TTVH Online

'Thông điệp' Triều Tiên gửi đến Mỹ

30/11/2019 10:42 GMT+7

Triều Tiên vừa xác nhận thử bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn. Giới chuyên gia nhận định rằng, đây tiếp tục là “thông điệp” Triều Tiên muốn gửi đến Mỹ trong bối cảnh thời hạn mà Triều Tiên đề nghị Mỹ phải đưa ra đề xuất mới, nếu không sẽ từ bỏ đối thoại vào cuối năm 2019, đang tới gần.

(Thethaovanhoa.vn) - Triều Tiên vừa xác nhận thử bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn. Giới chuyên gia nhận định rằng, đây tiếp tục là “thông điệp” Triều Tiên muốn gửi đến Mỹ trong bối cảnh thời hạn mà Triều Tiên đề nghị Mỹ phải đưa ra đề xuất mới, nếu không sẽ từ bỏ đối thoại vào cuối năm 2019, đang tới gần.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên 2019: Học giả Hàn Quốc lạc quan về kết quả hội nghị lần 2

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên 2019: Học giả Hàn Quốc lạc quan về kết quả hội nghị lần 2

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội, nhiều học giả Hàn Quốc đã nhận định khá lạc quan về kết quả của sự kiện chính trị quan trọng này.

Đây là vụ thử vũ khí lớn lần thứ 13 của Triều Tiên trong năm nay, và là lần thứ 4 thử bệ phóng tên lửa siêu lớn.

Thử bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn       

Ngày 29-11, Triều Tiên xác nhận đã thử thành công hệ thống bắn liên tiếp của bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn, dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un một ngày trước đó.         

Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên cho biết, Viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên đã tiến hành vụ thử nhằm đánh giá lần cuối năng lực của bệ phóng. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ "vô cùng hài lòng" với kết quả vụ thử. Báo trên nêu rõ: "Qua việc thử bắn liên tiếp, sự ưu việt và độ tin cậy của hệ thống vũ khí này đã được khẳng định".         

Trước đó, vào lúc 16h59 (giờ địa phương) ngày 28-11, quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng 2 vật thể bay từ hệ thống được cho là bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn, từ Yeonpo thuộc tỉnh Nam Hamgyong ở miền Đông Triều Tiên ra Biển Nhật Bản.   

Chú thích ảnh
Bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn được thử nghiệm tại khu vực bờ biển phía đông Triều Tiên ngày 28/11/2019. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono xác nhận chiều cùng ngày, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo từ phía Đông Triều Tiên với độ cao khoảng 100km và tầm bắn 380km và sau đó rơi xuống biển Nhật Bản. Tuy nhiên, 2 tên lửa này rơi ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản và không gây thiệt hại cho tàu thuyền, máy bay của Nhật Bản tại khu vực này. Bộ trưởng Kono cho rằng vụ việc này tiếp tục vi phạm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là mối đe dọa cực kì nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế.         

Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cũng phát lệnh cảnh báo đối với tàu thuyền đang đi lại ngoài biển về việc có một vật thể bay giống như tên lửa phóng đi từ Triều Tiên và yêu cầu các tàu thuyền đang hoạt động trên biển cần chú ý tiếp tục theo dõi thông tin.   

Sau khi có thông tin về việc Triều Tiên phóng vật thể bay không xác định, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã triệu tập phiên họp Hội đồng an ninh quốc gia (NSC) để chỉ đạo lực lượng chức năng nước này chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các tình huống phát sinh.        

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Thủ tướng Abe cho biết mặc dù các vật thể phóng của Triều Tiên không rơi vào vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của Nhật Bản nhưng việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa thời gian là sự khiêu khích nghiêm trọng đối với các nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản. Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng tập trung giám sát, cảnh báo tình hình để bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân.       

Cũng trong ngày 28-11, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này đã nắm được thông tin Triều Tiên phóng "tên lửa" và đang giám sát tình hình cùng với các đồng minh trong khu vực.   

Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố kêu gọi Triều Tiên chấp nhận đề nghị của Mỹ và nghiêm túc về đàm phán chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Thông cáo báo chí của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh Triều Tiên cần tránh đưa ra các tối hậu thư, sau khi Bình Nhưỡng tuần trước tuyên bố sẽ từ bỏ đàm phán phi hạt nhân hóa nếu đến cuối năm nay Washington không đưa ra đề xuất mới nào giúp phá vỡ bế tắc.         

Bộ Ngoại giao Anh cũng ra tuyên bố kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các vụ thử tên lửa và nối lại đàm phán với Mỹ hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

“Thông điệp” gửi đến Mỹ         

Việc Triều Tiên xác nhận thử bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn ngày 28-11 là động thái mới nhất trong một loạt vụ thử vũ khí và tên lửa của Bình Nhưỡng. Tháng trước, Bình Nhưỡng đã phóng thử 2 hệ thống phóng tên lửa đa nòng cỡ siêu lớn về phía biển Nhật Bản. Hôm 23-11, Triều Tiên cũng đã tiến hành tập trận bắn pháo ở đảo biên giới Changrin trên biển Hoàng Hải theo chỉ thị của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Seoul sau đó đã gửi thông điệp phản đối các động thái này của Bình Nhưỡng đồng thời kêu gọi chấm dứt những hành động có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Từ hôm 27-11, Mỹ cũng đã cử 2 máy bay do thám khu vực.        

Các diễn biến trên xuất hiện trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc kể từ sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội, hồi tháng 2-2019 kết thúc mà không đạt thỏa thuận. Các cuộc đàm phán giữa hai bên đã bị đình trệ do sự bất đồng về tiến độ phi hạt nhân hóa, cũng như thời điểm nới lỏng các lệnh trừng phạt. Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ các trừng phạt và cung cấp các đảm bảo an ninh, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, phía Mỹ nhấn mạnh muốn nhìn thấy những bước phi hạt nhân hóa đầu tiên thật cụ thể và có thể kiểm chứng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng đặt ra hạn chót đến cuối năm nay để phía Mỹ đưa ra những đề xuất hợp lý hơn và có thể chấp nhận được trên bàn đàm phán.   

Hồi cuối tháng 6, kế hoạch đàm phán cấp chuyên viên đã được nhắc tới từ sau cuộc gặp ngắn giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ Trump. Tuy nhiên, kế hoạch này bị trì hoãn do Mỹ-Hàn tiến hành tập trận chung, bất chấp Triều Tiên vẫn coi những cuộc diễn tập như vậy là hành động chuẩn bị cho cuộc xâm lược Bình Nhưỡng, nhất là trong bối cảnh hai miền Triều Tiên về lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.        

Vào đầu tháng 10, Mỹ và Triều Tiên đã tiến hành các cuộc đàm phán chính thức đầu tiên ở cấp chuyên viên tại Stockholm, Thụy Điển. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa đạt được bất cứ tiến bộ hữu hình nào trong cuộc đàm phán cấp chuyên viên này. Triều Tiên cáo buộc Mỹ không đem đến bàn đàm phán một đề xuất nào mới mẻ đồng thời tiếp tục cảnh báo từ giờ tới cuối năm 2019 nếu Mỹ không thể đưa ra một đề xuất mới giúp phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân song phương thì Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ đàm phán và chọn "một con đường khác".   

Cũng trong tháng 10, trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil cho biết phía Washington đã đề xuất một vòng đàm phán cấp chuyên viên mới vào tháng 12 tới, đồng thời cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng cam kết, nhưng chỉ khi Washington thúc đẩy một giải pháp "căn bản".   

Các nhà quan sát nhận định những vụ thử vũ khí liên tiếp của Bình Nhưỡng, đặc biệt là vụ thử bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn lần này nhằm gây sức ép với Mỹ là “chiến thuật” thương lượng trước cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên Mỹ-Triều này. Đa phần ý kiến cho rằng Triều Tiên muốn Mỹ cung cấp các đảm bảo an ninh và nới lỏng các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu để đổi lại nước này sẽ thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa từng bước.        

Đặc biệt, trong bối cảnh thời hạn chót mà theo đó Mỹ phải đưa ra đề xuất mới với Triều Tiên trong cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc vào cuối năm nay đang tới gần, vụ thử bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn mới nhất của Triều Tiên có thể hiểu như  là một "quân bài" mặc cả và gây sức ép đối với Mỹ, khi các yêu cầu của Bình Nhưỡng chưa được đáp ứng. Daniel DePetris, chuyên gia tại cơ quan nghiên cứu Defense Priorities (Mỹ) nhận định vụ thử bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn này có thể là minh chứng mới nhất cho thấy ông Kim Jong-un dùng các vụ thử tên lửa như là cách thức phát đi “thông điệp” ngoại giao. “Triều Tiên đang muốn thể hiện điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ không tiến tới bàn đàm phán với những đề xuất thực tế”.   

Mặc dù vậy, vụ thử bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn của Triều Tiên có thể tác động tới Mỹ hay không thì chưa rõ ràng. Sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, thái độ của chính quyền Mỹ tỏ ra thận trọng khi Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng mô tả đây là một "thông điệp" của Bình Nhưỡng nhằm thương lượng với Mỹ. Thực tế cho thấy, Tổng thống Mỹ Trump luôn nhấn mạnh rằng các nỗ lực ngoại giao sẽ tiếp diễn bởi Nhà Trắng chỉ tập trung vào việc đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên.

Căn cứ vào phản ứng của Mỹ, có thể thấy các vụ phóng thử vũ khí tầm ngắn và tên lửa đạn đạo trong thời gian qua của Triều Tiên chưa vượt "giới hạn đỏ" mà Tổng thống Trump vạch ra. Điều đó cũng chứng tỏ rằng, dù có những động thái mang tính cảnh cáo và gây sức ép, song không bên nào muốn ngừng đối thoại. Vấn đề là Mỹ và Triều Tiên sẽ phải thỏa hiệp những gì để có thể cân bằng lợi ích của cả hai bên. Việc đẩy căng thẳng lên cao sẽ chỉ khiến tình hình xấu đi.        

Hơn nữa, càng tới gần cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, ông Donald Trump được cho sẽ càng phải hành động thận trọng trong vấn đề Triều Tiên. Bởi vậy, khó có khả năng Tổng thống Mỹ lựa chọn giải pháp cứng rắn trước vụ thử bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn lần này của Triều Tiên, song có vẻ ông cũng không nhượng bộ trước sức ép của Bình Nhưỡng. Tổng thống Trump cũng luôn tuyên bố “Mỹ không vội vàng” trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Đây có thể là chiến thuật của Mỹ thử "sức chịu đựng" của Triều Tiên và "gây sức ép ngược" với Bình Nhưỡng.

Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN