TTVH Online

Văn hóa tuần này: nghe giao hưởng Beethoven và xem phim 'teen'

16/12/2019 07:17 GMT+7

Xem nghe thấy đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý: Biểu diễn Giao hưởng số 9 của Beethoven tại Hà Nội và công chiếu phim “Mắt biếc” trên toàn quốc.

(Thethaovanhoa.vn) - Xem nghe thấy đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý: Biểu diễn Giao hưởng số 9 của Beethoven tại Hà Nội và công chiếu phim “Mắt biếc” trên toàn quốc.

Liên hoan âm nhạc tưởng niệm Beethoven: Chuyện ít biết về 'bản giao hưởng định mệnh'

Liên hoan âm nhạc tưởng niệm Beethoven: Chuyện ít biết về 'bản giao hưởng định mệnh'

Đi vào lịch sử với tên gọi “bản giao hưởng định mệnh”, bản giao hưởng số 5 "Fifth Symphony" của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig van Beethoven vẫn chưa ngừng gây tranh cãi. Và, câu chuyện ấy lại được xới lên tại liên hoan âm nhạc Beethovenfest vừa qua.

1. Lúc 20h ngày 18 và 19/12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Giao hưởng số 9 của Beethoven sẽ được biểu diễn được biểu diễn bởi Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam cùng hợp xướng từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và một số dàn hợp xướng khác. Đặc biệt có sự tham gia của 2 nghệ sĩ opera nổi tiếng của Đức là Stefanni Lehmann (soprano) và Martin Lattke (tenor). Chỉ huy đêm diễn là nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji.

Beethoven là nhà soạn nhạc thiên tài người Đức, những giao hưởng của ông được xem là đỉnh cao của giao hưởng chủ nghĩa cổ điển. Beethoven có 9 bản giao hưởng, trong đó bản Giao hưởng số 5 thường được biểu diễn nhiều nhất, nhưng Giao hưởng số 9 có một vai trò đặc biệt trong sáng tác phẩm của Beethoven cũng như trong di sản âm nhạc giao hưởng của thế giới, bởi nó được xem là sự thể hiện những lý tưởng và hoài bão của loài người.

Chú thích ảnh
Hai nghệ sĩ người Đức - Stefanni Lehmann (trái) và Martin Lattke sẽ biểu diễn trong Giao hưởng số 9

Giao hưởng số 9 của Beethoven có 4 chương. Thông điệp tư tưởng chủ yếu trong bản giao hưởng này có thể nói, đó là: “Từ tối tăm ra ánh sáng, qua đấu tranh để đến giác ngộ sứ mệnh của con người; từ u tối đến ánh sáng của chân lý, đến niềm vui của thế giới được giải phóng và hạnh phúc”.

Về cấu trúc tác phẩm, Beethoven đã thay chương Adagio (chương II) bằng chương Scherzo và viết với hình thức sonate allegro. Chương IV của giao hưởng này ông đưa cả hợp xướng vào. Đây được xem là cách tân táo bạo của Beethoven đối với giao hưởng.

Năm nay, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam đã tổ chức một chuỗi các buổi biểu diễn hòa nhạc Beethoven lớn và sẽ tiếp nối trong năm 2020, là năm kỷ niệm 250 ngày sinh của Beethoven.

Cùng với việc dàn dựng đầy đủ vở vũ kịch Hồ thiên nga của Tchaikovsky và phục dựng nhạc kịch Người tạc tượng của Đỗ Nhuận (nhân kỷ niệm 60 năm Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam)..., tất cả ngững điều này đã góp phần vào việc cân bằng các loại hình âm nhạc trong xã hội, giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật hàn lâm được xem là đỉnh cao của nhân loại, góp phần thiết thực vào việc xây dựng những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao nhằm nâng cao trình độ thưởng thức và thẩm mỹ của công chúng.

2. Sau chuyển thể thành công Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Victor Vũ tiếp tục làm Mắt biếc, công chiếu toàn quốc từ ngày 20/12/2019. Chưa biết khả năng bán vé của phim này thế nào, chứ riêng nguyên bản văn học của Nguyễn Nhật Ánh, sau 45 lần tái bản, đã in 198.000 bản, thuộc hàng kỷ lục của Việt Nam.

Cốt truyện của Mắt biếc là chuyện tình bạn thuở ấu thời, rồi tình cảm chớm nở giữa Ngạn và Hà Lan ở một miền quê yên ả, buồn vương của miền Trung. Sau khi Hà Lan lên thành phố, gặp Dũng “đào hoa” thì dứt tình với Ngạn, nhập vào đời sống thị thành. Đến khi vỡ mộng, bị Dũng ruồng bỏ, phải gửi con về cho bà ngoại nuôi, Hà Lan lên xe bông với một người khác, chứ không phải Ngạn, vì Ngạn quá tốt, cô thấy mình không xứng đáng.

Chú thích ảnh
Sách “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh

Về mặt tự tình, ngoài cái kết không có hậu, Mắt biếc có lẽ là chuyện tình buồn nhất của Nguyễn Nhật Ánh. Vậy vì sao độc giả trẻ vẫn thích? Vì có lẽ cũng như Hồ Dzếnh: “Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở”. Theo thống kế, đa số tình đầu thường bất thành hoặc không như ý, truyện viết về điều này, hợp “quy luật tâm lý” chăng?

Một lý do khác, nhiều ý kiến cho rằng Nguyễn Nhật Ánh chỉ ca ngợi tâm lý - tình cảm mới lớn nơi đồng quê, đọc Mắt biếc sẽ thấy không hẳn như vậy. Nếu Ngạn là đại diện cho quê nhà, với tình cảm rất ý tứ, lãng mạn, nhưng câm nín, thì Hà Lan là đại diện của thành thị, năng động, xả thân vì yêu.

Hai nhân vật như là hai tuyến tâm lý đối ngược nhau, như hai tấm gương đồng nội và thị thành soi vào nhau, nhận ra sự khác nhau như là quy luật, là lẽ sống. Nếu với Nguyễn Bính: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, thì Hà Lan của Nguyễn Nhật Ánh đi thành phố rồi không về nữa. Đứa con bị bỏ rơi được gửi về quê như là nhịp cầu yếu ớt, không đủ sức để là lối đi - lối về.

Về mặt liên văn bản, nếu sự tan vỡ chuyện tình Lan và Điệp trong tiểu thuyết Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan đến từ Điệp, thì trong Mắt biếc đến từ Hà Lan. Không tuyên bố về nữ quyền, nhưng Nguyễn Nhật Ánh thường dành cho nhân vật nữ của mình sự chủ động, sự tự quyết. Điều này có lẽ cũng là một lý do quan trọng để các cô gái trẻ ở thành thị mê truyện Nguyễn Nhật Ánh, trong đó có Mắt biếc.

Bình Minh - Như Hà

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN