TTVH Online

Chữ và nghĩa: 'El clásico' có phải là 'siêu kinh điển'?

27/11/2019 07:06 GMT+7

Bạn đọc yêu bóng đá Việt Nam chắc chẳng xa lạ gì với tổ hợp từ “siêu kinh điển” đang được dùng khá nhiều trong báo chí gần đây, nhất là qua các tít báo rất kêu: Real - Barca: Xứng danh siêu kinh điển, Messi và Ronaldo: siêu kinh điển của những “siêu nhân”...

(Thethaovanhoa.vn) - Bạn đọc yêu bóng đá Việt Nam chắc chẳng xa lạ gì với tổ hợp từ “siêu kinh điển” đang được dùng khá nhiều trong báo chí gần đây, nhất là qua các tít báo rất kêu: Real - Barca: Xứng danh siêu kinh điển, Messi và Ronaldo: siêu kinh điển của những “siêu nhân”, Siêu kinh điển trong mắt nhà cái, Mourinho trước trận cầu siêu kinh điển...

Chữ và nghĩa: Một bàn tay thì đầy...

Chữ và nghĩa: Một bàn tay thì đầy...

"Một bàn tay thì đầy" là tên cuốn tiểu thuyết của Hoàng Việt Hằng (NXB Phụ Nữ, 2010). Nhưng bài viết này lại bàn về câu tục ngữ (mà có lẽ cuốn tiểu thuyết lấy đó làm ý tưởng), viết đầy đủ là "Một bàn tay thì đầy, hai bàn tay thì vơi".

Nói chung, với dân mê thể thao, khi nghe thấy từ này, ai cũng có một tâm trạng khác lạ, háo hức trước một trận cầu vào loại đặc biệt bậc nhất của bóng đá thế giới. Đó là cuộc chạm trán nảy lửa giữa hai đại kình địch Real Madrid và FC Barcelona của Tây Ban Nha. Một là đội bóng thuộc về Nhà vua (Hoàng gia Tây Ban Nha), còn đội kia là câu lạc bộ bóng đá lừng danh xứ Catalan.

Theo TS Vũ Cao Phan thì từ “kinh điển” (dành cho các trận bóng đá) được sử dụng trong báo chí tiếng Việt cách đây chừng dăm bảy năm. Sau đó là sự xuất hiện khá rầm rộ của “siêu kinh điển”. Chỉ “kinh điển” thôi cũng đã ghê lắm rồi, vậy mà lại còn “siêu” nữa mới khiếp chứ. Nếu cứ đà này thì chẳng bao xa nữa, từ điển từ mới tiếng Việt sẽ phải bổ sung nghĩa mới cho cả hai từ “siêu” và “kinh điển”.

“Siêu” (từ Hán Việt) là một yếu tố ghép truớc để cấu tạo nên một từ mới. “Siêu” có nghĩa là “cao vượt lên trên”, như “siêu âm”: “sóng âm có tần số mà tai người không nghe được” hoặc “có tốc độ lớn hơn tốc độ âm thanh (siêu thanh)”; “siêu đẳng” (đẳng: thứ bậc): thuộc vào loại đặc biệt, vượt xa những thứ cùng loại được xếp hạng; “siêu hình” (hình: cái thể hiện ra ngoài): không có hình thể, vượt ra ngoài thế giới vật chất…

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Như vậy, nói đến “siêu” là nói đến một cái gì có tính chất, đặc trưng, biểu hiện hơn hẳn, vuợt lên trên phẩm chất, thứ bậc thuờng đã được xếp hạng (theo một tiêu chí nào đó). “Siêu” bây giờ cũng được dùng nhiều vô kể.

Còn “kinh điển”? Đây cũng là từ Hán Việt (kinh: sách vở, điển: sách của người xưa) với nghĩa đang dùng trong tiếng Việt là “có giá trị mẫu mực, tiêu biểu cho một học thuyết, một chủ nghĩa” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, 2017).

***

Cứ theo ý này mà suy thì việc gọi trận đấu bóng kia là “kinh điển” hay “siêu kinh điển” có nên không?

Nếu gọi một trận cầu của hai đội bóng lớn, có truyền thống, chứa đựng nhiều duyên nợ, hứa hẹn nhiều kịch tính là “siêu kinh điển” thì trên thế giới này đâu chỉ có Real với Barca? Brazil với Argentina, Đức với Italy, Nhật Bản với Hàn Quốc, Inter Milan với AC Milan, M.U. với Liverpool (hay Arsenal), PSV với Ajax… cũng xứng đáng (và xứng đáng hơn) gọi “siêu kinh điển” đấy chứ?

Theo tôi, báo chí chúng ta đã bị ảnh hưởng nhiều từ báo chí Tây Ban Nha và châu Âu khi đưa tin về sự kiện này. Trong tiếng Tây Ban Nha, “El Clásico” (hay “El Clàssic”) là biệt danh dành đặt riêng cho các trận đối đầu giữa Real Madrid và FC Barcelona. Trận này còn được gọi là “El derbi Espanol”. Mâu thuẫn “truyền đời” giữa cư dân ủng hộ Hoàng gia - đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Tây Ban Nha với cư dân xứ Catalan - đại diện cho tư tưởng ly khai đã làm cho các trận cầu của hai câu lạc bộ biểu tượng cho “niềm kiêu hãnh” của họ trở nên căng thẳng tột độ, vượt ra ngoài khuôn khổ một cuộc thi tài thể thao.

“Clásico”, tiếng Anh là “classic”, có nghĩa là: “1. kinh điển; 2. viết bằng thể văn kinh điển; 3. cổ điển, cũ; 4. hạng nhất, hay”. Lẽ ra, có thể dịch “El Clásico” là “trận đối đầu đặc biệt”, “trận đấu siêu hạng” theo đúng tinh thần của nó thì mọi người lại thích dùng “siêu kinh điển”. Viết như thế, rõ ràng có ngắn gọn, gây ấn tượng và tăng sức hấp dẫn của vấn đề hơn. Chữ “siêu” ở đây hoàn toàn là từ thêm vào chứ người Tây Ban Nha chưa bao giờ dùng “Súper Clásico” để chỉ trận đấu trên.

Tôi là “dân” ngôn ngữ mê thể thao nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa ổn khi nghe và quan sát cách dùng cụm từ lạ và có vẻ rất “quyến rũ” này. Vì vậy, tôi muốn (cùng các bạn) có đôi lời bàn thêm. Nhưng xem chừng, tổ hợp “siêu kinh điển” đang trên đà thắng thế. Người Việt không hề thua kém người Tây Ban Nha mỗi khi đưa tin, nhằm hâm nóng và tăng sự tò mò khi hai “đại gia” của bóng đá xứ sở Bò tót gặp nhau. Ngôn ngữ phản ánh cuộc sống, mang tính thời sự nhưng nhiều khi cũng có “mốt”.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN