TTVH Online

Lễ hội Lam Kinh năm 2019: Hào khí Lam Sơn tỏa sáng trường tồn

20/09/2019 11:31 GMT+7

Ngày 20/9 (tức ngày 22/8 âm lịch), Lễ kỷ niệm 601 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 591 năm Đức vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 586 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và khai hội Lễ hội Lam Kinh năm 2019 đã diễn ra tại sân Rồng chính điện Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lễ hội thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người dân, du khách thập phương và con cháu họ Lê khắp mọi miền Tổ quốc.

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20/9 (tức ngày 22/8 âm lịch), Lễ kỷ niệm 601 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 591 năm Đức vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 586 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và khai hội Lễ hội Lam Kinh năm 2019 đã diễn ra tại sân Rồng chính điện Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lễ hội thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn người dân, du khách thập phương và con cháu họ Lê khắp mọi miền Tổ quốc.

Lễ hội Lam Kinh 2018: Tôn vinh hào khí Lam Sơn, trường tồn và tỏa sáng

Lễ hội Lam Kinh 2018: Tôn vinh hào khí Lam Sơn, trường tồn và tỏa sáng

Theo đó, Lễ hội năm nay gồm 2 phần: Phần nghi lễ bao gồm rước kiệu vua Lê Thái tổ và kiệu Trung Túc vương Lê Lai theo nghi thức truyền thống; lễ dâng hương; đánh trống khai hội; đọc chúc văn...

Ngay từ sáng sớm, Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã đón nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến dâng hương tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các vua Lê, các anh hùng, tướng sĩ và nhân dân đã có công trong lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong không khí thành kính, trang nghiêm giữa chính điện Lam Kinh, các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương đã ôn lại công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các tướng sĩ trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Cách đây 601 năm, vào mùa Xuân Mậu Tuất năm 1418, tại núi rừng Lam Sơn, nay thuộc huyện Thọ Xuân, Lê Lợi cùng nhiều hào kiệt đã dựng cờ khởi nghĩa, truyền hịch chiêu mộ anh hùng bốn phương, kêu gọi nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Sau gần 10 năm chiến đấu gian khổ, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc thắng lợi vào tháng 12 năm 1427, chấm dứt 20 năm cai trị tàn độc của nhà Minh, giành lại độc lập cho nước Đại Việt. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, mở ra triều đại nhà Hậu Lê huy hoàng trong lịch sử dân tộc.

Chú thích ảnh
Lễ rước bài vị Vua Lê Thái tổ trong lễ hội Lam Kinh. Ảnh: Lê Dung/Báo Thanh Hóa

Lễ kỷ niệm mở đầu với phần nghi lễ và các nghi thức truyền thống như rước kiệu, dâng hương, đọc chúc văn. Tiếp đó là chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Hào khí Lam Sơn tỏa sáng trường tồn”. Chương trình nghệ thuật được đầu tư công phu, gồm các tiết mục sân khấu hóa ca ngợi công đức của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các bậc tiền nhân, nhân dân Thanh Hóa nói riêng, nhân dân cả nước nói chung trong cuộc Khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược cách đây 601 năm. Cùng với đó là các ca khúc viết về quê hương Thanh Hóa trong giai đoạn đổi mới và phát triển.

Đặc biệt, phần không thể thiếu trong Lễ hội Lam Kinh chính là những trò diễn dân gian gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân các dân tộc trong tỉnh do hàng trăm nghệ sỹ, diễn viên các đoàn nghệ thuật, các nghệ nhân, diễn viên quần chúng biểu diễn. Hòa chung trong không khí lễ hội, hào khí Lam Sơn là mạch nguồn thôi thúc, cổ vũ, động viên Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa bứt phá vươn lên trong hội nhập và phát triển, xứng đáng với truyền thống vùng quê “Địa linh nhân kiệt”.    

Lễ hội Lam Kinh 2019 diễn ra đến ngày 21/9 tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Hoa Mai/TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN