TTVH Online

3 nhạc kịch sử thi đầu tiên của Việt Nam (kỳ 3 & hết): 'Người tạc tượng' - bản anh hùng ca Tây Nguyên

03/10/2019 07:15 GMT+7

Sau nhạc kịch "Cô Sao", ngay từ năm 1966, Đỗ Nhuận đã nghĩ tới một nhạc kịch mới mang âm điệu Tây Nguyên bên cạnh nhạc kịch "Cô Sao" mang âm điệu Tây Bắc. Dự kiến, nếu Tổng tấn công Mậu Thân 1968 toàn thắng, vở nhạc kịch ấy sẽ mang vào trình diễn tại Sài Gòn.

(Thethaovanhoa.vn) - Sau nhạc kịch Cô Sao, ngay từ năm 1966, Đỗ Nhuận đã nghĩ tới một nhạc kịch mới mang âm điệu Tây Nguyên bên cạnh nhạc kịch Cô Sao mang âm điệu Tây Bắc. Dự kiến, nếu Tổng tấn công Mậu Thân 1968 toàn thắng, vở nhạc kịch ấy sẽ mang vào trình diễn tại Sài Gòn.

3 nhạc kịch sử thi đầu tiên của Việt Nam (kỳ 2): 'Bên bờ Krông Pa' - Cơn bão táp đồng khởi của buôn làng

3 nhạc kịch sử thi đầu tiên của Việt Nam (kỳ 2): 'Bên bờ Krông Pa' - Cơn bão táp đồng khởi của buôn làng

Sau nhạc kịch "Cô Sao" của Đỗ Nhuận trình diễn mùa thu 1965, Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam tiếp tục tập luyện và trình diễn nhạc kịch "Bên bờ Krông Pa" của Nhật Lai vào mùa Xuân 1968.

1. Nhưng, việc sáng tác từ phác thảo đến hoàn chỉnh đều phải lựa theo những lúc có thời gian, không bị công việc trước mắt câu thúc. Bởi thế, mãi đến tháng 7/1968, Đỗ Nhuận mới hoàn thành kịch bản Người tạc tượng và duyệt thông qua Hội đồng nghệ thuật. Ông dự kiến kịch bản sẽ có 29 số nhạc. Ông viết xong toàn bộ bản hát và phần đệm piano ngày 17/7/1970, phối khí xong nhạc kịch ngày 10/12/1970, sửa lại hợp xướng cuối vào tháng 1/1971.

Đỗ Nhuận đưa ra nhân vật cán bộ cách mạng và là người tạc tượng dũng sĩ Tây Nguyên là nhân vật chính của vở nhạc kịch này. Ông lấy tên nhân vật này là Thạch Sơn để tưởng nhớ bạn ông - chiến sĩ địch vận Thạch Sơn đã hi sinh ở Tây Bắc thời chống Pháp.

Sau gần tám tháng tập luyện, dịp Quốc khánh 2/9/1971, giữa mùa lũ lụt, nhạc kịch Người tạc tượng đã được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Tố Loan (giữa) sẽ vào vai H’Nuôn trong vở nhạc kịch “Người tạc tượng”của năm 2019

Đạo diễn Văn Hà đã vào cuộc với một tư duy dựng bài bản. Phần dựng nhạc và chỉ huy hợp xướng có sự góp công của Quang Hải và Đỗ Dũng. Thiết kế mỹ thuật do họa sĩ Bùi Huy Hiếu (đã từng làm Cô Sao) đưa ra phác thảo, họa sĩ Trần Mậu thực hiện. Biên đạo múa là nghệ sĩ Xuân Đinh. Quý Dương đảm nhận vai Thạch Sơn thật vững chãi. Đóng cặp với Quý Dương là Đức Lộc, Ngọc Dậu và Kim Định trong vai H’Nuôn. Trần Hiếu và Hoàng Ban vào vai già làng Aêpông. Tâm Trừng gánh vác vai Kiều Nga.

Ở các vai diễn khách, cố vấn Mỹ Grim do Quang Hưng và Trung Kiên đảm nhận. Y Giang do Gia Hội và Nguyên Hà đảm nhận. Ác ôn Bảy Vằn do Quốc Thanh và Bang Phác đảm nhận. Y Mak do Duy Thông và Hoài Thái đảm nhận. H Beng do Ngọc Minh đảm nhận. Mí Linh do Bích Loan và Ngô Trách đảm nhận.

2. Người tạc tượng diễn được hơn chục buổi đã có bài viết của nhà lý luận âm nhạc Tú Ngọc viết trên báo Văn Nghệ: “Về mặt sáng tạo nghệ thuật, chúng ta thấy có nhiều ưu điểm đáng kể. Việc dựng lên hiện tượng dũng sĩ Thạch Sơn, cùng các nhân vật khác xen kẽ giữa hùng ca và trữ tình đã xen kẽ, đan cài nhau suốt vở diễn…Người tạc tượng là tác phẩm âm nhạc mang tính anh hùng ca đáng khích lệ…”

Người tạc tượng diễn đêm thứ năm mươi ở Hà Nội thì đã diễn ra cuộc tập kích chiến lược giải phóng Quảng Trị và máy bay Mỹ trở lại ném bom Hải Phòng vào ngày 16/4/1972 mà mọi người quen gọi là “Ngày Chủ nhật đẫm máu”.

Sau ngày Sài Gòn giải phóng, nó lại tiếp tục được công diễn ở rạp Hảo Huê - Chợ Lớn.

Khi ấy, người Sài Gòn, trong đó có không ít những người Hà Nội di cư, chẳng thể nào ngờ âm nhạc miền Bắc đã phát triển tới mức có thể trình diễn được một vở nhạc kịch. Các phóng viên nước ngoài, trong đó có cả phóng viên Mỹ cũng tới xem và vô cùng ngạc nhiên. Họ chìm đắm vào những đoạn tự sự của các nhân vật trong nhạc kịch mà Đỗ Nhuận đã khắc họa người nào ra người đó hết sức riêng biệt.

Tối 5/10 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Nhạc Vũ Kịch, Người tạc tượng đã được dàn dựng lại dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - con trai cả nhạc sĩ Đỗ Nhuận - để tạo ra một sự kiện lớn của âm nhạc bác học nước nhà.

Ê-kíp phục dựng Người tạc tượng gồm NSƯT Trần Ly Ly, quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam chỉ đạo nghệ thuật; biên tập, đạo diễn âm nhạc và chỉ huy là nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam; đạo diễn sân khấu là NSƯT Trần Lực, họa sỹ Hoàng Hà Tùng thiết kế mỹ thuật, Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Phong chịu trách nhiệm đạo diễn múa…Vở nhạc kịch có sự tham gia trình diễn của các nghệ sỹ kỳ cựu như NSƯT Mạnh Dũng, Tố Loan, Bùi Thị Trang…

Chất liệu âm nhạc Tây Nguyên và tiết tấu trống ngũ liên

Nhạc kịch Người tạc tượng gồm 3 màn, với 29 tiết mục. Âm nhạc sử dụng nhiều chất liệu nhưng nhiều nhất là chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên, rõ nhất là trong các tiết mục đơn ca của già làng Aêpông, cô gái Hơ Nuôn, Y Giang và hợp xướng. Chất liệu âm nhạc Trung Trung bộ và Nam bộ xuất hiện ở các tiết mục của Thạch Sơn, Kiều Nga. Ngoài ra ở dàn nhạc và các tiết mục của các nhân vật phản diện là chất liệu âm nhạc của Âu - Mỹ.

Người tạc tượng cũng có đoạn nhạc mở đầu, hình thức như ouverture trong nhạc kịch châu Âu. Những aria trong nhạc kịch này không mang nhiều kỹ thuật thanh nhạc nhưng giai điệu truyền cảm và dễ lĩnh hội - dấu ấn của một nhạc sĩ có sở trường về ca khúc của Đỗ Nhuận.

Một số đoạn của dàn nhạc và aria của nhân vật Thạch Sơn Nhớ núi Ngũ hành sử dụng hình thức âm hình chủ đạo (leimotiv). Tiết tấu trống ngũ liên cũng được tác giả sử dụng trong một số đoạn của dàn nhạc.

Phần hát nói dùng hình thức nói có cách điệu + nhạc đệm và hát nói có giai điệu đã thực hiện được tính chất dẫn dắt, bắc cầu giữa các tiết mục.

BM

Nguyễn Thụy Kha

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN