TTVH Online

Họa sĩ Lê Kinh Tài: Lì lợm và 'bông lơn'

20/11/2019 19:01 GMT+7

Với giá bán như hiện có, Lê Kinh Tài trở thành một trong vài nghệ sĩ đương đại đắt giá nhất của Việt Nam. Và như một quy luật, nước lên thì thuyền lên, chính nhờ hấp lực đang có từ những tên tuổi như Danh Võ, Dinh Q. Lê, Lê Kinh Tài, Bùi Hữu Hùng, Phạm An Hải, Bùi Công Khánh, Lê Quảng Hà… mà vị thế của thị trường nghệ thuật đương đại Việt Nam đang dần được cải thiện đáng kể.

(Thethaovanhoa.vn) - Với giá bán như hiện có, Lê Kinh Tài trở thành một trong vài nghệ sĩ đương đại đắt giá nhất của Việt Nam. Và như một quy luật, nước lên thì thuyền lên, chính nhờ hấp lực đang có từ những tên tuổi như Danh Võ, Dinh Q. Lê, Lê Kinh Tài, Bùi Hữu Hùng, Phạm An Hải, Bùi Công Khánh, Lê Quảng Hà… mà vị thế của thị trường nghệ thuật đương đại Việt Nam đang dần được cải thiện đáng kể.

Hành trình của những họa sĩ 'triệu đô' (kỳ 4): Nguyễn Lâm - bậc thầy về sơn mài

Hành trình của những họa sĩ 'triệu đô' (kỳ 4): Nguyễn Lâm - bậc thầy về sơn mài

Họa sĩ Nguyễn Lâm (tên đầy đủ: Lâm Huỳnh Long, sinh năm 1941 tại Cần Thơ) gần như thành công ngay từ lúc bước chân vào con đường hội họa chuyên nghiệp đầu thập niên 1960.

Vì sao tác phẩm của một tác giả nào đó trở nên đắt giá? Có nhiều cách lý giải, nhưng có thể nhìn từ cấu trúc của thị trường mỹ thuật, gồm ít nhất 3 thành tố căn bản sau đây. Đầu tiên, tác giả và tác phẩm phải có sức hút mạnh, nghe thì dễ, nhưng điều này khá khan hiếm, dù người vẽ tranh thì khá đông. Thứ hai, được các tổ chức trung gian như phòng tranh, phê bình, giám tuyển, môi giới, tài chính, đầu tư, đấu giá… chú ý, định giá, nâng giá. Thứ ba, được các nhà sưu tập mắt xanh và có đủ sự dũng cảm ưu thích, chọn mua.

Xả thân vì “nhe răng”

Trong một bài phỏng vấn của Phạm Long, khi được hỏi vì sao tranh luôn xuất hiện những nhân vật nửa người nửa thú? Lê Kinh Tài trả lời: “Tôi đã cam đoan và luôn cá cược với chính mình rằng bên trong tôi luôn hiện diện 2 thứ, một phần cái con và một phần cái người. Tôi cảm thấy vui và yêu đời hơn với suy nghĩ kỳ dị này, thế là tôi vẽ. Chỉ đơn giản vậy thôi”.

Tranh Lê Kinh Tài rất dễ nhận ra, nhân vật trung tâm thường cười nhe răng, trong nụ cười có nỗi buồn, trong căng thẳng có sự thả lỏng, trong lì lợm có sự ba lơn. Nhưng để có được sự nhe răng này không phải là một sớm một chiều.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Lê Kinh Tài. Ảnh: Châu Hậu Hy

Ra trường năm 1997, Lê Kinh Tài chinh phục vẻ đẹp duy mỹ bằng các bức tranh khỏa thân và phong cảnh, vẽ tỉa tót theo lối trường quy. Ngay lúc này đã bán tranh tà tà, nhưng anh mau chán, vì thấy khó tìm ra nhân diện riêng của mình.

Đến năm 1999 thì bỏ vẽ đi làm nghề thiết kế, với hy vọng là sau mỗi ngày làm việc sẽ có thêm cái ý, cái tứ nào đó mới mẻ cho việc vẽ. Khi cái tứ đến là thức đêm vẽ, tranh vẽ chất đầy nhà, dần tràn ra cả hẻm, đúng nghĩa chất đống, thỉnh thoảng hủy bỏ. Mãi tới năm 2005 mới xuất hiện những tác phẩm mang tính ý niệm nhe răng như sau này, rồi dần dà tìm ra những đặc trưng tạo hình và thẩm mỹ trong sự nhe răng ấy.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “5 triệu, 50 triệu, 100 triệu năm nữa chúng ta đi về đâu” (sơn dầu + sơn thỏi + heavy body acrylic trên vải bố, 150 cm x 330 cm, 2010) của Lê Kinh Tài

Khoảng 2009, Lê Kinh Tài bỏ thiết kế để quay trở lại vẽ tranh toàn thời gian, phát triển, đào xới ý niệm nhe răng. Làm được điều này, vì từ 2007 đến 2011 tác phẩm góp mặt thường xuyên trong các hội chợ nghệ thuật quốc tế.

Sống được là một chuyện, quan trọng hơn, kiểu vẽ “tào lao mía lau” - như cách nói của Lê Kinh Tài - đã tìm được những tiếng nói đồng cảm của một số nhà nghiên cứu, phê bình và báo chí, bên cạnh sự thị phi, gièm pha vẫn không ngớt.

Số 81/2017 của chuyên san Histoire de l’art (Lịch sử nghệ thuật) đã chọn tranh Lê Kinh Tài lên bìa chính và nhiều trang ruột. Đây là tạp chí được xuất bản dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Giáo sư khảo cổ học và lịch sử nghệ thuật của các trường đại học, nơi mà École du Louvre (thuộc Bảo tàng Louvre, Pháp) là thành viên của ban biên tập. Việc xuất hiện lên chuyên san này là một bước tiến về danh tiếng, nằm ngoài mong đợi của Lê Kinh Tài.

Chú thích ảnh
Tranh Lê Kinh Tài lên bìa chính và nhiều trang ruột của chuyên san “Histoire de l’art” (Lịch sử nghệ thuật)

Tranh họa sĩ này bán giá cao thì nhiều người đã biết, nhưng có một chi tiết khá ít người biết, đó là việc đầu tư cho vật liệu. Riêng sơn dầu, trung bình mỗi năm Lê Kinh Tài vẽ hết khoảng 20 ngàn USD (hơn 460 triệu đồng), cộng với nhiều vật liệu đặc dụng khác, con số này còn cao hơn rất nhiều. Còn nhớ khi nhận học bổng hạng nhất của Vermont Studio Center (Mỹ) để lưu trú sáng tác từ ngày 10/5 đến 3/7/2009, gần hai tháng mà anh đã sử dụng hết 12 ngàn USD tiền vật liệu. Để có được những bức nhe răng khổ lớn, ngoài sức làm việc, thì sự thoải mái về vật liệu đã giúp tạo nên hiệu quả bề mặt, hoành tráng về mặt thị giác.

Không tính vài chục triển lãm chung, từ khi nghĩ ra được ý niệm nhe răng năm 2005, Lê Kinh Tài đã làm 12 triển lãm cá nhân trong và ngoài nước. Mỗi lần là một ý niệm riêng, thường gây nhiều tranh cãi về tính “duy mỹ”, nhưng chính cái “duy ngã” trong tác phẩm của anh lại làm các nhà sưu tập có mắt nhìn chú ý và sưu tập.

facebook của mình, Lê Kinh Tài từng viết: “Cái khó của nghệ thuật tạo hình là tìm lối đi riêng. Cái khó của lối đi riêng là tìm ngôn ngữ tạo hình. Cái khó của ngôn ngữ tạo hình… lại bắt đầu từ xúc cảm chân thật. Mà cảm xúc chân thật thì luôn ngự trị trong bản lĩnh sống của mỗi con người. Hãy gọi nó ra”. Xem tranh Lê Kinh Tài, dù kẻ khen người chê, nhưng đa số đều nói rằng nó ngồn ngộn cảm xúc, cho ta cảm giác lẫn lộn giữa lì lợm và ba lơn. Lì lợm làm nên ý chí, ba lơn tạo sự gần gũi, vui tươi.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Nhìn về phương Đông” (sơn dầu + sơn thỏi + sơn bột + heavy body acrylic trên vải bố gai, 200 cm x 500 cm, 2015) của Lê Kinh Tài

Cột mốc 37 tranh giá 4,9 tỷ đồng

Như một hiệu ứng cánh bướm, từ những bức tranh có giá 30-50 USD hồi trước năm 1999, 10 năm sau - năm 2009 - 37 bức của Lê Kinh Tài bán với giá 4,9 tỷ đồng đã tạo nên một “cú sốc” thời bấy giờ. Đây có thể nói là cột mốc về thị trường của họa sĩ này, để từ đây mở ra một thanh thế mới, sức hút mới.

Chia sẻ về 37 bức tranh, trong một bài phỏng vấn năm 2009, Lê Kinh Tài nói: “Những tác phẩm này là một phần trong số tranh tôi chọn và lưu giữ từ năm 2005 đến nay. Đây là giai đoạn tôi chuyển mình từ lối sáng tác theo phong cách ấn tượng sang phong cách của riêng mình. Với phong cách này, tôi đọc ra tôi rõ hơn, không còn thích thú trong việc chinh phục cái đẹp thị giác nữa, mà là phơi bày bản ngã của mình trên mặt tranh, với mong muốn người xem đối thoại trực tiếp với tôi qua tác phẩm. Tôi cũng đã làm chủ được mình trong ngôn ngữ tạo hình”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Giải phóng” (sơn dầu kết hợp, 200cm x 500cm, 2015) của Lê Kinh Tài

Nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng nhận định: “Nếu một quốc gia không có những gương mặt đương đại tiêu biểu thì các nhà môi giới nghệ thuật sẽ không bao giờ để họa sĩ của quốc gia ấy vào tầm mắt. Nếu trong nước chẳng có ai mua tranh với giá khủng thì hà cớ gì tranh ấy lại có thể bán giá khủng ở nước ngoài. Cho nên, những nghệ sĩ nổi danh và triệu đô ấy sẽ là một nhân tố quan trọng của nền mỹ thuật, dù bạn thích hay không”.

“Để tranh Việt đạt giá cao, theo tôi, đây không chỉ là nỗ lực của riêng họa sĩ, mà từ ý thức đưa kiến thức mỹ thuật phổ quát vào đời sống của mọi tầng lớp; là chiến lược của quốc gia. Việc mua bán tranh không còn đơn thuần là mua bán, mà là đầu tư văn hóa, sự nhận thức giá trị mỹ thuật đúng đắn dẫn đến đầu tư nghệ thuật đúng nghĩa. Nếu nghệ thuật đã được nghệ sĩ đầu tư bằng chính tâm huyết và tài năng của mình, như các danh họa hàng đầu Việt Nam từng cống hiến và nhà sưu tập từng đánh giá đúng tầm, thì tương lai xán lạn của mỹ thuật đương đại Việt Nam là một quy luật tất yếu, chứ không phải là mơ mộng” - Lê Kinh Tài thẳng thắn.

Nhìn từ khía cạnh của các nhà sưu tập, nhiều người nói rằng tranh của Lê Kinh Tài thường mang lại cho họ cảm giác vui sống, động lực làm việc. Dù vài bức vẽ như cãi lộn với chính mình, vẽ đầy tính phản biện, nhưng tranh của Lê Kinh Tài luôn toát lên năng lượng tích cực. Có lẽ đây là một trong vài lý do chính yếu làm nên sức hút.

(Hỏi đáp về nghề nghiệp - nghệ thuật - thị trường)

Nghệ sĩ phải đi trước và sáng tạo thẩm mỹ

* Ông quan niệm thế nào về “tranh nghệ thuật” và “tranh thị trường”?

- Thực ra không có cái gọi là “tranh nghệ thuật” và “tranh thị trường”. Có chăng là họa sĩ đã bị dao động bởi vật chất mà tự biến mình thành người “thợ vẽ”, rồi “vẽ” theo nhu cầu để đáp ứng thị hiếu số đông thay vì gánh một trách nhiệm với chính mình là làm công việc sáng tạo.

* Ông xem việc vẽ là nghề hay là nghiệp?

- Việc vẽ được xem là nghề hay nghiệp là do chính tư duy của từng người cầm cọ.

* Vậy ông có khi nào phải vẽ chiều thị hiếu không?

- Đã từng! Thời tuổi trẻ tôi từng sáng tác thụ động theo nhu cầu thị hiếu và thẩm mỹ của xã hội. Mất 3 năm thì tôi dừng. Tôi đã nhận chân ra rằng nghệ sĩ phải là người đi trước các xu thế thẩm mỹ, là người sáng tạo ra các xu hướng thẩm mỹ bằng tâm thức cá nhân, nhìn cuộc sống xã hội qua lăng kính của mình. Làm được như vậy thì mới góp phần làm nên sứ mệnh của nghệ thuật, trở thành món ăn tinh thần đúng nghĩa và đầy đủ chân-thiện-mỹ.

* Vai trò của người mua tranh với nghệ thuật, sáng tạo?

- Tôi xin phép không trả lời câu hỏi này.

Hiền Hòa

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN