TTVH Online

Sống chậm cuối tuần: 'Mắt xanh' Victor Vũ dành cho 'Mắt biếc' Nguyễn Nhật Ánh

21/12/2019 09:09 GMT+7

Với hơn 15 phim đã làm, đa phần có chất lượng hàng đầu Việt Nam - một giải Cánh diều vàng và hai giải Bông sen vàng cho hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất - nhưng Mắt biếc mới thực sự là phim hay nhất của Victor Vũ. Phim công chiếu toàn quốc từ ngày 20/12/2019.

(Thethaovanhoa.vn) - Với hơn 15 phim đã làm, đa phần có chất lượng hàng đầu Việt Nam - một giải Cánh diều vàng và hai giải Bông sen vàng cho hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất - nhưng Mắt biếc mới thực sự là phim hay nhất của Victor Vũ. Phim công chiếu toàn quốc từ ngày 20/12/2019.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"

VIDEO Đạo diễn Victor Vũ 'bật mí' cách thực hiện cảnh xưa cũ trong 'Mắt biếc'

VIDEO Đạo diễn Victor Vũ 'bật mí' cách thực hiện cảnh xưa cũ trong 'Mắt biếc'

Để tái hiện lại các cảnh thời xưa trong phim Mắt biếc là một thách thức rất lớn vì có nhiều thứ không còn tồn tại, theo đạo diễn Victor Vũ.

Trên trang riêng của mình, cây bút phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm viết: “Chúc mừng cuốn tiểu thuyết hay nhất của Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể lên phim thật trọn vẹn và quan trọng nhất là cảm xúc thuần khiết, thứ vàng ròng luôn thiếu trong phim Việt. Chúc mừng một dàn diễn viên rất mới nhưng cũng rất ăn vai. Ngoài Ngạn, Hà Lan, Trà Long (ở các độ tuổi khác nhau), Hồng đều có những khoảnh khắc lay động cảm xúc thực sự, dù không thực sự tốt hoàn toàn. Tôi tin Mắt biếc sẽ bùng nổ phòng vé cuối năm và mong sẽ vượt cột mốc doanh thu 200 tỷ đồng. Và hy vọng sẽ viết một bài bình trọn vẹn về Mắt biếc, phim Việt tốt nhất kể từ Song lang”.

Chú thích ảnh
Vào vai Ngạn lúc lớn, theo nhà phê bình Lê Hồng Lâm thì: “Trần Nghĩa trong “Mắt biếc” là phát hiện lớn nhất của điện ảnh Việt năm nay, như Liên Bỉnh Phát của “Song lang” năm ngoái vậy”.

Truyện của Nguyễn Nhật Ánh “không dễ” với người lớn

Truyện và phim Mắt biếc đều xoay quanh chuyện tình buồn đơn phương của Ngạn với Hà Lan. Họ cùng nhau đi qua nhiều giai đoạn cuộc đời, từ trẻ nhỏ cho đến tuổi chớm yêu, tuổi lập gia đình và sinh con. Hà Lan chối từ tình cảm của Ngạn khi lên thành phố ít lâu, sinh Trà Long với anh chàng phụ bạc tên Dũng, làm mẹ đơn thân, rồi gửi con về quê.

Trà Long lớn lên lại yêu đơn phương Ngạn trong tuyệt vọng, như Ngạn từng tuyệt vọng khi yêu Hà Lan. Dù chọn cái kết nhẹ nhàng và đáng cảm thông hơn trong truyện, nhưng đôi mắt biếc của Hà Lan và Trà Long chắc chắn vẫn làm xốn xang, lẫn lộn yêu ghét cho người xem.

Chú thích ảnh

“Tôi đủ lớn để hiểu rằng, mỗi năm thế giới mỗi đổi thay và lòng người cũng khác. Tuổi ấu thơ chỉ có một con đường để cùng nhau chung bước. Khi lớn lên, trước mắt ta có lắm nẻo đường đời, bao nhiêu số phận là bấy nhiêu ngã rẽ, làm sao người chẳng quên người” - trích từ truyện Mắt biếc.

Với độc giả tuổi mới lớn, truyện của Nguyễn Nhật Ánh là điều gì đó khá dễ dàng, khá gần gũi, chính vì vậy mà dù có không khí u buồn nhất, đau khổ nhất thì Mắt biếc cũng đã bán gần 200.000 bản. Nhưng với người lớn, có vẻ không thật dễ dàng để tiếp cận. Trong các phát biểu, nhiều người nói thẳng không đọc nổi.

Điều này có thể đến từ hai lý do, đầu tiên truyện của Nguyễn Nhật Ánh viết cho tuổi mới lớn là chính, người trưởng thành thấy khó đọc, cũng là bình thường. Thứ hai, Nguyễn Nhật Ánh có cái kiêu ngầm về quê kiểng xứ Quảng của mình, nên khi viết, ông luôn giới thiệu về các tự tình quê hương, các vẻ đẹp bổn xứ, thành ra người lớn - nhất là ở các vùng miền khác - dễ thấy khó chịu, hoặc khó gần. Trong khi với tuổi mới lớn, khi cái chấp nê chưa nhiều, chưa lớn, họ đọc lại thấy mới mẻ, thú vị.

Chú thích ảnh
Bối cảnh trong “Mắt biếc” đã tạo được nhiều hồn cốt hơn nếu so với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”

Về Mắt biếc, trong một bài viết, TS Đặng Thị Lan Anh nhận định: “Truyện đã bọc gói một nỗi niềm hoang hoải, rạn vỡ của những con người từng tắm trong hồn làng, tắm trong hương quê, rồi một ngày bước ra huyện thị, gặp cơn gió của thị thành. Với giọng văn thẳm sâu và giàu sức gợi, Nguyễn Nhật Ánh đã rủ ta về một miền ký ức dường như đã ngủ vùi trong ta, với những ngày tháng tuổi thơ hoa mộng, hồn nhiên”.

Về mặt chuyển thể kịch bản, so với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Victor Vũ và A-Type Machine đã thành công nhiều hơn với Mắt biếc. Nếu phim trước Victor Vũ mới chạm vào tuyến truyện, tạm gọi là phần xác của cốt truyện, thì với phim này đã chạm vào phần hồn, vào nghệ thuật kể chuyện. Một nhà văn được xem là có đẳng cấp khi trang văn không chỉ để kể câu chuyện (viết cái gì) và kể một cách hay ho (viết như thế nào), mà quan trọng nhất là phải chạm đến phần hồn của nhân vật, của tâm tình, của thời đại. Đọc Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh ta có thể nhận ra phần hồn của nhân vật sống thời thập niên 1960-1970 tại Quảng Nam, ở miền Trung.

Chú thích ảnh

“Đỉnh nghề mới” của Victor Vũ

Ngày 8/8/2018, trên trang cá nhân, Victor Vũ cho biết mình sắp chuyển thể Mắt biếc. Đến ngày 18/3/2019 thì khởi quay, ngày 11/7/2019 giới thiệu đoạn phim đầu tiên (teaser trailer). Điều này cho thấy tiến độ chuyên nghiệp và nhanh chóng của Victor Vũ. “Tôi rút kinh nghiệm được khá nhiều kể từ khi làm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - Victor Vũ nói.

Một trong những cách rút kinh nghiệm là phần lớn cảnh quay của Mắt biếc được thực hiện ở Quảng Nam, bối cảnh chính của quê hương nhân vật. Riêng cảnh thành phố thì được quay tại Huế, nơi thường gắn với câu ca “Học trò xứ Quảng ra thi/ Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Nói chung cảnh quay khá gần gũi với bối cảnh trong truyện.

Đành rằng phim là dàn dựng, nhưng với kinh phí và trình độ còn thấp như Việt Nam, chọn những bối cảnh quay khá cách biệt với truyện, hoặc dàn dựng giả quá nhiều, sẽ dễ làm mất phần hồn của nhân vật và câu chuyện. Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tuy đẹp, thậm chí nhiều cảnh long lanh, nhưng đó là cái đẹp của bưu thiếp du lịch, Victor Vũ chưa chạm được vào phần hồn của cảnh vật.

Trong truyện Mắt biếc, độc giả đi theo dòng tâm tưởng của ngôi thứ nhất là “tôi”, lên phim, khán giả chỉ còn nhìn thấy các nhân vật sống với nhau, “tôi” gần như biến mất. Đây là một dấu ấn về chuyển thể của Victor Vũ và ê-kíp, khi họ vừa cho ngôn ngữ hình ảnh được phô bày sức mạnh của mình, vừa đảm bảo được chất tưởng tượng của văn học được bàng bạc. Xét về chất văn chương và tưởng tượng, đây là phim đậm chất nhất của Victor Vũ và thuộc dạng hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam đầu thế kỷ 21 đến nay.

Dù phim của Victor Vũ có cái kết tươi sáng hơn truyện, nhưng truyện thì không bị dán nhãn hoặc hạn chế nào, trong khi phim là 16+. Nhãn này không hề là thách thức, mà còn giúp cho phim tập trung được vào đối tượng khán giả tuổi mới lớn, cũng là đa số độc giả của truyện Nguyễn Nhất Ánh.

Chúng ta thường dễ đồng ý với nhau rằng nền tảng của phim là kịch bản, mà nền tảng của kịch bản là hồn cốt của nhân vật, của phong thổ, của văn hóa. Những kịch bản sâu sắc, lôi cuốn đều mang chở trong nó chất văn chương và sự tinh tế về hồn cốt. Nói thì vậy, nhưng thực tế cho thấy đa số phim Việt có kịch bản quá đơn điệu và dễ dãi, đạo diễn và ê-kíp thì có vẻ xa lạ với văn chương nên các nhân vật, bối cảnh mà họ tạo ra thường thiếu hồn cốt. Nhờ “đọc thủng” văn bản và chuyển thể được truyện Nguyễn Nhật Ánh, Victor Vũ đã làm được phim hay nhất, “ra dáng ra hồn nhất” cho mình.

Văn Bảy

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN