biết phân biệt vai diễn và diễn viên, khi chen nhau chụp ảnh với mẹ Ngọc (vai mẹ Cám) và Cám do cô Thu Hà diễn rất sống động và duyên dáng, và cả những diễn viên nhí cùng tuổi, nhất là vai Cám – nhỏ của cậu bé Như Khôi, diễn thật ngộ nghĩnh và dễ thương….

3. Tấm Cám của Sân khấu Lệ Ngọc đã chiều chuộng khán giả nhí bằng cách thêm thắt chương trình ca múa nhạc của các câu lạc bộ năng khiếu thiếu nhi Hà Nội, diễn màn dạo đầu trước vở Tấm Cám rất sôi động, và tươi tắn. Hiệu ứng vui tươi, rộn ràng không khí hội hè của vở kịch lấy từ cổ tích Việt, đã khiến khán giả Thủ đô, nhất là thiếu nhi, được xem mãn nhãn. Số lượng dăm chục đêm diễn trải dài suốt tháng 6/2019 của Sân khấu Lệ Ngọc tại mấy rạp lớn nhất Hà Nội đã phá vỡ mọi kỉ lục diễn cho thiếu nhi của các đơn vị sân khấu Thủ đô cùng thời điểm tháng 6…

Tấm Cám là minh chứng rõ ràng cho việc Sân khấu Lệ Ngọc đã biết chiều lòng khán giả thiếu nhi Thủ đô một cách ngoạn mục, và nhân đấy, đã đạt được hiệu quả kép: lấy luôn được khán giả người lớn. Và đó cũng là thành công kép của NSND Lệ Ngọc, vừa là nhà tổ chức, điều hành xuất sắc sân khấu tư nhân của chính mình, vừa chính là nghệ sĩ biểu diễn xuất thần vai chính, vai mẹ Cám của vở kịch Tấm Cám. Là vai Ác, nhưng lại được các nghệ sĩ thiếu nhi cùng diễn trên sân khấu, và thiếu nhi đi xem vai diễn của Lệ Ngọc rất âu yếm và quý trọng gọi là Mẹ Ngọc…

Dạy các em yêu cái Tốt cái Đẹp, yêu người Mẹ, biết đứng về phía cái Thiện và lấy cái Thiện để hóa giải cái Ác bằng một vở kịch cổ tích lộng lẫy tính nhân văn như Tấm Cám, sân khấu tư nhân Lệ Ngọc, đã xuất sắc trong việc chinh phục lại người xem đã mất tại Thủ đô Hà Nội.nhất là người xem thiếu nhi. Hy vọng, trong năm mới Canh Tý, Tấm Cám của Sân khấu Lệ Ngọc sẽ lên đường chinh phục tiếp Hội đồng giám khảo và khán giả trong Liên hoan sân khấu kịch thiếu nhi quốc tế tổ chức tại Nhật Bản năm 2020.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN