TTVH Online

Qua thăng trầm, 'Chiến tranh và Hòa bình' đã trở lại trọn vẹn

20/09/2019 13:58 GMT+7

Trong lịch sử điện ảnh không phim nào có thể sánh nổi với siêu phẩm "Chiến tranh và Hòa bình" do Liên Xô sản xuất (1966) về độ dài cũng như tầm vóc đồ sộ của phim. Hơn nửa thế kỷ qua, các nhà làm phim Nga - Mỹ đã luôn tìm cách để đưa bộ phim về như nguyên trạng ban đầu nhằm giữ cho nhân loại một di sản văn hoá.

(Thethaovanhoa.vn) - Trong lịch sử điện ảnh không phim nào có thể sánh nổi với siêu phẩm Chiến tranh và Hòa bình do Liên Xô sản xuất (1966) về độ dài cũng như tầm vóc đồ sộ của phim. Hơn nửa thế kỷ qua, các nhà làm phim Nga - Mỹ đã luôn tìm cách để đưa bộ phim về như nguyên trạng ban đầu nhằm giữ cho nhân loại một di sản văn hoá.

Phim truyền hình "Chiến tranh và hòa bình": Bỏ qua triết học, bàn về tình yêu

Phim truyền hình "Chiến tranh và hòa bình": Bỏ qua triết học, bàn về tình yêu

Series truyền hình "Chiến tranh và hòa bình" dự kiến lên sóng năm 2015, gồm 6 tập, mỗi tập có thời lượng 1 tiếng.

Tháng 1/2019, hãng Janus Films (Mỹ) đã công bố bản phim được phục chế, Chiến tranh và Hòa bình của Sergei Bondarchuk (1966 - 1967) sẽ chính thức được tái ra mắt khán giả Mỹ ngoài rạp. Đối với người hâm mộ của bộ phim, tin này thật đáng mong chờ, nhưng cũng hơi bán tín bán nghi bởi bộ phim đã từng được phục chế nhiều lần trước đây, nhưng chất lượng chẳng cải thiện là bao.

Mất 10 năm phục chế…

Phim Chiến tranh và Hòa bình được quay hoàn toàn bằng phim nhựa 70mm (tỷ lệ màn ảnh là 2.20:1), phim chỉ có thể chiếu ở những rạp có trang bị máy chiếu và màn hình 70mm. Để phim được phổ biến hơn, hãng Mosfilm đã cẩn thận quay song song thêm một bản bằng phim nhựa 35mm (tỷ lệ màn ảnh phổ biến lúc đó là 4:3 - giống với tỷ lệ màn hình TV).

Đến năm 1986, đạo diễn Sergei Bondarchuk được yêu cầu chuẩn bị cho phát sóng Chiến tranh và Hòa bình trên truyền hình (tỷ lệ màn hình TV là 4:3). Bản phim 35mm lúc này đã rất cũ nên hãng Mosfilm phải lập ra một nhóm do nhà quay phim Anatoly Petritsky đứng đầu, phụ trách phục chế và điều chỉnh lại hình ảnh và màu sắc của bộ phim. Và năm 1988, Chiến tranh và Hòa bình lần đầu được chiếu TV ở Liên Xô.

Chú thích ảnh
Sergei Bondarchuk và nữ diễn viên Lyudmila Savelyeva

Năm 1999, như một phần của sáng kiến ​​khôi phục lại kho phim kinh điển cũ của mình, hãng Mosfilm quyết tâm phục chế lại Chiến tranh và Hòa bình đúng như nguyên bản phim 70 mm ban đầu. Nhưng các cuộn phim gốc mấy mươi năm nằm trong kho đã bị hỏng nặng, công nghệ phục chế ở Nga lúc ấy không đủ trình để cứu, nên hãng Mosfilm đành phải sử dụng lại phiên bản phim 35mm phục chế từ năm 1988 với tỷ lệ 4: 3, và nhạc phim gốc để tạo ra một phiên bản cho DVD (5 đĩa). Quá trình này tốn đến 80.000 USD.

Năm 2006, Karen Shakhnazarov, giám đốc Mosfilm, tuyên bố rằng việc phục hồi Chiến tranh và Hòa bình (frame by frame) "từng khung hình một" đang được thực hiện. Phục hồi từ bản phim 70mm hay 35mm không được cho biết rõ, nhưng Shakhnazarov tuyên bố việc khôi phục lần này có lẽ sẽ kết thúc vào… cuối năm 2016 - Nghĩa là sẽ kéo dài 10 năm!.

Và thực tế mãi đến tháng 1/2019 vừa qua, hãng Janus Films (Mỹ) mới công bố việc khôi phục Chiến tranh và Hòa bình đã hoàn thành và lần đầu tiên phim sẽ được trình chiếu tại Hiệp hội Điện ảnh của Trung tâm Lincoln ở Thành phố New York, sau đó ở Los Angeles và các thành phố lớn khác.

Ảnh chụp màn hình xuất hiện trong cuốn sách giới thiệu của Janus Films, có màu sắc sống động và độ phân giải chặt chẽ, dường như cho thấy rằng cách xử lý mới nhất và kỳ công nhất của Mosfilm đã mang lại kết quả tốt. Đối với những fan, những người tưởng như sẽ không bao giờ nghĩ rằng kịp còn sống để xem nó, bản phát hành này hứa hẹn đây là sự tái sinh mạnh mẽ, (và là lần cuối cùng) cho sự sáng tạo của Sergei Bondarchuk. Các buổi chiếu ngoài rạp vào tháng 3/2019 đã mang đến những cơn sốt của khán giả.

Nỗ lực của toàn Liên bang Xô Viết

Một câu hỏi vẫn còn tồn tại từ rất lâu là: Chuyển thể tiểu thuyết Chiến tranh và Hòa bình của Lev Tolstoy lên màn ảnh liệu có phải là một ý tưởng hay?

Thứ nhất, đó là một cuốn sách rất dày và dài mà ít ai đủ can đảm đọc đến cuối. Tệ hơn nữa đối với một bộ phim chuyển thể là sao ta có thể nhớ hết số lượng lớn các nhân vật chính và phụ; ôm lấy cả một giai đoạn lịch sử, với một đoạn kết kéo dài trong hơn một thập kỷ; và một cốt truyện liên tục bị gián đoạn bởi các bài diễn văn dài đặc trưng cho thương hiệu “Triết học lịch sử” độc đáo của tác giả.

Chú thích ảnh
Sự trở lại của một siêu phẩm vĩ đại

Hollywood đã cố gắng chuyển thể màn ảnh Chiến tranh và Hòa bình chỉ một lần, đó là vào năm 1956, với đạo diễn tài năng King Vidor. Một xuất phẩm hợp tác giữa Italy và Mỹ đã giảm thiểu tầm vóc của tiểu thuyết thành câu chuyện về con người - cuộc sống của bộ ba nhân vật bị cuốn vào vòng xoáy chiến tranh của đất nước và một tam giác tình yêu xưa cũ.

Vì thế các nhân vật chính trong bộ phim của Vidor có rất ít chiều sâu, ít hơn nhiều so với tư tưởng lịch sử và văn hóa đồ sộ của tiểu thuyết. Ngay cả dàn diễn viên sang trọng danh tiếng cũng không đủ che lấp nổi điều đó. Henry Fonda (vai Pierre Bezukhov), Mel Ferrer (vai Andrei Bolkonsky), và nhất là sự có mặt của cái tên được yêu thích hàng đầu thế giới lúc bấy giờ, Audrey Hepburn, ở tuổi 26 trong vai Natasha Rostova, một nhân vật bước vào cốt truyện của tiểu thuyết khi là một cô gái 13 tuổi?

Thật kỳ lạ, bộ phim của King Vidor, được xuất khẩu sang Liên Xô vào năm 1959, đã trở nên cực kỳ ăn khách và phổ biến với khán giả Liên Xô, không phải vì họ thích hay thậm chí chấp thuận việc Mỹ chuyển thể kho báu quốc gia của họ, mà vì họ hâm mộ Audrey Hepburn.

Tuy nhiên, một số thành viên của chính quyền Liên Xô lúc đó đã chống lại bộ phim bất chấp Audrey Hepburn là ai. Bộ phim càng trở thành một cái gai trong mắt họ, khi giới tinh hoa ở Liên Xô đã đánh giá cao thành công của bộ phim ở quê nhà Tolstoy và trở thành những tiếng nói rất ảnh hưởng cổ vũ nó.

Bỏ qua vẻ đẹp tuyệt vời của Audrey Hepburn, rải rác có tiếng nói về việc người Mỹ dám làm lộn xộn sử thi của Tolstoy, và sau đó lại ghi điểm ở đất nước mà bộ phim tôn vinh. Điều này lại diễn ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh, vì thế nhiều người muốn phải làm một bộ phim tương xứng với tầm vóc tác phẩm của Tolstoy - với bất cứ giá nào!

Cả Liên bang Xô Viết đã tập trung toàn lực cho thiên sử thi đồ sộ này. Chiến tranh và Hòa bình do Sergei Bondarchuk đạo diễn kiêm đồng sáng tác kịch bản đã ra mắt tại Nga vào năm 1966 - 10 năm sau bộ phim của King Vidor. Mặc dù tiêu tốn một ngân sách khổng lồ (không thể tính được con số chính xác) và quay bằng phim 70mm thời thượng, bộ phim ban đầu lại giống như loạt phim truyền hình nhỏ, gồm bốn phần kể chuyện tuyến tính (từ A đến Z), trung thành nghiêm ngặt với cấu trúc của tiểu thuyết.

Kết cuộc có hậu của “Chiến tranh và Hòa bình”

Đối với công chúng Nga, trên thực tế, Chiến tranh và Hòa bình dài 7 giờ được chiếu thành bốn bộ phim, mỗi bộ có các tiêu đề đặc biệt, chiếu trong hai năm 1966 và 1967 (mỗi năm 2 tập). Bộ phim được nhập khẩu vào Mỹ vào năm 1968 cắt xuống còn 6 giờ (chia làm 2 phần). Mặc dù việc lồng tiếng Anh cho các nhân vật Nga có vẻ hơi kỳ cục, nhưng bộ phim đã thực sự gây choáng ngợp và làm rung chuyển các rạp chiếu phim đúng nghĩa, nhất là đối với những ai đã từng xem bộ phim này tại rạp. Và năm 1969, bộ phim đã nhận được giải Oscar Phim ngoại ngữ hay nhất một cách xứng đáng.

Độ dài 421 phút hiện tại của Mosfilm chỉ dài hơn một giờ so với bản cắt gốc của Mỹ (360 phút) và luôn có tin đồn về các phiên bản dài hơn nhiều, chẳng hạn như bản cắt của Liên Xô ở mức 507 phút, nhưng đó chỉ là loại tin đồn thiếu xác thực.Trong hai lần phục hồi được thực hiện trong vòng 10 năm, ta phải tin rằng Mosfilm đã làm hết sức có thể trong việc tìm kiếm các yếu tố tốt nhất để phục chế bộ phim.

Vì không còn bản âm thanh 70mm hoàn chỉnh nào còn tồn tại, nên sự phục hồi mới nhất là, theo Janus Films, đã đạt được bằng cách lắp ráp từ nhiều tài liệu lưu trữ khác nhau, với một bản sao âm thanh hoàn chỉnh do Sovexportfilm, công ty chuyên phân phối Chiến tranh và Hòa bình ở nước ngoài, còn lưu giữ để làm tư liệu tham khảo.

Chính sự kiện Liên Xô tan rã đã khiến bộ phim xuống cấp. May mắn sao có sự ra đời của Ruscico và sự nỗ lực hết mình của Janus Films (Mỹ) - một công ty hàng đầu thế giới trong việc cứu lấy các di sản điện ảnh, cuối cùng Chiến tranh và Hòa bình đã lấy lại được những gì mà nó xứng đáng được có.

Bá Vũ

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN