TTVH Online

Chữ và nghĩa: 'Trai trên gái dưới'

20/11/2019 07:04 GMT+7

“Trai trên gái dưới”, tổ hợp ngôn ngữ bốn âm tiết này cũng bình thường, nhưng lại làm cho người nghe giật mình, nhất là những người đang ở trong tình thế nhạy cảm.

(Thethaovanhoa.vn) - “Trai trên gái dưới”, tổ hợp ngôn ngữ bốn âm tiết này cũng bình thường, nhưng lại làm cho người nghe giật mình, nhất là những người đang ở trong tình thế nhạy cảm.

Chữ và nghĩa: 'Thảo mai' nghĩa là gì?

Chữ và nghĩa: 'Thảo mai' nghĩa là gì?

“Thảo mai” là gì? Tôi tin rằng từ này không hề xa lạ với nhiều người. Nó không phải là từ mới bởi vì từ khá xa rồi, từ "thảo mai" đã được sử dụng tương đối rộng rãi. Chẳng hạn: "Tôi lạ gì cái giọng điệu thảo mai của con Lan nữa. Mới nghe nó nói thì con kiến trong lỗ cũng bò ra. Nhưng nghe cứ thấy thớ lợ giả giả thế nào ấy".

Trên VTV3, trong một tiết mục của chương trình Ơn Giời, cậu đây rồi! (mùa 6, tập 3), phát ngày 11/8/2019, diễn viên Thanh Hương (vào vai bác sĩ tư vấn tâm lý, mới góa chồng) đang tập với thầy dạy yoga (Mạc Văn Khoa đóng) thì cô con gái (Lâm Vĩ Dạ đóng) đột nhiên về nhà.

Cô con gái vô cùng ngạc nhiên và tức giận trước những gì cô chứng kiến giữa hai người lúc đó. Đến nỗi cô phải thốt lên giận dữ: “Mẹ dắt một người đàn ông vào nhà mà tập những động tác nhạy cảm. Con vô đây rồi con thấy cái thế “trai trên gái dưới” như vậy… Mẹ ơi, bố vừa mới mất thôi sao mẹ lại làm như thế?”.

Nhưng nếu dựa vào tình trạng hai người lúc đó (mẹ cô và thầy yoga, xem mấy ảnh dẫn kèm theo) thì có thể gọi là “trai trên gái dưới” theo đúng cách hiều của người Việt xưa nay hay không?

Tất nhiên là không.

Chú thích ảnh
Thanh Hương cõng Mạc Văn Khoa trong chương trình "Ơn Giời, cậu đây rồi!". Ảnh: Internet

Bởi đó chỉ là cảnh bà mẹ nọ đang cõng ông thầy trên lưng (mà trong kịch bản là tập yoga đôi). Đúng là có chuyện một anh phía trên, một chị phía dưới. Nhưng thế chưa thể gọi là “trai trên gái dưới”. “Trai trên gái dưới” là một thành ngữ chỉ mối quan hệ nam nữ của cặp đôi nào đó đã được thể hiện ở bước cuối cùng của hoạt động tình dục. Đây là bằng cớ rõ ràng, không thể chối cãi nếu “sự tình” đó đáng để đưa ra để lên án hay kết tội (về quan hệ bất chính). Hoặc là luận cứ để khẳng định lứa đôi nào đó đã thực sự “ăn nằm” với nhau như vợ chồng thực sự.

Chẳng hạn, ta vẫn đọc, đại loại: “Bị bố chồng rình bắt quả tang trai trên gái dưới” (giadinh.net.vn, 15/-6/2012); “Tưởng ngồi ăn đồ nướng, cặp đôi bỗng nhiên trai trên gái dưới ngay giữa công viên” (tintuconlie.com.vn, 24/5/2019)v.v…

Quan hệ sinh lý nam nữ cũng là chuyện thường tình của nhân loại từ ngàn xưa. “Giao hợp” là “giao tiếp của bộ phận sinh dục ngoài của người đàn ông với bộ phận sinh dục của người phụ nữ”. Không chỉ có người, nhiều động vật khác cũng thực hiện hành vi này (gọi là “giao cấu”). Ai cũng biết, hai người nào đó thực hiện nhu cầu quan hệ sinh lý thì họ bắt buộc phải “nude” (khỏa thân, đúng theo trạng thái của Edam và Eva) hoặc cùng lắm “bán khỏa thân”. Chuyện hai người trong chương trình “Ơn Giời…” vừa nói kia mà cho rằng đó là “trai trên gái dưới” thì trong cuộc sống có vô vàn tình huống như thế (mà ta không thể lấy đó là căn cứ lên án).

Cách nói “trai trên gái dưới” chỉ phản ánh một tư thế quan hệ tình dục truyền thống, thông thường, phổ biến của con người (trai nằm trên, gái nằm dưới, mặt đối mặt, còn gọi là quan hệ theo “tư thế bụng - bụng”). Nó được “điển hình hóa” để tạo nên một cấu trúc thành ngữ được mọi người chấp nhận. Chứ thực tế đời sống tình dục nhân loại thì có nhiều vấn đề để nói.

Vậy “trai trên gái dưới”, xét cho cùng, chỉ là một lối nói hình ảnh, mô phỏng một trạng thái điển hình, nhằm diễn tả một nội dung ngữ nghĩa, khẳng định “quan hệ xác thịt của cặp đôi nam nữ nào đó đã rõ ràng”. Còn việc coi đó là minh chứng để đi đến một kết luận nào đó (phê phán, kết tội nếu cho là bất chính chẳng hạn) thì lại là chuyện khác.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN