TTVH Online

Thư gửi robot Citizen: 'Vì sao con khóc'?

13/09/2019 12:03 GMT+7

Cùng với Tết thiếu nhi 1/6, Trung thu tại Việt Nam là dịp để người lớn bày tỏ tình thương yêu, sự quan tâm đến trẻ em. Cùng lắng nghe để làm những điều tốt đẹp nhất cho các em.

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến! 

Cùng với Tết thiếu nhi 1/6, Trung thu tại Việt Nam là dịp để người lớn bày tỏ tình thương yêu, sự quan tâm đến trẻ em. Cùng lắng nghe để làm những điều tốt đẹp nhất cho các em. 

Thư gửi robot Citizen: Chuyện kể trong ngày khai giảng

Thư gửi robot Citizen: Chuyện kể trong ngày khai giảng

Sophia thân mến! Một năm học mới tại Việt Nam của chúng tôi đã bắt đầu. Gia đình, nhà trường cùng cả cộng đồng, tất cả đều cố gắng làm những gì tốt nhất cho các em ngay từ những ngày đầu tiên cắp sách đến trường.

Có thể Sophia sẽ đặt câu hỏi, vậy ngoài hai dịp này ra thì chúng tôi đã làm gì cho trẻ em?...
Nhớ hồi còn nhỏ, khi Hè về, những đứa bạn của tôi thường khăn gói về quê chơi với ông bà. Để ý trong những câu chuyện của bạn bè kể, tôi thấy rằng, ông bà ở quê ngoài tình thương dành cho con cháu thì rất chịu khó lắng nghe chuyện chúng chia sẻ. Thêm vào đó, ông bà cũng hay kể chuyện cổ tích, chuyện kỷ niệm ngày xưa... Việc được người lớn lắng nghe và cùng giải đáp các thắc mắc làm lũ trẻ rất hứng thú, lúc đó chúng thường rất cởi mở đưa ra câu hỏi hoặc bày tỏ chính kiến của mình. 

Chú thích ảnh
Trung thu - Tết của trẻ em

Thế nhưng, khi đến trường học, rồi sinh hoạt ở nhà, thế hệ chúng tôi thường được dạy rằng, người lớn nói dù đúng dù sai thì cũng không được cãi lại. Những hành động vùng vằng, thanh minh nói lại với người lớn là hỗn, là không có văn hóa. 

Và dần theo thời gian, thế hệ trẻ dù được quan tâm nhiều hơn về vật chất nhưng ít có cơ hội cũng như can đảm nói ra những điều mình mong ước, những việc làm của người lớn mà các emcho là không đúng. Các em sống trong sự áp đặt, sự kỳ vọng của người lớn. 

Một ví dụ tôi mới đọc được câu chuyện một em học sinh 12 tuổi, học trường chuyên, bố em đặt mục tiêu mọi điểm thi đều phải 9, 10. Nếu điểm 8 sẽ bị cắt hết các khoản tiền tiêu vặt cũng như những tiện ích khác (máy tính, điện thoại…). Sự áp đặt này dẫn tới việc cuối năm lớp 6, vì sợ bố biết sự thật, em đã buộc phải nói dối điểm thi đạt tối đa. Và khi phát hiện em chỉ được 8 điểm môn tiếng Anh, bố em thay vì tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe em tâm sự thì trút tất cả sự bực dọc, quát mắng em. Việc làm này khiến em bị tổn thương và có dấu hiệu trầm cảm.

Sophia thân mến!

Trong thế giới người máy của Sophia, tôi biết rằng nếu như có những vấn đề không an toàn kiểu như có virus xâm nhập hay là dấu hiệu bị hacker, ngay lập tức các cô sẽ có những tín hiệu cảnh báo nguy hiểm. Khi đó những nhà lập trình sẽ kiểm tra, tìm nguyên nhân và phải cài đặt những phần mềm diệt virus hoặc là thay đổi mật khẩu bảo mật để đảm bảo an toàn. Đó cũng là một cách chia sẻ và “lắng nghe” đúng không Sophia?  

Còn trong thế giới của chúng tôi, hiện tại nhiều gia đình bận công việc, mải làm ăn, mưu sinh cho nên chuyện lắng nghe và chia sẻ với bọn trẻ cũng chưa được tốt lắm. Chưa có một khảo sát cụ thể xem có bao nhiêu phần trăm các bậc phụ huynh hàng ngày nói chuyện, tâm sự với con em mình việc hôm nay đi học thế nào? Có chuyện gì vui, không vui hay là có vấn đề gì không an toàn với con?

Ngay cả khi nghe chuyện của các em, thử hỏi có bao nhiêu người thực sự để tâm vào những gì các em kể lại? Nói một cách khác là người lớn chúng ta có để ý và nhận biết những “dấu hiệu” nguy hiểm cho các em để đề phòng hoặc là tìm cách ngăn chặn trước khi chúng xảy ra? 

Thường thì sau khi nghe chuyện của các em, tôi nhận thấy rằng rất nhiều người chặc lưỡi: Ôi dào, chuyện trẻ con ấy mà.

Cũng vì những suy nghĩ như trên cho nên nhiều sự việc “trẻ con ấy mà”đã để lại những hậu quả không hề “trẻ con” chút nào. Rất nhiều chuyện xảy ra với các em có hậu quả đáng tiếc, gây nên những sang chấn tâm lý lứa tuổi. 

Giá như việc lắng nghe và tôn trọng các em được các gia đình cũng như nhà trường quan tâm hơn, làm chu đáo và đều đặn hơn tôi nghĩ những câu chuyện bạo hành, xâm hại hay lạm dụngtình dục xảy ra với các em sẽ giảm thiểu. 

Ít nhất thì chúng ta cũng kịp thời có những cảnh báo hoặc là ngăn chặn sớm để những sự việc này không xảy ra, bảo vệ được các em an toàn. Đừng giống như chi tiết trong các câu chuyện cổ tích là phải đợi đến khi các em khóc thì mới có “ông Bụt” hiện lên hỏi “Vì sao con khóc”? 
Đấy là việc mà theo tôi cần phải làm thường xuyên với các em chứ không phải chỉ vào những dịp như Tết Trung thu này, phải vậy không Sophia?

Xin chào, hẹn gặp lại cô thư sau.

XUÂN AN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN