TTVH Online

'Lột xác' khi lên tuyển

06/01/2020 11:31 GMT+7

Đức Chinh đã lại có thêm một mùa giải 2019 đáng quên tại đội bóng bên bờ sông Hàn, nhưng toả sáng góp công lớn vào thành công của U22 Việt Nam tại SEA Games 30 Philippines. Tương tự là Tiến Linh (B.Bình Dương), “lão tướng” Trọng Hoàng (Viettel), Tấn Sinh (Quảng Nam)...

(Thethaovanhoa.vn) - Đức Chinh đã lại có thêm một mùa giải 2019 đáng quên tại đội bóng bên bờ sông Hàn, nhưng toả sáng góp công lớn vào thành công của U22 Việt Nam tại SEA Games 30 Philippines. Tương tự là Tiến Linh (B.Bình Dương), “lão tướng” Trọng Hoàng (Viettel), Tấn Sinh (Quảng Nam)...

Lịch thi đấu U23 châu Á 2020: Lịch bóng đá U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á

Lịch thi đấu U23 châu Á 2020: Lịch bóng đá U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á

Lịch thi đấu U23 châu Á 2020: Lịch bóng đá U23 Việt Nam. Lịch thi đấu vòng chung kết giải vô địch bóng đá U-23 châu Á. Xem trực tiếp bóng đá U23 VN trên VTV6, VTV5.

Tại sao và như thế nào, một số các cầu thủ thường chỉ vật vờ trong màu áo CLB, nhưng lại lột xác khi chơi cho Tuyển?

Yếu tố đầu tiên phải kể đến là sự hợp lý trong sắp xếp nhân sự và làm tâm lý chiến, tức chiến thuật chuẩn bị. Trong màu áo U22 Việt Nam ở SEA Games 30, Trọng Hoàng và Thanh Thịnh gần như không mang nhiệm vụ phòng ngự, mà chỉ mặc sức tấn công ở 2 hành lang cánh.

Trên hàng công, về lý thuyết Đức Chinh và Tiến Linh nhiều trận đấu xuất phát cùng nhau, nhưng đá so le, chứ không phải tạo thành cặp “song sát” thuần tuý trên tuyến đầu. Những hợp lý trong bày binh bố trận giúp cầu thủ có được sự thoải mái về tâm lý và không mắc lỗi, hoặc nếu có, thì vệ tinh bên cạnh sẽ sửa sai.

Ông Park (và những người giúp việc) đã cho thấy khả năng ứng biến rất tài. Bằng mọi cách, HLV trưởng người Hàn khẳng định với học trò rằng, đội tuyển thực sự là nấc thang danh vọng cho chính họ. Sự thật là các ĐTQG dưới thời ông Park đã đổi đời cho chính ông và các học trò, từ 2 năm qua.

Tiếp ông Park và đội tuyển lúc này, đâu đơn thuần chỉ là VFF, mà đã ở tầm cao hơn nhiều. Nói thế, hẳn phần lớn chúng ta đều hiểu được vấn đề.

Chú thích ảnh
Đánh bại các đội bóng do HLV Park Hang Seo dẫn dắt luôn là nhiệm vụ không dễ dàng với bất cứ đối thủ nào. Ảnh: Phương Nam

Chuyện cầu thủ về CLB đá giữ chân để chờ ngày lên Tuyển mới bung hết sức, không phải không có và nó có lý do cả. Trước đây, thời các ông bầu còn khuynh đảo thị trường chuyển nhượng, cầu thủ lại giữ chân khi lên Tuyển, tránh chấn thương để chuyển nhượng được giá. Thời thế nay đã thay đổi nhiều.

Đội tuyển U23 Việt Nam chinh chiến VCK U23 châu Á 2020 Thái Lan, có thể khó tạo nên bất ngờ như 2 năm trước. Nhưng việc đánh bại các đội bóng dưới thời ông Park không hề đơn giản, với ngay cả các đội tuyển hàng đầu châu lục. Hệ thống phòng ngự chặt chẽ và quan trọng, cầu thủ luôn chiến đấu với hơn 100% khả năng.

Trong quá khứ, các ĐTQG dưới thời HLV Henrique Calisto cũng từng mang hào khí này, ở Tiger Cup 2002 và AFF Suzuki Cup 2008. Khác biệt giữa ông Calisto và ông Park là việc duy trì sự hưng phấn dài/ngắn cho cầu thủ, dù không thể nói là ngày đó cầu thủ thiếu quyết tâm sau khi đã lên đỉnh Đông Nam Á 2008.

Park Hang Seo quả là khiến cho bao đồng nghiệp tiền nhiệm và đồng nghiệp người Việt Nam phải ghen tị. Ai đã nói, tôi đẹp tôi có quyền! Chỉ là các học trò của ông cũng cần phải nhớ rằng, CLB mới chính là gốc rễ, là bệ phóng và là nơi trả lương cho mình. Họ đã tự căn chỉnh, nhưng về lâu dài, phải điều chỉnh.

Không có sự mặc định nào về suất chơi cả và sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của cầu thủ dài hay ngắn, tuỳ thuộc vào chính thái độ của họ với nghề “quần đùi áo số”.

Tùy Phong

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN