TTVH Online

NSƯT Thu Giang cùng Nhóm nhạc Thăng Long: Muốn chinh phục những bản nhạc kinh điển bằng nhạc cụ dân tộc

16/10/2019 10:29 GMT+7

Vừa qua, nhóm nhạc Thăng Long đã có đêm nhạc Giai điệu Đức - Việt khá thành công tại Viện Goethe Hà Nội. Đêm nhạc mang lại nhiều dấu ấn đặc biệt cho khán giả khi thể hiện dân ca Đức và chủ đề chính trong chương IV - bản Giao hưởng số 9 của Beethoven bằng nhạc cụ dân tộc.

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, nhóm nhạc Thăng Long đã có đêm nhạc Giai điệu Đức - Việt khá thành công tại Viện Goethe Hà Nội. Đêm nhạc mang lại nhiều dấu ấn đặc biệt cho khán giả khi thể hiện dân ca Đức và chủ đề chính trong chương IV - bản Giao hưởng số 9 của Beethoven bằng nhạc cụ dân tộc.

Thưởng thức trích đoạn giao hưởng số 9 của Beethoven qua nhạc cụ dân tộc Việt Nam

Thưởng thức trích đoạn giao hưởng số 9 của Beethoven qua nhạc cụ dân tộc Việt Nam

Đêm nhạc thính phòng Đức - Việt nhằm tôn vinh âm nhạc truyền thống của Việt Nam và Đức diễn ra vào 19h ngày 2/10/2019 tại Viện Goethe Hà Nội.

Thu Giang (Trưởng nhóm nhạc Thăng Long) đã có những chia sẻ thú vị về đêm nhạc với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

* Được biết nhóm nhạc Thăng Long vẫn thường trình diễn các ca khúc truyền thống của Việt Nam, vậy vì sao nhóm nhạc lại có ý tưởng kết hợp dân ca Đức với nhạc cụ dân tộc Việt Nam trong đêm nhạc Giai điệu Đức - Việt?

- Thực ra ý tưởng kết hợp nhạc dân ca Đức với nhạc cụ Việt Nam là của Tiến sĩ Đào Minh Quang, anh là người khởi xướng đêm nhạc Giai điệu Đức - Việt. Ý tưởng này đã được anh Quang ấp ủ cách đây 6 tháng. Anh tìm đến nhóm nhạc Thăng Long, sau khi hai bên trao đổi thì nhóm thấy là có thể thực hiện chương trình này. Sau đó, nhóm đã mời nhạc sĩ phối khí Vũ Huyền Trung.

Chú thích ảnh
NSƯT Thu Giang

* Một trong những điểm nhấn của đêm nhạc là trình diễn thành công của tay trống Minh Hiếu. Điều gì đã khiến nhóm nhạc Thăng Long quyết định hợp tác cùng tay trống rất trẻ này?

- Việc hợp tác cùng tay trống là do anh Vũ Huyền Trung, giám đốc âm nhạc đề xuất. Ban đầu, Tiến sĩ Đào Minh Quang chỉ dự định kết hợp các nhạc cụ dân tộc và tiếng guitar thôi. Tuy nhiên, anh Huyền Trung và nhóm nhạc nghĩ rằng để thể hiện bản nhạc một cách hoàn hảo nhất thì cần thêm bộ gõ.

* Tại sao phần cuối chương trình, nhóm nhạc lại chọn chủ đề chính trong chương IV - bản Giao hưởng số 9 của Beethoven thay vì một bản dân ca Đức?

- Nhóm cũng cân nhắc nhiều về ý tưởng này và nhận thấy chủ đề chính trong chương IV - bản Giao hưởng số 9 rất phù hợp để đưa vào chương trình và có thể trở thành điểm nhấn của toàn bộ chương trình. Trích đoạn nhạc này có thể kết hợp được nhạc cụ dân tộc, đàn piano, bộ gõ, nhóm bè và giọng hát chính.

Trích đoạn chương IV - bản Giao hưởng số 9 từ trước đến giờ vẫn thường được trình diễn bằng dàn nhạc giao hưởng và hợp xướng, ở Việt Nam chưa có một ban nhạc nào chơi bản nhạc này bằng nhạc cụ dân tộc. Nhóm nhạc rất đắn đo rằng liệu chuyển soạn bản nhạc cho nhạc cụ dân tộc thì có hiệu quả hay không? Đây là thử thách rất lớn đối với nhạc sĩ phối khí và nhóm nhạc Thăng Long. Phải làm sao để chuyển soạn phù hợp với tính năng của từng loại nhạc cụ. Nhạc sĩ Vũ Huyền Trung đã phải cân nhắc, suy nghĩ để phối khí sao cho các nhạc cụ phải phù hợp với những quãng bè, nhóm bè và ca sĩ phải hát được những cao độ thích hợp. Sau đó, nhóm nhạc phải cố gắng luyện tập sao để chơi nhạc được đúng ý tưởng của tác giả và của nhạc sĩ phối khí.

Chú thích ảnh
Ban nhạc Thăng Long trong đêm nhạc Giai điệu Đức - Việt

* Sau khi đêm nhạc kết thúc, chị cảm thấy thế nào về việc chơi nhạc giao hưởng bằng nhạc cụ dân tộc? Liệu nhạc cụ dân tộc có đủ sức thể hiện chủ đề chính trong chương IV - bản Giao hưởng số 9 không?

- Khi đưa ra ý tưởng thì nhóm nhạc lo rằng nhạc cụ dân tộc của mình không thể hiện được hết các tính chất của bản nhạc. Nhưng khi bắt tay vào luyện tập thì nhóm thấy không khó khăn gì cả vì những nét giai điệu của bản nhạc đã được nhạc sĩ chuyển soạn phù hợp với từng nhạc cụ.

* Chị có thể chia sẻ thêm những ưu, nhược điểm của việc chơi nhạc giao hưởng bằng nhạc cụ dân tộc?

- Thật ra nhạc cụ dân tộc thì âm vực và kỹ thuật của nó là dành cho các làn điệu dân gian Việt Nam, vì vậy nếu dùng nhạc cụ dân tộc để chơi nhạc phương Tây, đặc biệt là nhạc giao hưởng đặc thù thì nó không thể tối ưu hóa được. Chính vì thế chúng tôi đã tính toán và lựa chọn chơi chủ đề chính trong chương IV - bản Giao hưởng số 9 để mang lại hiệu quả đồng thời mang đến sự độc đáo riêng bằng cách: Kết hợp nhạc cụ dân tộc với bộ gõ và dàn bè để chơi trích đoạn chủ đề chính, nhờ vậy mà không gặp quá nhiều khó khăn bởi chủ đề chính đó khá khúc chiết và có khuôn khổ như một đoạn nhạc ngắn mà các nhạc cụ dân tộc Việt Nam vẫn hay chơi.

* Trong tương lai nhóm nhạc Thăng Long có muốn tiếp tục việc thực hiện lại ý tưởng này không?

- Có chứ, nhóm nhạc Thăng Long rất muốn tiếp tục chinh phục những bản nhạc kinh điển bằng nhạc cụ dân tộc.

* Trong đêm nhạc Giai điệu Đức-Việt, khán giả nhận thấy nhóm nhạc Thăng Long và tay trống Minh Hiếu, nghệ sĩ piano Huyền Trung đã có những phút ngẫu hứng rất thú vị. Chị có thể chia sẻ thêm về những giây phút này?

- Khi thấy khán giả đang say sưa, chăm chú nghe, những người làm chương trình đã có cảm hứng để sáng tác ngay trên sân khấu. Ví dụ như nghệ sĩ Vũ Huyền Trung đã chơi thêm những đoạn nhạc Jazz hay nghệ sĩ Trà My đã hát thêm vài câu chèo. Đặc biệt trong tác phẩm “Khỏa nước sông trăng”, nghệ sĩ đàn tỳ bà Diệu Thảo và tay trống Minh Hiếu đã có sự ăn ý với nhau khi mỗi người đều có những phút sáng tạo riêng. Phần đàn tỳ bà có những đoạn sáng tác thêm và phần trống cũng có những đoạn trưng trổ thêm, hoàn toàn không có trong sáng tác gốc.

* Đêm nhạc Giai điệu Đức- Việt còn có sự góp giọng của ca sĩ Hồng Dung. Phần hát tiếng Đức của ca sĩ Hồng Dung được khen là phát âm rất chuẩn…

- Ca sĩ Hồng Dung từng tốt nghiệp đại học Ngoại Ngữ nhưng chưa từng học tiếng Đức. Khi được giao hát tiếng Đức, đặc biệt là hát chủ đề chính trong chương IV của bản Giao hưởng số 9, ca sĩ Hồng Dung mới bắt đầu tập hát bằng tiếng Đức. Cô đã mời chuyên gia người Đức tới để tư vấn cách phát âm sao cho chuẩn nhất. Từ lúc học cho đến lúc biểu diễn, Hồng Dung luôn có ý thức chỉnh sửa, tập luyện. Thậm chí cô còn hát để gửi cho chuyên gia người Đức nhận xét và gửi cho nhóm để nhận góp ý.

* Thông qua đêm nhạc đầy sáng tạo này, nhóm nhạc Thăng Long có thông điệp gì gửi tới các nghệ sĩ trẻ trong việc sáng tạo những cái cũ thành cái mới không thưa chị?

- Những phá cách, sáng tạo trong nghệ thuật nghệ sĩ trẻ đang làm nhiều lắm. Nhưng liệu những phá cách, sáng tạo đó có được công chúng đón nhận hay chạm đến trái tim của khán giả hay không thì mới là điều quan trọng. Nhóm nhạc Thăng Long luôn khuyến khích các nghệ sĩ trẻ hãy sáng tạo trong nghệ thuật nhưng sáng tạo đó phải thực sự có ý nghĩa và mang lại cảm xúc tốt đẹp cho khán giả.

*Trong tương lai, nhóm nhạc Thăng Long có dự định ra album không?

- Về dự án ra album, nhóm cũng nghĩ đến từ lâu rồi nhưng cần có thêm sự lựa chọn kĩ càng để những bản nhạc đưa vào album có thể đến gần công chúng hơn. Nhưng chắc chắn một ngày gần đây thôi, album của nhóm sẽ ra đời.

* Cảm ơn những chia sẻ của chị! Chúc chị và nhóm nhạc Thăng Long sẽ gặt hái thêm nhiều thành công trong sự nghiệp.

Nguyễn Minh Duyên (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN