TTVH Online

Cà Mau di dời hàng nghìn hộ dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm

30/09/2019 15:45 GMT+7

Ngày 30/9, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, UBND tỉnh Cà Mau có kế hoạch di dời, bố trí lại dân cư ven sông, kênh, rạch giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2025.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 30/9, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, UBND tỉnh Cà Mau có kế hoạch di dời, bố trí lại dân cư ven sông, kênh, rạch giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2025.

Sạt lở đất vùi lấp ba người trong một gia đình ở Đắk Nông

Sạt lở đất vùi lấp ba người trong một gia đình ở Đắk Nông

Trong hai ngày 6 và 7/8, mưa lớn gây sạt lở đất nghiêm trọng đã vùi lấp một gia đình gồm 3 người tại thôn 14, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông).

Việc rà soát của cơ quan chức năng cho thấy, toàn tỉnh có khoảng 6.700 hộ dân ở ven sông, kênh, rạch cần được di dời đến nơi ở mới; trong đó, phần lớn là những hộ dân thuộc vùng ven biển của các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi.

Theo kế hoạch, tỉnh Cà Mau sẽ ưu tiên di dời hơn 1.000 hộ dân đến nơi ở mới an toàn, đó là những người đã bị mất nhà cửa, hiện nay đang ở nhờ hoặc ở nhà tạm. Tỉnh cũng đang rà soát nhằm bố trí lại nơi ở cho hơn 3.000 hộ dân trú ở khu vực bờ sông có mức độ sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, khu đô thị, khu vực dân cư tập trung đang bị đe dọa trực tiếp bởi tình trạng sạt lở, sụt lún đất ven sông.

Bên cạnh đó, Cà Mau có hơn 2.500 hộ dân trú ở khu vực ven sông, kênh, rạch với mức độ sạt lở bình thường và khu vực có nguy cơ bị ngập lũ, họ cũng cần di dời đến nơi ở mới trong giai đoạn 2020 -2025.

Chú thích ảnh
Sạt lở tuyến đê từ Vàm Đá Bạc đến Vàm Kinh Mới, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau). Ảnh: TTXVN

Theo tính toán, nguồn vốn phục vụ công tác di dời, tái định cư đối với các hộ dân trú ở vùng có nguy cơ sạt lở cao (ven sông, kênh, rạch) là hơn 940 tỷ đồng.

UBND tỉnh Cà Mau đề xuất Trung ương ưu tiên bố trí nguồn vốn cho địa phương chủ động triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư; bố trí di dời dân ven sông, kênh, rạch đến nơi ở mới nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của hàng nghìn hộ dân đang đối mặt với mối nguy hiểm do sạt lở đất ven sông, ven biển.

Thời gian qua, tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn tỉnh diễn ra nhanh, hàng ngày, hàng giờ và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài tám điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp, UBND tỉnh Cà Mau đang chỉ đạo rà soát tất cả vị trí bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm trên toàn tỉnh để ban bố tình huống khẩn cấp khi có đủ điều kiện và báo cáo với Trung ương.

Tuy nhiên, để nhanh chóng xử lý tình trạng sạt lở ở những vị trí đã được ban bố tình trạng khẩn cấp thì công tác di dân là điều rất cần thiết. Tỉnh Cà Mau kiến nghị Trung ương sớm hỗ trợ vốn để hoàn thiện các khu tái định cư trong thời gian tới.

Cần Thơ: Xuất hiện đỉnh triều lịch sử mới là 2,25m

Sáng 30/9, đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch tiếp tục dâng cao tại thành phố Cần Thơ, mực nước ghi nhận được là 2,25m, cao hơn báo động III là 0,35m. Đây là đỉnh triều lịch sử mới xuất hiện tại Cần Thơ, vượt qua đỉnh triều cao nhất từng được ghi nhận vào năm 2018 là 2,23m.

Cụ thể, khoảng hơn 5 giờ ngày 30/9, nước từ sông, rạch, hệ thống cống tràn lên gây ngập hầu hết các tuyến đường ở trung tâm thành phố Cần Thơ. Tại các tuyến đường chính như: Mậu Thân, Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Tự Trọng… nước ngập rất sâu. Việc triều cường xuất hiện vào sáng sớm, lên cao vào giờ đi làm đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân.

Theo ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, mực nước đo được tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu vào 17 giờ ngày 29/9 đạt 2,22m (chỉ thấp hơn 1cm so với đỉnh triều lịch sử năm 2018). Đến sáng 30/9, mực nước ghi nhận lúc 5 giờ 30 đã lên mức 2,25m, cao hơn báo động III 0,35m và cũng là mực nước cao nhất từng xuất hiện tại thành phố Cần Thơ.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Công tác biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ, cho biết, trong những ngày qua thành phố Cần Thơ bị ngập sâu là do đỉnh lũ từ sông Mê Kông di chuyển xuống hạ lưu gặp ngay đợt triều cường khá mạnh làm cho mực nước sông Hậu dâng lên cao bất ngờ. Điều này đã khiến cho nhiều tuyến đường tại Cần Thơ bị ngập vào thời điểm sáng sớm và chiều tối mấy ngày nay.

“Hiện nay do tình trạng sụt lún đất, nhiệt độ tăng làm cho nước biển đang dâng theo cấp số nhân chứ không còn theo cấp số cộng như dự báo nữa. Vì vậy, để ứng phó hiệu quả với lũ, nước biển dâng, biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại cho người dân thì trong thời gian tới thành phố Cần Thơ cần tiếp tục triển khai các hoạt động cụ thể và đưa ra những quyết định nhanh chóng để giải quyết tình trạng này”- ông Kỷ Quang Vinh nói.

Thanh Liêm

Kim Há/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN