TTVH Online

Khẳng định vai trò của văn hóa đọc trong đời sống

16/12/2019 16:00 GMT+7

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ hai.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ hai.

Phát triển văn hóa đọc: Cần những 'cú hích' mạnh hơn

Phát triển văn hóa đọc: Cần những 'cú hích' mạnh hơn

Mặc dù vẫn còn đó những trăn trở về sự xuống dốc trong văn hóa đọc song bằng những tín hiệu đáng mừng sau hai năm thực hiện, triển khai “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, công chúng có thể tin tưởng vào sức sống mãnh liệt của văn hóa đọc trong đời sống.

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà cho biết: Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" đã khẳng định vai trò và ý nghĩa của văn hóa đọc đối với đời sống xã hội và mỗi con người Việt Nam. Quá trình triển khai Đề án đã nhận được sự ủng hộ, vào cuộc chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, ngành trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai, tạo nên diện mạo mới cho văn hóa đọc nước nhà. Tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhận được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực thông tin; kinh phí cho phát triển thư viện.

Có thể kể đến một số hoạt động nổi bật trong quá trình triển khai thực hiện Đề án như: Việc thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc được đẩy mạnh. Một số cơ quan báo chí đã có chuyên mục thường kỳ về văn hóa đọc, giới thiệu sách. Đầu năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019"  thu hút hơn 536.000 học sinh, sinh viên với gần 4.400 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và học viện tham gia. Cuộc thi đã góp phần lan tỏa tình yêu đọc sách, phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo và chia sẻ các phương pháp đọc hiệu quả, các biện pháp phát triển văn hóa đọc phù hợp với các vùng miền, lứa tuổi và các đối tượng khác nhau.

Chú thích ảnh
Hội sách Hà Nội năm 2019. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Bên cạnh đó, công tác vận động thu hút nguồn lực của xã hội vào hoạt động thư viện được đẩy mạnh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Tập đoàn Vingroup triển khai Dự án trang bị xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện "Ánh sáng tri thức" tới các địa phương. Dự án đã góp phần tạo điều kiện cho các thư viện triển khai dịch vụ phục vụ cộng đồng hiệu quả tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là với học sinh, bộ đội biên phòng và các phạm nhân. Vụ Thư viện cũng vận động thêm một số nhà tài trợ khác thực hiện phần mềm quản lý thư viện, tài liệu điện tử, sách nói phục vụ người khiếm thị, tạo thêm các tiện ích cho các xe ô tô thư viện lưu động.  

Trong khuôn khổ Đề án, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiếp tục vận động, phối hợp, hỗ trợ xây dựng thư viện ở Điện Biên, Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai… và nhiều thư viện, không gian đọc khác; hàng vạn cuốn sách đã được trao tặng đến các khu vực đặc biệt khó khăn.

Số lượng người dân đến với thư viện và số lượng sách được đưa đến phục vụ cộng đồng, đặc biệt là học sinh, sinh viên có sự gia tăng. Nếu như trong năm 2017, chỉ có hơn 29 triệu lượt người sử dụng được thư viện công cộng phục vụ thì năm 2018, số người sử dụng là hơn 36 triệu lượt và đến năm 2019 là hơn 47 triệu lượt người. Mạng lưới thư viện cấp xã và cơ sở đã có bước phát triển vượt bậc sau  nhiều năm có dấu hiệu tụt giảm.

Năm 2019, có 24.080 thư viện công cộng (tăng 14%), trong đó, số thư viện cấp xã là 3.290 thư viện (tăng 11%), số phòng đọc sách, tủ sách cơ sở là 19.881 (tăng 11.4%) so với năm 2018. Năm 2019, có tổng số 44 triệu bản sách, tăng 3% so với năm 2018... Đề án còn đẩy mạnh phục vụ các đối tượng người sử dụng đặc biệt như người khuyết tật, người khiếm thị, phạm nhân…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề cập đến một số tồn tại, hạn chế; xác định phương hướng và các giải pháp cụ thể tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao các giải thưởng cho 17 tập thể, 7 cá nhân  có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc trong năm 2019.

Trong khuôn khổ hội nghị còn diễn ra triển lãm, trưng bày một số sản phẩm, hình ảnh hoạt động khuyến đọc của các thư viện, sáng kiến cá nhân trong phát triển văn hóa đọc và sản phẩm của bạn đọc sáng tạo từ đọc, học tập qua sách báo.

Phương Lan/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN