TTVH Online

Nhớ về điện ảnh Việt Nam nửa cuối thập niên 1980 (Kỳ 2): 'Tướng về hưu' và những vai diễn đáng nhớ

19/09/2019 11:00 GMT+7

Tướng về hưu là một trong những bộ phim xuất sắc của Điện ảnh Việt Nam giai đoạn đầu Đổi mới. Bộ phim được Thư viện Ơ kìa lựa chọn chiếu trong tuần phim "1988 - Năm ấy phim gì?".

(Thethaovanhoa.vn) - Tướng về hưu là một trong những bộ phim xuất sắc của Điện ảnh Việt Nam giai đoạn đầu Đổi mới. Bộ phim được Thư viện Ơ kìa lựa chọn chiếu trong tuần phim 1988 - Năm ấy phim gì?

Nhớ về điện ảnh Việt Nam nửa cuối thập niên 1980 (Kỳ 1): Không khóc ở 'Truyện cổ tích cho tuổi 17'

Nhớ về điện ảnh Việt Nam nửa cuối thập niên 1980 (Kỳ 1): Không khóc ở 'Truyện cổ tích cho tuổi 17'

Nửa cuối những năm 1980 là một thời kỳ nhiều biến động của điện ảnh Việt Nam, thường được gọi là giai đoạn đầu của Điện ảnh đổi mới. Một loạt các tác giả xuất sắc và những bộ phim tiêu biểu đã ra mắt và gây được ấn tượng mạnh với công chúng yêu điện ảnh nước nhà trong vài năm ngắn ngủi.

NSND Hoàng Cúc (vai bác sĩ Thủy) và diễn viên Tú Oanh (vai Lài) bật mí những kỷ niệm đáng nhớ về bộ phim Tướng về hưu và hậu trường những cảnh quay thú vị.

Nhìn lại một tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp

Phim Tướng về hưu được đánh giá là thành công bởi kịch bản hấp dẫn và dàn diễn viên tài năng. Trước đó, nhiều khán giả từng biết về độ lan tỏa của tác phẩm truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Chú thích ảnh
Phim "Tướng về hưu" (Ảnh tư liệu)

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần 9 năm 1990 tổ chức ở Nha Trang, NSND Hoàng Cúc góp mặt trong 2 phim dự thi là Bỉ vỏTướng về hưu, đều là vai nữ chính. "Khi đó, mọi người nói cả hai xứng đáng được giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất nhưng ban giám khảo, ban tổ chức bàn luận và bảo không thể trao giải đúp. Cuối cùng, ban tổ chức quyết định trao giải cho vai bác sĩ Thủy trong phim truyện nhựa Tướng về hưu của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi" - nghệ sĩ Hoàng Cúc kể. Theo lời chị, quyết định đó cũng gây tranh cãi vì có nhiều ý kiến cho rằng không nên trao giải cho một vai phản diện như vai Thủy.

NSND Hoàng Cúc cho biết, trong truyện và phim Tướng về hưu có một chi tiết đặc biệt: bác sĩ Thủy làm việc ở bệnh viện phụ sản, công việc là nạo phá thai. Hàng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về để ông Cơ giúp việc nấu cho chó ăn.

Chú thích ảnh
Diễn viên Hoàng Cúc đóng vai bác sĩ Thủy trong phim "Tướng về hưu" (Ảnh tư liệu)

Hành động ấy đánh vào trực giác tâm linh của người Việt, điều đó vô cùng khủng khiếp. Cũng giống như hành động của cô Lài ở cuối phim - khi trở thành người trộm cắp - đã nói thẳng vào mặt ông tướng Thuấn: "Cuộc đời không phải như ông nghĩ đâu"".

Đánh giá tác phẩm dưới góc nhìn khán giả, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng: "Điều thú vị nhất của bộ phim Tướng về hưu ở phiên bản điện ảnh lẫn bản gốc ở chỗ, tác giả không cho người xem biết rõ đâu là biết màu đen hay trắng, họ đưa cho mình màu xám. Khán giả cũng không dễ nhìn ra điều gì đúng điều gì sai mà tác phẩm đưa ra cái bạn phải chấp nhận cả sai cả đúng, cả thiện cả ác.”

Như phân tích của chị, nhân vật Thủy ngay từ đầu không phải một nhân vật phản diện lộ liễu. Thậm chí ban đầu người ta thấy nhân vật đẹp, có cảm tình, nhưng rồi thiện cảm dành cho nhân vật dần bị biến đổi. Dù vậy, khán giả cũng không thể ghét Thủy hoàn toàn - bởi nhân vật đó có điểm đáng yêu, đáng ghét, có lúc tàn nhẫn nhưng cũng có lúc tốt bụng, bao dung. Bởi thế mà ông Thuấn nói không hiểu tôi đang sống với ai, còn vợ của ông khi sắp chết thì bảo em trai "là người" - nghĩa là không thể nhận ra được đâu là tốt - xấu".

Chú thích ảnh
Bác sĩ Thủy (Hoàng Cúc) ngoại tình với Khổng (Hoàng Dũng) trong phim "Tướng về hưu" (Ảnh tư liệu)

"Điều Nguyễn Huy Thiệp tiên tri hiện giờ vẫn đúng: cuộc sống phải vận hành như vậy, phải có những câu chuyện thật như thế. Ông tướng về hưu tưởng là nhân vật chính diện, đến phút cuối nhận ra rằng hành xử, quyết định của mình có thể giết chết một người - ông Cơ - hoặc thay đổi một người lương thiện - cô Lài”- đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói – “Và chính Thủy có khi lại là người phụ nữ hợp thời vì đã nhận ra được bản chất của xã hội và có những lựa chọn, những quyết định dứt khoát. Chỉ có Thủy biết mình đang làm gì và hậu quả ra sao".

Vai diễn đáng nhớ

Lài trong phim Tướng về hưu là vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp diễn viên Tú Oanh. Chị bảo: "Khi nhận vai này, tôi tròn 20 tuổi, là sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh năm thứ ba, ngơ ngác lắm. Cảnh Lài và bố được ông tướng cho tiền về quê làm ăn, tôi xúc động quá nên khóc thật, vì đồng cảm với nhân vật. Quyết định của ông Thuấn vô tình đẩy bố con cô Lài vào đường cùng. Thực hiện cảnh đó và cả vai Lài, tôi gần như không phải diễn, hoàn toàn là cảm xúc thật".

Chú thích ảnh
Giao lưu với diễn viên Tú Oanh (vai Lài) - bìa trái - và nghệ sĩ Hoàng Cúc (vai bác sĩ Thủy) trong phim "Tướng về hưu". Ảnh: OKIA Cinema

Trong khi đó, nghệ sĩ Hoàng Cúc đã quá nổi tiếng nên "vai ác" như bác sĩ Thủy không phải là "bài toán khó" với chị. "Tôi diễn sân khấu và truyền hình quá nhiều rồi mới nhận vai diễn trong phim Tướng về hưu. Khi nhận vai, tôi đã có sự tính toán nên không có gì quá khó khăn khi đóng bác sĩ Thủy” – chị kể - “Trong mỗi chúng ta đều có đủ tham - sân - si nhưng những điều đó khi nào mới bộc lộ, giống như Thủy? Khi mình hiểu và có chủ đích thì sẽ vào được vài này.”

“Tôi từng đóng những vai trên sân khấu, khủng khiếp hơn nhiều. Có lần, tôi vào vai cô Việt kiều về nước, mua một khu đất rộng bên biển để xây dựng khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, đó là mảnh đất thiêng mà người dân nơi đó thuần túy đánh cá, muốn giữ lại khung cảnh yên bình. Cô ấy bất chấp thuần phong mĩ tục, luân thường đạo lý... để đạt được mục đích của mình" - diễn viên gạo cội chia sẻ.

Chú thích ảnh
Giao lưu với diễn viên phim "Tướng về hưu". Ảnh: OKIA Cinema

NSND Hoàng Cúc cũng không ngại ngần bật mí về những cảnh thân mật của mình với NSND Hoàng Dũng (vai Khổng) trong Tướng về hưu: "Thủy ngoại tình ngay trong nhà của mình, trước chồng và bố mẹ chồng. Cô và Khổng có nhiều cảnh tình tứ, âu yếm nhau. Cảnh giường chiếu đó quá bình thường bởi tôi và Hoàng Dũng quá thân thiết với nhau, chúng tôi đã cùng diễn với nhau bao nhiêu vở rồi. Đóng cảnh hôn, giường chiếu hay đánh nhau chan chát thì cũng vậy cả thôi".

Với NSND Hoàng Cúc, việc xem lại bộ phim đã đóng hơn 30 năm trước vẫn khiến cô xúc động. Còn với những người yêu điện ảnh, xem lại Tướng về hưu và được gặp gỡ những diễn viên gạo cội là thêm một lần được nhìn lại tác phẩm rất xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng: "Phim có sức mạnh từ văn học và điều quan trọng khiến bộ phim thành công là dàn diễn viên. Thế nên, buổi chiếu phim của Thư viện Ơ kìa cũng có ý nghĩa tôn vinh những diễn viên xuất sắc của Tướng về hưu".

Vài nét về phim "Tướng về hưu"

Phim Tướng về hưu của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, kể câu chuyện đau xót về ông Thuấn - một vị tướng rời quân ngũ trở về gia đình. Ông Thuấn hoàn toàn lạc lõng khi đời sống đang thay đổi với những giá trị bị đảo lộn, những tình cảm gia đình đã mất đi trong cơn lốc của thời mở cửa. Vị tướng về hưu như người xa lạ trong chính ngôi nhà của mình, trước cô con dâu sắc sảo, thực dụng và cơ hội, người con trai quá nhu nhược, còn bà vợ thì lẩn thẩn, lúc tỉnh lúc mê.

(Còn nữa)

Bảo Anh

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN