TTVH Online

Phim Việt hy vọng gì ở Liên hoan phim Busan?

03/10/2019 19:23 GMT+7

Liên hoan phim quốc tế Busan (LHP Busan) lần thứ 24 sẽ khai mạc vào hôm nay (3/10) và kéo dài đến 12/10) với 303 phim từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Trong những giải thưởng chính thức được trao, vinh dự nhất là người thắng giải ở hạng mục New Currents (Những trào lưu mới).

(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan phim quốc tế Busan (LHP Busan) lần thứ 24 sẽ khai mạc vào hôm nay (3/10) và kéo dài đến 12/10) với 303 phim từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Trong những giải thưởng chính thức được trao, vinh dự nhất là người thắng giải ở hạng mục New Currents (Những trào lưu mới).

Phim 'Anh trai yêu quái' ra mắt tại LHP Busan trước khi công chiếu tại Việt Nam

Phim 'Anh trai yêu quái' ra mắt tại LHP Busan trước khi công chiếu tại Việt Nam

Anh trai yêu quái - bộ phim mới nhất của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng đã được lựa chọn trình chiếu trong hạng mục Cửa sổ châu Á - A window on Asian Cinema tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 (BIFF).

Ưu tiên của LHP Busan là chọn những phim mới và những tên tuổi mới đến từ châu Á. Ra đời từ năm 1996, đây đang là LHP thu hút được nhiều giới trẻ, cả về khán giả và việc phát triển tài năng trẻ. Mấy mùa giải gần đây, mỗi mùa thu hút khoảng 200 ngàn lượt khán giả. Với hơn 10 hạng mục chính thức và hơn 10 các hạng mục bổ trợ, LHP Busan đang ngày càng tạo được thanh thế.

Cơ hội của phim Việt

So với 23 mùa trước, mùa này Việt Nam tham gia LHP Busan rầm rộ nhất, từ phim dài đến phim ngắn, từ phim dự án đến phim giải trí, phim tài liệu, chỉ thiếu mỗi phim hoạt hình. Có 4 phim dài và 2 phim ngắn được chiếu chính thức.

Cụ thể, hạng mục chính thức A Window on Asian Cinema (Cửa sổ điện ảnh châu Á), mùa này có 4 phim Việt được trình chiếu. Đó là Thưa mẹ con đi (đạo diễn: Trịnh Đình Lê Minh), Bắc kim thang (Trần Hữu Tấn), Bí mật của gió (Nguyễn Phan Quang Bình) và Anh trai yêu quái (Vũ Ngọc Phượng). Trong này chỉ có Thưa mẹ con đi đã công chiếu tại Việt Nam, nhận được nhiều khen ngợi của báo giới, nhưng bán vé yếu. Mục tiêu chính của hạng mục này là giúp các hãng phim, các nhà sản xuất và đạo diễn tìm kiếm cơ hội quảng bá, phát hành, mua bán, trao đổi, chứ không tranh giải.

Ròm. Thưa mẹ con đi. Bắc Kim Thang. LHP Busan. Phim ròm. Phim việt nam
Với 4 phim và 2 phim ngắn tham dự LHP Busan lần thứ 24, chỉ có “Thưa mẹ con đi” là đã công chiếu tại Việt Nam

Ở hạng mục chính thức Wide Angle (Góc rộng) ở 5 tiểu mục, trong đó phim ngắn Ngọt, mặn của Dương Diệu Linh tranh giải Asian Short Film Competition (Cuộc thi phim ngắn châu Á). Còn phim ngắn Hãy thức tỉnh và sẵn sàng của Phạm Thiên Ân được trình chiếu tại tiểu mục Short Film Showcase (Giới thiệu phim ngắn).

Cần nhắc lại, qua 23 mùa, Việt Nam chưa có phim nào nhận giải thưởng New Currents - hạng mục dành cho phim điện ảnh đầu tay hoặc phim thứ hai (từ năm 2002, mỗi năm New Currents trao cho hai phim). Tại LHP Busan năm 2011, phim Đó... hay đây? (đạo diễn: Síu Phạm) được chọn tranh giải New Currents cùng 12 phim khác, nhưng không đoạt giải. Trong quá khứ, những phim tới LHP Busan trước đây của Việt Nam như Cánh đồng bất tận, Áo lụa Hà Đông, Cô Ba Sài Gòn, Tấm Cám: Chuyện chưa kể… cũng chưa tạo được dấu ấn tại các hạng mục của mình.

Năm nay, nếu nhìn lại “gu” của LHP Busan, vốn thiên nhiều về tính nghệ thuật và thể nghiệm, thì khả năng tạo ấn tượng của 4 phim Việt là hơi khó. Bởi trừ Bí mật của gió là còn một số bí mật về nội dung và nghệ thuật kể chuyện, 3 phim còn lại, dù 2 phim chưa công chiếu, nhưng trong giới đã nắm được tinh thần chung, cũng khó mà tạo được bất ngờ.

Ròm. Thưa mẹ con đi. Bắc Kim Thang. LHP Busan. Phim ròm. Phim việt nam

LHP Busan không chỉ có giải thưởng

LHP quốc tế Busan là LHP lớn nhất của châu Á về quy mô, đặc biệt là Chợ phim châu Á - một hạng mục bổ trợ, nơi các nhà sản xuất và đạo diễn đến tìm kiếm cơ hội cho mình. Năm nay có đến 384 dự án từ 60 quốc gia đăng ký nhưng chỉ 29 dự án được chọn, trong đó có Skin Of Youth (đạo diễn: Nguyễn Phương Anh), Picturehouse (Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Cuộc săn tàn nhẫn (Nguyễn Hữu Tuấn)… từ Việt Nam.

Quỹ điện ảnh châu Á cũng là một hạng mục bổ trợ, được lập ra với mục tiêu khích lệ phim độc lập, thuộc tất cả các thể loại khác nhau. Mỗi năm hỗ trợ khoảng 100.000 USD cho 7 dự án phát triển kịch bản, 5 phim trong giai đoạn hậu kỳ và 13 phim tài liệu. Năm nay một phim tài liệu Việt Nam nhận được hỗ trợ gần 130 triệu đồng.

Ngoài ra, ở LHP Busan còn có Quỹ hậu kỳ được thực hiện thông qua sự hỗ trợ của các công ty hậu kỳ Hàn Quốc và Hội đồng phim ảnh Hàn Quốc. Với quỹ này, đạo diễn được mời đến Hàn Quốc để làm việc, học tập về âm thanh và kĩ xảo với các nhà sản xuất hậu kỳ nổi tiếng của Hàn Quốc. Nó sẽ giúp đạo diễn hoàn thành bộ phim của họ cho phần hậu kỳ chuyên nghiệp, chất lượng, nếu họ nhận được tài trợ này. Hoặc, mạng lưới phim tài liệu châu Á được thành lập năm 2002 và được tài trợ bởi sáu trường đại học và tập đoàn tài chính ở Busan. Đây cũng là một hạng mục bổ trợ, mục đích chính là tổ chức các lớp học về phim tài liệu.

Một số hạng mục đáng chú ý của LHP Busan năm 2019

Icons (Các biểu tượng); A Window on Asian Cinema (Cửa sổ điện ảnh châu Á); New Currents (Những trào lưu mới); Korean Cinema Today (Điện ảnh Hàn Quốc hôm nay); Korean Cinema Retrospective (Hồi tưởng điện ảnh Hàn Quốc); World Cinema (Điện ảnh thế giới); Flash Forward (Tia sáng phía trước); Wide Angle (Góc rộng); Open Cinema (Chiếu phim ngoài trời); Special Programs in Focus (Các chương trình đặc biệt); Midnight Passion (Gia vị nửa đêm)…

Văn Bảy

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN