TTVH Online

Chữ và nghĩa: 'Khen đểu' - ngày xưa có thế?

23/10/2019 06:51 GMT+7

Chuyện cầu thủ bóng đá cãi lộn, chửi bới, thậm chí gây gổ đánh trọng tài ở xứ ta không hiếm. Nhưng gần đây, báo chí đột nhiên rộ lên về một hiện tượng được coi là “hiệu ứng ngược”. Đó là chuyện trọng tài - những ông vua sân cỏ - lại là người “ra đòn” trước.

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện cầu thủ bóng đá cãi lộn, chửi bới, thậm chí gây gổ đánh trọng tài ở xứ ta không hiếm. Nhưng gần đây, báo chí đột nhiên rộ lên về một hiện tượng được coi là “hiệu ứng ngược”. Đó là chuyện trọng tài - những ông vua sân cỏ - lại là người “ra đòn” trước.

Chữ và nghĩa: 'Quá đát', 'hết đát'… vẫn dùng đấy thôi!

Chữ và nghĩa: 'Quá đát', 'hết đát'… vẫn dùng đấy thôi!

“Đát” ở đây dĩ nhiên không phải là một từ thuần Việt. Trong tiếng Việt xưa nay, “đát” chỉ có mặt là một thành tố trong kết hợp duy nhất là “bi đát”. “Đát” trong “quá đát” là cách phát âm (dù chưa chuẩn) của một từ tiếng Anh: date, có nghĩa là ngày (tháng).

Được coi là người “cầm cân nảy mực” trên sân cỏ, họ cần phải có cách hành xử đúng mực, có văn hóa, nhất là trong nói năng. Nhưng tiếc thay, chính họ là người có lời lẽ lăng mạ, miệt thị cầu thủ chứ không phải các vị “vua” này chịu trận như một nạn nhân.

Tôi nhớ trước đây, có lần, một tiền đạo nổi tiếng đã lên mặt báo tố cáo một vị trọng tài (người đã bắt trận SLNA của anh với HAGL tại V-League hồi đó) là đã có lời lẽ khiếm nhã, “chửi” lại, gây ức chế cho cầu thủ.

Các vị trọng tài liền phản bác lại. Họ cho rằng, anh chàng tiền đạo kia chẳng phải tay vừa. Chính anh đã cố tình trêu ngươi họ trước, khi buông ra một lời “khen đểu”: “Anh bắt hay lắm đó!”. Tức khí, trọng tài cũng đốp lại bằng một phát ngôn “hẹn đểu”: “Mày với tao sẽ còn gặp nhau nhiều đấy”! Chính từ đây mà mọi chuyện trở nên phức tạp. Lời qua tiếng lại đâm ra rắc rối.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nếu cứ tường minh “án tại ngôn từ” mà xét, hai câu nói trên chẳng có gì ghê gớm cả. Thậm chí nếu ghi ra giấy, ta đọc thấy rất bình thường. Cái đáng nói ở đây là bối cảnh và thái độ phát ngôn. Bởi bất luận một lời chào, lời mời, lời khen ngợi... nào đó (vốn được coi là có nghĩa tích cực) sẽ mang một hàm ý ngược lại (trêu tức, xỏ xiên) nếu người nói phát âm với ngữ điệu bất bình thường (mỉa mai, nói kháy, chì chiết). Và lúc đó, người nghe cũng sẽ cảm nhận bằng một thái độ bất bình thường.

Hãy coi chừng, chính từ sự phá ngưỡng này lại thành xuất phát điểm làm cho sự tình thêm phức tạp. Ta từng biết, một lời “khen đểu”, một lời “cám ơn đểu”, thậm chí một cái “nhìn đểu” cũng có thể châm ngòi cho một cuộc ẩu đả, có khi đổ máu, gây án mạng như chơi.

Điều lạ là từ “đểu” ban đầu hoàn toàn không hề mang nghĩa xấu. Ngày xưa, “đểu” vốn là “người làm nghề phu gánh thuê” (Việt Nam tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931, tr.178). “Đồ đểu”, “dân đểu” - một lời rủa, một từ rất xấu, lúc đầu cũng đơn thuần chỉ “hội gánh thuê” (gánh nước, gánh gạo, gánh hàng ra chợ...).

Ngay cả tổ hợp “đểu cáng” (hiện tại đang được dùng với hàm nghĩa chỉ hạng người “xỏ xiên, lừa đảo, bất chấp đạo lý, rất kém về nhân cách” ngày xưa cũng chưa được coi là xấu. Bởi “cáng” vốn là “cái võng có mui, dùng để đi đường trường” (sđd, tr.70). Người ốm đau, sản phụ, người già hay quan to có việc đi đâu đều phải nằm cáng. Muốn thế phải có hai phu khiêng cáng. Họ được coi là “đồng nghiệp” của “đểu” (phu gánh). Khi có việc gấp, người ta thường bảo, chẳng hạn: “Ra gọi ngay cho hai cáng, một đểu đi nhà thương”!

Có lẽ, do bản chất công việc chủ yếu của những người này là lao động nặng nhọc, thiên về cơ bắp, nên cả dân “đểu” và dân “cáng” đều thuộc hạng ít học, cục cằn, đối xử thô lỗ... và từ đó có không ít người biến chất, tư cách không ra gì. Đặc điểm đó gây ấn tượng không tốt với mọi người và dần dần nó nhập vào kho từ vựng tiếng Việt với nét nghĩa của một tính từ mang nghĩa xấu.

“Đừng chơi với dân đểu”, “Đừng làm bạn với bọn cáng nhé!”, “Bọn đểu cáng có khác, chuyên lừa đảo”... Dân gian nói với nhau như vậy và nhập chung hai đối tượng này thành một bọn: “đểu cáng”. Chính nghề nghiệp đã ảnh hưởng tới hành vi, lối ứng xử của họ. Và cũng từ những hành vi phổ biến ấy đã hình thành nên một nét trội chỉ tư cách không hay của họ. Cũng giống như những trẻ con lêu lổng vô gia cư, ngày xưa được người ta thuê trèo cây hái quả (me và sấu), sau bị gọi là bọn “trèo me trèo sấu”, vốn hàm nghĩa ám chỉ chẳng đẹp gì.

“Đểu”, bắt đầu từ một nghề, sau trở thành một từ khá thông dụng nằm trong trường nghĩa xấu: “hàng đểu”, “xe đểu”, “rượu đểu”, “thuốc đểu”, “sách đểu”... Đó là những “đểu” hiện hữu, mục sở thị, tức là nhìn thấy được. Còn “xin đểu”, “nịnh đểu”, hay “khen đểu” như đã nói ở trên lại thuộc phạm vi của lời nói. Đó là một cách ứng xử văn hóa ngôn từ rất nên thận trọng trong cuộc sống.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN