TTVH Online

Thư gửi robot Citizen: An phận trong 'tổ ấm'

29/11/2019 10:50 GMT+7

Đầu tuần này, chúng ta cùng nhau kỷ niệm 20 năm Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ của Liên hiệp quốc. Nhưng xem ra, trong thời gian gần đây, những câu chuyện bạo hành với "một nửa của thế giới" vẫn đang diễn ra theo nhiều kiểu khác nhau, trong đó có kiểu "công nghệ 4.0" - tức là bạo hành phụ nữ rồi phát tán hoặc bị phát tán clip lên mạng xã hội.

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Thư gửi robot Citizen: Hãy lan tỏa 'tình cảm gia đình'

Thư gửi robot Citizen: Hãy lan tỏa 'tình cảm gia đình'

Sophia thân mến! Khi lá thư này tới tay cô thì tại Việt Nam chúng tôi, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 cũng vừa kết thúc. Điều đáng nói là qua kỳ thi này, nhiều sự việc đã cho thấy mọi người đã có những hành động như người trong một gia đình, nó cũng rất ý nghĩa khi nhắc lại những chuyện này nhân dịp Ngày gia đình Việt Nam (28/6).

Đầu tuần này, chúng ta cùng nhau kỷ niệm 20 năm Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ của Liên hiệp quốc. Nhưng xem ra, trong thời gian gần đây, những câu chuyện bạo hành với "một nửa của thế giới "vẫn đang diễn ra theo nhiều kiểu khác nhau, trong đó có kiểu" công nghệ 4.0" - tức là bạo hành phụ nữ rồi phát tán hoặc bị phát tán clip lên mạng xã hội.

Cách đây ít ngày, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip dài hơn 15 phút ghi lại cảnh một người đàn ông vừa chửi mắng vừa liên tục dùng tay, chân và một tấm gỗ đánh một người phụ nữ. Rất nhanh chóng, cộng đồng đã xác định được nơi xảy ra vụ việc là tỉnh Bình Dương và nguyên nhân chính được cho là do người vợ này trước đó đã lên mạng trách chồng là người vô tâm.

Trước đó tại Tây Ninh, do mâu thuẫn tình cảm vợ chồng, một ông chồng đã nhẫn tâm đẩy vợ xuống hồ nước rồi dìm liên tục ngay trước mắt đứa con nhỏ tuổi. Hành vi này bị camera an ninh ghi lại và sau đó được chia sẻ lên mạng.

Dưới góc nhìn của một người đàn ông, cá nhân tôi cảm thấy rất xấu hổ trước những hành vi bạo lực của cánh “mày râu” đối với phụ nữ, nhất là khi đó lại là người vợ của mình. Vấn đề là tại sao sắp bước sang năm thứ 20 của thế kỷ 21 rồi mà những chuyện bạo hành, xúc phạm thân thể, nhân phẩm phụ nữ như thế này vẫn còn đất sống? Có rào cản nào trên tiến trình bình đẳng giới?

Chú thích ảnh
Những câu chuyện bạo hành với "một nửa của thế giới" vẫn đang diễn ra. Ảnh: Internet

Sophia thân mến, rất nhiều gia đình Việt Nam hiện nay vẫn còn quan niệm “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, coi người đàn ông là trụ cột chính trong gia đình. Nếu có xảy ra mâu thuẫn dẫn đến tranh cãi thường thì đa phần chị em hay chọn cách ứng xử “một điều nhịn, chín điều lành”. Lo sợ "xấu chàng, hổ ai?” cho nên đa phần họ im lặng hoặc là áp dụng công thức “đóng cửa bảo nhau” để giữ gìn cái tổ ấm của mình (mặc dù nó không còn "ấm" nữa).

Với chính quyền địa phương thì phương án đầu tiên được lựa chọn để giải quyết những vụ bạo hành gia đình thường vẫn là hòa giải, nếu quá nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự thì mới chuyến sang công an. Đó có thể là những lý do bạo hành gia đình vẫn còn tồn tại, là những trở ngại cho chị em trên con đường bình đẳng giới.

Để giảm thiểu rồi từng bước loại bỏ bạo hành phụ nữ, theo Sophia, chúng ta có nên vận động chị em thực hiện mấy cái “không” này hay không nhỉ?

Cái không thứ nhất là “Không an phận”. Ngoài những công việc theo sự phân chia giới tính của tạo hóa, các chị em hoàn toàn có thể làm những việc khác theo thế mạnh của mình. Để sinh tồn và không phụ thuộc, nhất định không được trông chờ vào người khác. Rất nhiều gia đình chuyện bạo hành xảy ra xuất phát từ việc người vợ chăm sóc con nhỏ ở nhà, không đi làm, và cứ nghĩ rằng như thế là mình sẽ giữ gìn được cái tổ ấm ấy đến mãi mãi.

Nhưng từ tình trạng bị phụ thuộc về kinh tế, người phụ nữ sẽ dần bị lép vế về nhiều thứ. Hãy chịu khó ra ngoài lao động, đó chính là cách khẳng định bản thân tốt nhất, và đó cũng là cách chung sức với chồng xây dựng tổ ấm. Phía sau những gia đình hạnh phúc không bao giờ có bóng dáng người phụ nữ cam chịu và thiếu kiến thức cuộc sống.

“Không im lặng” là phương châm vàng ngọc trong cuộc sống. Cái câu “Im lặng là vàng” không hề thích hợp cho tình trạng bị bạo hành gia đình. Hãy tỉnh táo và sáng suốt đưa vụ việc đến đúng nơi, đúng người có trách nhiệm, để được hỗ trợ giúp đỡ sớm nhất.

Cuối cùng, để tự tin trên con đường bình đẳng, chị em hãy dứt khoát “không ưu tiên”. Đúng là trong xã hội văn minh, mọi người thường đề cao quy tắc ứng xử “lady first” (ưu tiên phụ nữ). Nhưng các chị em hãy sống năng động, hiện đại, đặt mình ngang hàng với nam giới đi, không cần trông đợi vào một sự ưu tiên hay châm chước nào đó.

Ngày nay, xã hội đã có nhiều thay đổi. Trong câu chuyện bạo hành phụ nữ, chúng ta đừng nên coi đây là chuyện riêng tư trong cái "tổ ấm" của mỗi gia đình, đó là vấn đề của toàn xã hội. Khi tổ ấm không còn "ấm" nữa thì xã hội phải vào cuộc. Phải vậy không Sophia?

Tạm biệt Sophia và hẹn gặp lại thư sau.

Quốc Khánh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN