TTVH Online

Khi nghệ thuật miễn cưỡng... vị nhân sinh

31/10/2019 06:32 GMT+7

Một thông tin nhỏ, nhưng lại được dư luận quan tâm đặc biệt: ngày hôm qua 30/10, Hà Nội đã bắt buộc phải tháo dỡ công trình nghệ thuật sắp đặt có tên “Tháp” tại Hồ Gươm.

(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin nhỏ, nhưng lại được dư luận quan tâm đặc biệt: ngày hôm qua 30/10, Hà Nội đã bắt buộc phải tháo dỡ công trình nghệ thuật sắp đặt có tên “Tháp” tại Hồ Gươm.

Thư châu Âu: Khi nghệ thuật cao siêu trở nên gần gũi

Thư châu Âu: Khi nghệ thuật cao siêu trở nên gần gũi

Hôm nọ, con gái tôi mang một bản nhạc trong phim The Mission về nhà và tập hát. Nó bảo, vào cuối năm học, đội đồng ca của nó sẽ biểu diễn bản này trước toàn trường.

Nói là bắt buộc, bởi khi bố trí “Tháp” tại đây từ thời điểm kỉ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô (ngày 10/10), ngành quản lý văn hóa cũng như tác giả của nó – nhà điêu khắc Mai Thu Vân- đều không thể hình dung được một diễn biến bi hài: vài tuần qua, công trình luôn được du khách thoải mái tận dụng để làm nơi “giải quyết nỗi buồn” miễn phí.

Đã có những người thích đùa, giải thích câu chuyện bằng việc du khách “hiểu nhầm” rằng Tháp là một nhà vệ sinh được trang trí đặc biệt. Thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Nằm ở khu vực đối diện Bưu điện Hà Nội, thiết kế làm bằng kính với nhiều màu như xanh dương, đỏ, tím, công trình ấy - như tên gọi của nó - có hình dáng của một tòa tháp nhỏ. Và phần cửa mở vào bên trong của Tháp được bố trí để tạo tương tác cao với người xem - khi du khách có thể đi vào đây để ngắm nhìn Hồ Gươm với những sắc màu khác nhau được lọc qua phần kính.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Tháp". Ảnh: Internet

Không có bất cứ thiết bị nào gợi liên tưởng đến một nhà vệ sinh công cộng, điểm giống nhau duy nhất giữa Tháp với loại công trình này chỉ nằm ở một không gian đóng kín. Thế nhưng, với những du khách thiếu ý thức, như vậy đã là quá đủ - cho dù nhà vệ sinh công cộng tại Hồ Gươm chỉ cách đó vài trăm bước chân.

Để rồi, dù có người đã tỉ mỉ viết giấy dán lên Tháp (với nội dung đại ý rằng đây là thứ trưng bày, không phải nhà vệ sinh), việc xả bậy tại công trình ấy vẫn được đều đặn duy trì. Và như lời kể của những người xung quanh, du khách đi qua không chỉ ... chạy vội ra - nếu mở cửa định bước vào Tháp để thưởng thức nghệ thuật - mà còn phải bịt mũi.

***

“Chán nản và thất vọng khủng khiếp” - đó là những chia sẻ của tác giả Mai Thu Vân về cách du khách đối xử với tác phẩm của mình. Chắc chắn, bất cứ ai cũng sẽ thông cảm với chị- khi mà những tâm huyết của tác giả để người dân có thể hưởng thụ “miễn phí” một tác phẩm nghệ thuật lại được đáp lại theo cách ấy.

Như nhận xét của nhiều bạn nghề, khi nhiệt tình theo đuổi những ý tưởng sáng tác của mình, tác giả này đã vô tình quên mất một thực tế: Cho đến thời điểm này, việc giám sát những không gian “đóng kín” nhưng lại đặt giữa nơi công cộng như Tháp luôn là điều rất khó - cả với phía quản lý cũng như cộng đồng.

“Tôi rất chia sẻ với chị Vân. Và thực tế, cũng khó đòi tác giả phải tính toán được những chuyện thế này khi sáng tác” - một kiến trúc sư nhận xét - “ Nhưng, trong bối cảnh mà mặt bằng chung về ý thức và dân trí còn chưa hoàn thiện, có lẽ chúng ta cũng nên coi đây là một bài học kinh nghiệm để... tự bảo vệ tác phẩm của mình khi sáng tác”.

Quả thật, nếu có thêm những khoảng trống mở ra phía ngoài (hay vì đóng kín toàn bộ), hẳn không nhiều du khách dám “làm liều” tại Tháp trước sự quan sát của đội ngũ giữ trật tự, cũng như những người có ý thức trên đường. Cho dù, để làm điều ấy, tất nhiên tác giả của công trình nghệ thuật sắp đặt này sẽ phải điều chỉnh một phần ý tưởng sáng tác về hình khối, kết cấu, hiệu ứng tương tác... của mình để phù hợp với thực tế.

Biết làm sao được, khi mà trong câu chuyện đáng buồn này, nghệ thuật phải miễn cưỡng... vị nhân sinh theo cách ấy.

Sơn Tùng

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN