TTVH Online

Tại sao là… SEA Games?

18/10/2019 08:33 GMT+7

Đã 25 năm, kể từ Chiang Mai-1995, bóng đá Việt Nam vào chơi đến 5 trận chung kết SEA Games (1995, 1999, 2003, 2005 và 2009) nhưng đều “ngã trước cửa thiên đường”...

(Thethaovanhoa.vn) - Đã 25 năm, kể từ Chiang Mai-1995, bóng đá Việt Nam vào chơi đến 5 trận chung kết SEA Games (1995, 1999, 2003, 2005 và 2009) nhưng đều “ngã trước cửa thiên đường”. 4 lần thất bại trước người Thái và 1 lần để người Mã vượt qua, đã khiến cho giấc mơ Vàng mãi còn dang dở. Rộng hơn nữa, từ ngày đội tuyển miền Nam giành HCV SEAP Games 1959, đã 60 năm với 29 kỳ Đại hội vắt qua 2 thế kỷ, mỗi lần SEA Games là mỗi lần chúng ta đau đáu với chuyện đổi màu huy chương. Đó là khát khao, là áp lực và cũng là nỗi đau của một nền bóng đá.

Lịch thi đấu bóng đá nam SEA Games 2019: Lịch bóng đá đội tuyển U22 Việt Nam

Lịch thi đấu bóng đá nam SEA Games 2019: Lịch bóng đá đội tuyển U22 Việt Nam

Lịch thi đấu bóng đá nam SEA Games 2019: Lịch bóng đá đội tuyển U22 Việt Nam. U22 Việt Nam U22 Thái Lan, U22 Indonesia, U22 Lào, U22 Singapore và U22 Brunei cùng bảng B.

Từ quá khứ dở dang…

Hàng loạt thất bại trong chặng đường đó vô hình khiến chúng ta nhắc mãi điệp khúc “phải vô địch” hay “không vô địch bây giờ thì còn chờ bao giờ” như kỳ vọng của người hâm mộ khi đội U22 đi SEA Games 30 cuối năm nay. Dẫu bây giờ chúng ta đang có những tháng ngày được coi là đẹp nhất với nhiều thành tích trong gần 2 năm qua. Á quân U23 châu Á 2018, hạng tư ASIAD cùng năm rồi ngôi vương AFF Cup.... Ông Park cùng học trò đã đi đến chỗ của 8 đội mạnh nhất châu lục ở ASIAN Cup 2019. Hôm nay, chúng ta tràn đầy cơ hội đi đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Đó là những cột mốc, những dấu ấn vượt tầm khu vực nhưng tại sao sân chơi SEA Games vẫn là thách thức cần phải vượt qua.

Khi bóng đá nước nhà vượt ngưỡng và đi xa hơn tầm khu vực, đã không ít ý kiến cho rằng đã đến lúc đừng quá coi trọng SEA Games nữa. Quan điểm được đưa ra là xét cho cùng, bóng đá nam SEA Games cũng chỉ là một môn thi đấu tại đấu trường khu vực, thậm chí còn coi "ao làng" Đông Nam Á. Phải biết chấp nhận hy sinh và nghĩ đến những cái đích cao hơn. Nói thế thôi, chứ “không vô địch SEA Games thì vứt” như những quan điểm ngược lại.

Có một thực tế, ngay từ đầu chính ông Park cũng không “mặn mà” lắm về SEA Games. Lúc đó, ông chọn quyết định chọn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam dự vòng loại World Cup 2022 còn trợ lý Lee Young Jin sẽ nắm U22 Việt Nam dự SEA Games 30. Nguyên nhân thì nhiều, quan trọng nhất là 2 giải đấu có thời gian cận kề nên ông nghĩ tập trung cho một đội sẽ tốt hơn.

Nhưng rồi, từ những chia sẻ từ cơ quan quản lý bóng đá nước nhà cũng như hiểu được khát khao của người dân Việt Nam về tấm HCV SEA Games, ông Park đành “một nách hai con” như chúng ta thấy bây giờ. Từ quyết định của ông Park, tranh cãi đã nổ ra rằng chúng ta quá đặt nặng bệnh thành tích, quyết tâm vô địch một giải đấu mà chúng ta đã vượt tầm từ lâu, chưa kể còn làm hao binh tổn tướng trong thời điểm bản lề của vòng loại World Cup.

Chú thích ảnh

SEA Games là gì, có ý nghĩa thế nào với người hâm mộ Việt Nam và tại sao phải vô địch? Tất cả có lẽ không cần tốn nhiều phân tích và bình bán nữa. Chúng ta đã từng “ôm hận” trước người Thái ngay tại Mỹ Đình tháng 12 năm 2003. Cũng tháng 12/2009, trên đất Lào, những tưởng tấm HCV đã “dễ như ăn kẹo” nhưng rồi người Mã giật lại đầy đắng cay. Hết thế hệ này đến lứa cầu thủ tiếp theo lúc nào cũng tiếc nuối vì dở dang. Ký ức buồn những ám ảnh mãi về sau. Đó cũng chính là trở lực mà gần đây, chúng ta mãi chưa được “nếm” Vàng. Vậy nên hôm nay khi mà chúng ta đang sở hữu một lứa cầu thủ “vàng ròng” đúng nghĩa nhất cộng thêm nhà cầm quân như dành sẵn cho bóng đá Việt. Tổng lực những yếu tố như thế, tại sao không dồn sức phá đi cái dớp và bước qua lời nguyền đã 60 năm đó. 2 năm qua, chúng ta đã dám đi và biết cách đi để vượt qua những giới hạn cố hữu của mình kia mà.

Hành trang đang có và thách thức đang chờ…

Ngoài cái được về thành tích qua những danh hiệu, cái được lớn nhất dưới thời ông Park đó tâm thế của bóng đá nước nhà. Cầu thủ của ông có năng lực, có phẩm chất và biết khát khao cống hiến. Không còn những tự ti khi phải đối mặt với những đội bóng được coi ở trên trình của mình. Cũng không thái quá để phải chủ quan trước bất cứ đối thủ nào dưới cơ. Chỉn chu, bài bản, lớp lang và nghiêm túc, đó là hình ảnh dễ nhận ra cho lứa cầu thủ này và cho các đội tuyển hôm nay.

Trong tay ông Park đến với SEA Games còn lại những con người đã cũng ông đi qua nhiều giải đấu. Bùi Tiến Dũng, Trần Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu, Quang Hải, Tiến Linh hay Đức Chinh. Những con người đó đóng vai bộ khung và ông Park cần tái thiết đội hình bằng những con người mới. Những con người mà ông nhìn nhận, thử nghiệm và xen canh, cài cắm thời gian qua.

Ông Park cũng sẽ không có nhiều thời gian như ông nói là cần 5 tuần để đá tốt nhất ở SEA Games. Ngày 19/11, đội tuyển Việt Nam mới thi đấu xong trận đấu thứ 6 tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, nghĩa là ông sẽ chỉ có vỏn vẹn 1 tuần trực tiếp dẫn đội U22 tại SEA Games 30. Không biết đến lúc đó con người trong tay ông có đảm bảo nguyên vẹn thể lực cùng phong độ hay không? Rồi Đình Trọng có kịp trở lại hay Đoàn Văn Hậu có được CLB chủ quản nhả về sân chơi khu vực, vốn không nằm trong hệ thống đấu của FIFA.

Bóng đá nước nhà trong quá khứ không ít lần chứng kiến một ông thầy ngoại làm việc với "một nách 2 con" và đó dường như là điều đương nhiên. Năm 2007, HLV Alfred Riedl cùng với các trợ lý đã đưa Olympic Việt Nam tới vòng loại cuối cùng để giành suất đến Olympic Bắc Kinh 2008 và ông đã đưa đội tuyển Việt Nam lần đầu vào một trận tứ kết AFC ASIAN Cup, nhưng cuối cùng vẫn bị “gãy” ở SEA Games 24 (Korat, Thái Lan).

Lần gần nhất, 10 năm trước, ngay sau khi vô địch AFF Cup 2008 với đội tuyển Việt Nam, HLV Calisto cùng các học trò U23 hừng hực khí thế chinh phục tấm HCV SEA Games 2009 trên đất Lào, hiên ngang vào chung kết và gặp lại U23 Malaysia từng thua đậm thầy trò HLV Calisto từ vòng bảng, vậy mà U23 Việt Nam lại thất bại theo cách cay đắng nhất. Vậy nên, khi thuận lời nắm cả 2 đội tuyển cho cả 2 mục tiêu trong năm 2019, ông Park đã chấp nhận ở vào "thế cưỡi lưng cọp". Hẳn nhiên ông sẽ biết phải làm gì để có thể dung hòa mọi thứ cho tròn trịa, cho cả niềm tin mà bản thân ông đặt cả vào đó.

Làm bóng đá và muốn phát triển, suy cho cùng vẫn cần thành tích, thành tích từ thấp lên cao và ở mọi cấp độ. Do đó, bất chấp mọi yếu tố bất lợi, vượt lên trên những thách thức đang đón đợi và bỏ qua những tranh luận trái chiều, mục tiêu HCV SEA Games 30 là theo lẽ tự nhiên đó mà thôi. Danh hiệu này không chỉ là niềm vui đơn thuần, nó sẽ xóa đi ám ảnh và nỗi đau của chúng ta đang chấp nhận quá lâu rồi. Quan trọng hơn, đó là động lực để chúng ta tiếp tục đi trên con đường đang vạch ra với nhiều ý tưởng rộng mở và cái đích cao hơn.

Từ SEAP Games 1959 đến SEA Games 2019, từ năm Kỷ Hợi đến Kỷ Hợi. 60 năm tròn một hoa giáp, tròn một đời người cho một giấc mơ màu Vàng.

Trong buổi gặp mặt gần đây tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VFF, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đội tuyển U23 Việt Nam: “Chúng ta đã có thành tích rất tốt trong các giải vừa qua, thế nên phải tự tin, không sợ đối thủ nào cả. Ðặc biệt, đội được dẫn dắt bởi HLV Park Hang Seo, ông ấy có thể tạo những điều kỳ diệu. U23 Việt Nam phải giành HCV SEA Games 30. Bao nhiêu năm qua, Việt Nam chưa đoạt được tấm HCV này, nên người hâm mộ rất mong mỏi. Tôi biết nói ra chỉ tiêu này có thể sẽ gây áp lực cho đội, nhưng không thể nói khác được".

Trần Tuấn

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN