TTVH Online

Thư gửi robot Citizen: Sống thật, sống ảo

13/12/2019 07:19 GMT+7

Tình cờ, tôi đọc được bài thơ về sống ảo đạt giải Nhất trong cuộc thi thơ haiku Nhật - Việt. Bài thơ vỏn vẹn có 15 chữ: “Cà phê ngày Tình nhân/ Hai màn hình điện thoại/ Chiếu sáng hai mặt người”.

(Thethaovanhoa.vn) -  Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Thư gửi robot Citizen: Sử dụng mạng xã hội thế nào?

Thư gửi robot Citizen: Sử dụng mạng xã hội thế nào?

Vài tuần qua, cộng đồng mạng tại Việt Nam đang ồ ạt kêu gọi tẩy chay hai gương mặt – vốn dĩ cũng khá hot trên không gian mạng – Hiếu Orion và Khoa Pug. Tất cả bắt nguồn từ những gì được họ đưa lên internet.

Tình cờ, tôi đọc được bài thơ về sống ảo đạt giải Nhất trong cuộc thi thơ haiku Nhật - Việt. Bài thơ vỏn vẹn có 15 chữ: “Cà phê ngày Tình nhân/ Hai màn hình điện thoại/ Chiếu sáng hai mặt người”.

Thoạt đầu tôi chẳng mấy chú ý đến bài thơ nhưng đọc kỹ tôi chợt thấy mình trong đó. Tin tôi đi, nếu Sophia ở nước tôi, cô sẽ thấy hình ảnh của đại đa số thanh niên Việt Nam trong bài thơ này.

Năm 2019, dân số Việt Nam đạt mốc xấp xỉ 97 triệu dân, có 64 triệu người sử dụng Internet, tăng đến 28% so với năm 2017. Theo một số liệu thống kê, có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019, con số này tăng đến 8 triệu người dùng so với năm 2018. Người dùng Việt Nam dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet.

Những con số này thật ra cũng dễ hiểu trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên công nghệ 4.0 như hiện nay. Người dân nước tôi lúc nào cũng thật “bận rộn” với những chiếc điện thoại hoặc chí ít là những thiết bị công nghệ có khả năng kết nối Internet để chơi game, chat chít, cập nhật mạng xã hội… Đi đến bất cứ một quán xá nào cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh người người“dán mắt” vào điện thoại và dường như chẳng trao đổi trực tiếp gì với nhau.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực tế này khiến nhiều nhà nghiên cứu lo lắng về sự phát triển của công nghệ sẽ khiến “con người trở thành nô lệ của chiếc điện thoại”. Và không chỉ có “hai màn hình điện thoại” của cặp tình nhân trong bài thơ kia mà là cả một xã hội “dán mắt” vào màn hình điện thoại. Đời sống ảo sẽ lên ngôi, khiến con người ta dần quên đi đời sống thực với những giá trị thực. Bản thân tôi lắm lúc cũng cảm thấy cuộc sống của mình thật tẻ nhạt thậm chí là phát điên khi không được cập nhật mạng xã hội mỗi ngày. Những hoạt động ngoài xã hội ít dần đi, những hoạt động vận động cũng bớt đi nhiều. Tôi tin đây là một thực tế không chỉ với riêng tôi mà ở hầu hết thanh niên Việt thời nay.

Tại sao đời sống ảo lại có một sức hút mạnh mẽ đến vậy? Phải chăng ở trong thế giới đó, con người ta tìm thấy một thứ giá trị nào đó mà ở đời sống thực họ không thể có được?

Chúng ta dành thời gian ngồi trước điện thoại, máy tính, lập một trang cá nhân, một tài khoản game hay ID trong các mạng xã hội, diễn đàn online và bắt đầu gây dựng lên một hình tượng cá nhân. Ngoài đời sống thực bạn có thể là một anh chàng nhút nhát, một cô nàng xấu xí nhưng ở đời sống ảo bạn có thể tự xây dựng cho mình một phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình bằng tất cả sự tự do, chủ động. Nhưng đó không phải là con người thật, giá trị thực sự của bạn.

Điều này khiến nảy sinh một bộ phận “anh hùng bán phím”, “thánh câu view” bằng những hình ảnh dung tục, nhưng thông tin phản cảm khiến cho đời sống ảo như một vũng bùn hỗn tạp.Thời gian vừa qua, những hiện tượng mạng xã hội như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền,… với những clip triệu view phản cảm, lệch lạc là một thực tế đáng lo ngại. Hay những trào lưu từ thế giới ảo khiến chúng ta phải giật mình và thốt lên: “Sao có thể làm những hành động ngu ngốc đến như vậy”! Điển hình là trào lưu thách thức “câu like” trên mạng xã hội “Việt Nam nói là làm” để thực hiện những hành động hủy hoại sự sống của chính mình như: tẩm xăng tự thiêu, nhảy cầu…

Sophia thân mến!

Sẽ là không sai khi nói sống ảo đe dọa nghiêm trọng đến sống thật. Nhưng suy cho cùng, chúng ta sống và làm việc trong đời thực với đủ nỗi lo lắng, buồn bực thì có lẽ cuộc sống ảo sẽ là một lựa chọn tốt để chúng ta cân bằng trở lại. Đơn giản chỉ cần xem một video hài hước, ngắm một bức ảnh gây cười, nói chuyện với một người mà mình yêu quý từ mạng xã hội… cũng khiến cho mình được vui vẻ, xả stress.

Hơn nữa, đặt trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0 thì Internet còn là môi trường lập thân, lập nghiệp hiện đại, sáng tạo và mới mẻ.

“Hai màn hình điện thoại/ Chiếu sáng hai mặt người”. Sophia à, đó cũng có thể là chân dung của một đôi tình nhânhạnh phúc không kém gì đôi tình nhân bên bờ đê thời “Ông bà tôi”. Vấn đề chỉ còn là trên hai màn hình kia là những nội dung gì. Thậm chí đó có thể chỉ là một trò chơi online mà họ cùng tham gia, nócũng có thể đem lại hạnh phúc sau những giờ làm việc căng thẳng...

Tôi tin Sophia sẽ đồng ý với tôi rằng sống ảo là con dao hai lưỡi. Một người tham gia vào thế giới ảo thông minh là người làm chủ và biết cân bằng mối liên hệ giữa đời sống thực và ảo. Sống ảo không thực tốt mà cũng chẳng hoàn toàn xấu. Đời sống ảo trên những mạng xã hội, trên các diễn đàn online cho chúng ta khả năng kết nối quan hệ với hàng ngàn, hàng triệu người khác, cùng khả năng chia sẻ vô hạn.

Điều quan trọng khi tham gia vào đời sống ảo, chúng ta biết đến đâu là đủ và biết những gì mình không nên hoặc không được phép làm.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.

Công Bắc

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN