TTVH Online

Hành trình của những họa sĩ 'triệu đô' (Kỳ 1): Thế giới 'nữ phái' của Nguyễn Trung

23/10/2019 19:01 GMT+7

Nguyễn Trung (sinh 1940, Sóc Trăng) là một tên tuổi lớn của hội họa miền Nam và của thị trường mỹ thuật. Kể từ bức tranh đầu tiên bán đầu thập niên 1960 với giá 300 USD - rất lớn thời bấy giờ - hơn nửa thế kỷ qua, Nguyễn Trung luôn là tên tuổi được tìm kiếm trên thị trường. Hiện nay, vài bức tranh của ông đã vượt ngưỡng 100.000 USD.

(Thethaovanhoa.vn) - Nguyễn Trung (sinh 1940, Sóc Trăng) là một tên tuổi lớn của hội họa miền Nam và của thị trường mỹ thuật. Kể từ bức tranh đầu tiên bán đầu thập niên 1960 với giá 300 USD - rất lớn thời bấy giờ - hơn nửa thế kỷ qua, Nguyễn Trung luôn là tên tuổi được tìm kiếm trên thị trường. Hiện nay, vài bức tranh của ông đã vượt ngưỡng 100.000 USD.

Họa sĩ Nguyễn Trung tái xuất với tranh trừu tượng

Họa sĩ Nguyễn Trung tái xuất với tranh trừu tượng

Khai mạc lúc 18h ngày 9/12 tại phòng tranh Quỳnh (65 Đề Thám, Q.1, TP.HCM) với 19 tranh trừu tượng khổ lớn, Xám trắng đen là cuộc tái xuất của Nguyễn Trung kể từ triển lãm cá nhân Bảng đen của anh vào năm 2004.

Nhìn theo lịch đại, có thể tạm chia Nguyễn Trung thành hai giai đoạn sáng tác: thời kỳ hiện thực/biểu hình (1961-1975) và thời kỳ trừu tượng (từ 1990 đến nay). Tuy nhiên, thực tế thì sau này Nguyễn Trung vẫn phải vẽ đan xen giữa biểu hình và trừu tượng. Như năm 2006 tại triển lãm chung ở California, Mỹ, Nguyễn Trung chia sẻ: “Đối với người Việt, dù là ở trong nước hoặc hải ngoại, những người từng yêu tranh figurative (biểu hình - PV) của tôi đều vẫn còn giữ tình cảm với loại tranh này. Chính vì cái ơn tri ngộ này mà tôi chưa thể dứt khoát với figurative”.

Tranh biểu hình của Nguyễn Trung thường vẽ phái nữ (mà thiếu nữ, phụ nữ là chủ yếu), đến nay vẫn rất được giới sưu tập lùng kiếm. Ngay từ năm 21 tuổi, ông đã đoạt Huy chương Bạc tại Triển lãm Hội họa mùa Xuân (năm 1961, Sài Gòn) với tác phẩm vẽ thiếu nữ.

Tìm một con đường mới cho nghệ thuật

Còn nhớ, trước năm 1975 tại Sài Gòn có Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam - được thành lập vào tháng 11/1966, Nguyễn Trung làm phó chủ tịch. Tuyên ngôn nghệ thuật của hội này do Nguyễn Trung chắp bút.

Nguyễn Trung nhớ lại: “Không có tham vọng hoặc ý thức gì lớn lao khi tạo dựng cái này, cái kia, mà là những nỗ lực tự thân của từng cá nhân tìm một con đường mới cho nghệ thuật của riêng mình. Vô hình trung, ý thức vươn tới đổi mới đó đã kéo mọi người lại gần với nhau. Đó cũng là tiêu chí đầu tiên để chọn hội viên”.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Nguyễn Trung, chụp năm 2017. Ảnh: NVCC

“Tại sao tôi được bầu vào nhóm lãnh đạo hội này?” - Nguyễn Trung tự thán. Và ông trả lời: “Có lẽ anh em phục tài mà bầu thôi, chứ tôi đâu biết làm gì? Một điều lạ là dù còn rất trẻ, đều ở tuổi ngoài hai mươi, tri thức chưa đạt đến độ chín, sách báo về hội họa phương Tây thì thiếu thốn, nhưng mỗi người trong hội đều có một lập ngôn riêng về nghệ thuật, như một sự chọn lựa vô thức. Sự năng động và khát khao tìm tòi trên cái nền của văn nghệ tự do đã sớm mang lại cho mỗi người những giải thưởng hội họa lớn trong nước lúc đó. Bằng những triển lãm thường niên trong và ngoài nước, nhóm đã bày tỏ quan điểm của mình, đó là hài hòa giữa kỹ thuật phương Tây hiện đại và tinh thần phương Đông đậm đặc bản sắc”.

Trong tuyên ngôn lần thứ hai, họ đã kêu gọi sự tỉnh thức, sự quay về, để có một tiếng nói riêng. Nào là: “Từ bỏ chủ nghĩa buông thả, chủ nghĩa cá nhân chật hẹp, giải thoát tư tưởng khỏi phòng vẽ tù túng để cùng sống sức sống Việt Nam”; nào là: “… theo đuổi khuynh hướng nghệ thuật tân kỳ nhất, ở gần chúng ta nhất: khuynh hướng đã có sẵn ngay trong lòng chúng ta, ngay trong lòng quần chúng Việt Nam”.

Nguyễn Trung nhớ lại: “Lúc ấy, Nguyễn Phước là người làm tranh trừu tượng sớm nhất, tôi cũng thử nghiệm làm tranh trừu tượng nhưng thấy chưa được. Làm tranh trừu tượng là một sự hy sinh lớn, vì khó có ai dám bỏ nhiều tiền mua loại tranh này. Cũng có người nói tôi sao không vẽ bình thường dễ bán hơn, tìm tòi cái này cái khác làm chi. Xã hội luôn đè bẹp người ta bằng những thành kiến, không muốn có gì đổi mới”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Bốn chị em” (sơn dầu trên toan, 150cm x 200cm, 2016. Hiện nay bức tranh này đang trong một giao dịch với giá 120.000 USD

Phái nữ sáng trong đến thanh khiết

Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, cách mà Nguyễn Trung vẽ phái nữ sáng trong đến thanh khiết là một thái độ vừa phản kháng vừa khước từ thế sự. Chính “ý thức vươn tới đổi mới” đã giúp Nguyễn Trung và nhiều thành viên trong Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam tìm ra con đường đi riêng cho mình. Phái nữ trong tranh Nguyễn Trung khác biệt so với phái nữ trong tranh các họa sĩ tiền bối, khác cách vẽ của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Vài họa sĩ cùng thời và nhiều người sau đó đã học hỏi, ảnh hưởng cách vẽ phái nữ từ Nguyễn Trung.

Không hiểu sao mỗi lần bước vào xưởng vẽ của Nguyễn Trung, đều có một cảm giác thật khó tả. Dường như ông đã ở quá lâu trong không gian quen thuộc này, để phả vào nó một bầu không khí rất riêng tư, giản dị mà bí ẩn, mộc mạc mà nên thơ, như chính con người ông.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Nằm chơi trong vườn” (sơn dầu trên toan, 100cm x 130cm, 2018), một bố cục thiếu nữ quen thuộc của Nguyễn Trung

Mọi thứ vật dụng thân quen nhất với người họa sĩ như khung, toan, màu, bút vẽ, các loại dao kéo lỉnh kỉnh, và cả chiếc chổi dài để ông vẽ những bức tranh khổ lớn đều ngổn ngang như thể vừa qua một trận chiến. Nhưng là một ngổn ngang quen thuộc, theo trật tự của riêng ông. Chiếc rèm cửa mỏng màu nâu đất được mặt trời rọi vào, phản chiếu lên mọi đồ vật thứ ánh sáng hồng rất nhẹ, dịu ngọt và u hoài. Bức tượng Phật Bà cổ kính từ bi như thể chở che cho tất cả. Nơi đây vô vàn tranh vẽ phái nữ đã ra đời, đến nhiều nơi trên thế giới.

“Tôi đã vẽ nhiều, nhưng không phải tranh nào cũng coi được. Đôi khi bắt gặp cái tranh quá tệ của mình treo đâu đó thì mắc cỡ muốn chết” - Nguyễn Trung thẳng thắn.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Mẹ và con” (sơn dầu trên toan, 149cm x 149cm, 1999) được nhà Christie’s Hong Kong bán hồi thàng 5/2019 với giá hơn 25.000 USD

Vậy nếu trở về ngày xưa, ông có chọn làm họa sĩ? Nguyễn Trung nói: “Xin trả lời ngay là không! Ngày còn nhỏ hay lêu lổng, tôi thường tấp chỗ này chỗ kia. Để nhìn mọi người làm việc. Nơi tôi ưa nhất là trại mộc ở sát bờ sông. Có khi tôi theo dõi mấy ngày trời một bác thợ mộc đóng bộ ván gõ từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc công trình! Lúc bấy giờ ước mơ của tôi là được làm thợ mộc! Cũng thế, khi quá trình lêu lổng xui khiến tôi tấp vào trại lò rèn thì tôi lại muốn làm thợ rèn, chỗ đám sơn đông mãi võ thì ước mơ là đi bán thuốc mãi võ…”

Nhưng rồi ông lại đến với vẽ, rồi ông yêu thích nó. Như trong một bài phỏng vấn của tạp chí Esquire, ông nói: “Vẽ là điều yêu thích và không thể trốn tránh của tôi. Vẽ giống như thở. Tôi nghĩ đó không phải số phận mà chính là cuộc sống của mình, phải vậy. Không vẽ, tôi còn biết làm gì khác”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Tình mẹ và biển” (sơn dầu trên toan, 190cm x 130cm, thập niên 1990) được nhà Sotheby’s Hong Kong bán hồi tháng 4/2017 với giá hơn 35.387 USD

Hơn 60 năm cầm cọ là hơn 60 năm vẽ phái nữ, Nguyễn Trung không biết mình đã vẽ bao nhiều bức. Có khi một cái tứ, một bố cục phải vẽ lại nhiều lần cho ưng ý, vì không thể sửa bức đã vẽ, đã bán.

“Nguyễn Trung đã trải qua các thử nghiệm vẽ hiện thực, siêu thực, rồi trừu tượng... đôi khi họa sĩ lại trở về với lối vẽ hiện thực có hình ở những sắc thái tình cảm mới mẻ mang âm hưởng tượng trưng” - nhà phê bình Bùi Như Hương nhận định.

“Nghệ thuật đơn giản là làm cái gì mới thì đưa ra cho người ta coi, được người xem nâng đỡ, bỏ tiền ra mua tranh, thấy tranh của mình có người thưởng thức, từ đó phấn khởi làm tiếp. Manh nha từ đó để có một thị trường tranh ở Việt Nam” - Nguyễn Trung chia sẻ.

Bây giờ ông tuổi cao sức yếu, không thể vẽ nhanh và nhiều như trước. “Cách nhìn của tôi về thế giới nữ phái cũng đã thay đổi nhiều”. Nhiều tranh phái nữ của ông trên thị trường đã vào giai đoạn thứ cấp, nghĩa là bán sang tay nhiều lần, bức khổ lớn cả trăm ngàn USD không có để mua.

Họa sĩ “triệu đô”

Khái niệm “triệu đô” trong loạt bài này không phải để chỉ những tác phẩm có giá bán như vậy, mà là cách ẩn dụ về thanh thế, sức hút và khả năng thanh khoản của từng họa sĩ. Tất nhiên tổng doanh thu từ việc bán tác phẩm của họ đã vượt ngưỡng triệu đô rất nhiều rồi. Trong vài thập niên trở lại đây, họ vẫn thuộc nhóm các tác giả Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất tại thị trường nghệ thuật trong nước và quốc tế. Mỗi bài viết sẽ thử phác thảo một phần hành trình của họ.

(Hỏi đáp về Nghề nghiệp - Nghệ thuật - Thị trường)

Vị nghệ thuật hay là vị thị trường?

* Ông quan niệm thế nào về “tranh nghệ thuật” và “tranh thị trường”?

- Khi xem một bức tranh, ta cảm thấy một niềm vui khó tả, một cảm xúc không tên, nó đi sâu vào lòng ta, muốn xua nó đi mà không được! Nó không có tên, bởi nó khá mơ hồ, nhưng nó đeo đuổi theo ta miết! Đó là bạn đã gặp một bức tranh nghệ thuật! Ngược lại, tranh thị trường chỉ theo nịnh nọt con mắt người xem, được thể hiện sao cho phù hợp với số đông...

* Ông xem việc vẽ là nghề hay là nghiệp?

- Đối với một số người là nghiệp! Phần đông là nghề! Riêng đối với tôi, nó là… nghiệp chướng!

* Vậy ông có khi nào phải vẽ chiều thị hiếu không?

- Chiều theo thị hiếu vì “áp lực” của người “yêu” tranh, hoặc vẽ khác đi để mình sẽ “mất khách”. Vậy thì chọn khách hay chọn mình?

* Vai trò của người mua tranh với nghệ thuật, sáng tạo?

- Vai trò của người mua tranh thật vô cùng quan trọng! Họ đóng góp phần nào vào sự sáng tạo của họa sĩ, nở hoa hoặc thoái hóa!

(Còn nữa)

Kim Yến - Văn Bảy

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN