TTVH Online

Bà lão neo đơn tái gợi hứng nghệ thuật cho một chàng thanh niên

29/08/2019 10:08 GMT+7

Những ngày từ Mỹ về Việt Nam nghỉ hè, chàng thanh niên Gia Bảo (sinh 2002) đã tình cờ gặp một bà lão neo đơn, thế là ý định làm một triển lãm tranh vì mục đích thiện nguyện đã trỗi dậy.

(Thethaovanhoa.vn)- Những ngày từ Mỹ về Việt Nam nghỉ hè, chàng thanh niên Gia Bảo (sinh 2002) đã tình cờ gặp một bà lão neo đơn, thế là ý định làm một triển lãm tranh vì mục đích thiện nguyện đã trỗi dậy.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy vẽ tranh tường 'Mùa xuân Pháp - Việt' bên dòng sông Seine

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy vẽ tranh tường 'Mùa xuân Pháp - Việt' bên dòng sông Seine

5 họa sĩ Việt Nam, dẫn đầu là họa sĩ Nguyễn Thu Thủy vừa hoàn thành bức tranh tường Mùa xuân Pháp - Việt (cao 3,5m, dài 40m) trên bức tường đê bên sông Seine chảy qua thành phố Choisy le Roi (Pháp). 

Gia Bảo dành phần lớn thời gian - đáng lý là dành cho gia đình - để chụp hình, vẽ tranh, xử lý tác phẩm, cuối cùng triển lãm nghệ thuật Sài Gòn ngày mới đã diễn ra trong một không gian ấm cúng, chuyên nghiệp. Kết quả triển lãm là vài bức tranh được bán, nhiều phần quà ý nghĩa được trao đến các bà lão neo đơn.

Ngoài những tác phẩm mới vẽ được bán vì mục đích thiện nguyện, triển lãm Sài Gòn ngày mới còn giới thiệu những bức tranh cũ, vốn thuộc sở hữu từ gia đình. Chính vì vậy mà người xem có dịp nhìn lại Gia Bảo suốt một hành trình, từ vẽ như chơi cho đến vẽ có ý có tứ.

Chú thích ảnh
Quang cảnh triển lãm Sài Gòn ngày mới

Gia Bảo vốn có khiếu vẽ tranh từ lúc học mẫu giáo, nhưng gia đình không hề gò ép là nên theo hoặc không, mà cứ để tự nhiên. Có năm Gia Bảo vẽ rất nhiều, có năm vẽ ít, có năm mải mê theo chuyện tập đàn, chụp hình, đọc sách, khám phá… mà quên cả vẽ.

“Nhưng lạ lắm anh à, cứ mỗi lần có cảm xúc gì đó đặc biệt, em lại nghĩ đến chuyện vẽ đầu tiên. Như vừa rồi về Sài Gòn, trên tay cầm chiếc máy ảnh, thấy gì hay ho là chụp, nhưng gặp gì quá cảm xúc, như gặp bà lão neo đơn ngồi ở vỉa hè, em lại muốn vẽ hơn là chụp hình. Em sợ bà phiền lòng, nên lén chụp mấy tấm hình trước khi lại gần nói chuyện để quan sát, về nhà em dựa vào hình và trí nhớ để phác thảo lại chân dung của bà” - Gia Bảo chia sẻ.

Chú thích ảnh
Gia Bảo phát biểu tại triển lãm cá nhân Sài Gòn ngày mới

Gia Bảo nói thêm: “Mấy năm trước khi chia tay gia đình sang Mỹ đi học, cả nhà chụp chung mấy tấm hình kỷ niệm, nhưng em lại muốn vẽ riêng chân dung cha mẹ, khi vẽ xong mới thấy yên lòng. Qua Mỹ cũng vậy, lúc nào vui hoặc buồn đều vẽ, thường thì vẽ dang dở, cảm xúc đi qua rồi thôi. Những bức tranh vẽ hoàn chỉnh là khi cảm xúc đó thật sự đúng độ, chín muồi”.

Khi còn ở Việt Nam Gia Bảo có một cô giáo dạy vẽ riêng trong khoảng 10 năm, mà đúng hơn, họ giống như một đôi bạn, nên khi có dịp là gặp nhau trò chuyện từ vẽ chì, màu nước, sơn dầu, acrylic… cho tới chuyện dùng các phần mềm trên máy tính này kia.

Chú thích ảnh
Gia Bảo bên tác phẩm mới vẽ vì mục đích thiện nguyện

Gia Bảo kể gần đây thích kết hợp nhiếp ảnh với các phần mềm xử lý, sau đó mới vẽ tranh, như vậy hiệu ứng và hiệu quả tăng lên rất nhiều.

Gia Bảo nói rằng dù dùng kỹ thuật gì thì việc nắm bắt ý tưởng là khó nhất, là quan trọng nhất. Khi đi ngang qua một cái chợ, thấy quá trời thứ đẹp, chọn vẽ cái nào, chọn bỏ cái nào, rất là khó. Chọn được cái cần vẽ rồi thì mọi thứ khác bỏ không luyến tiếc, vẽ cũng không khó nữa.

Hỏi vậy có dự định trở thành họa sĩ không? Gia Bảo cho biết: “Em mong muốn trở thành họa sĩ thiết kế đồ dùng, đồ gia dụng hơn là họa sĩ vẽ tranh. Em thích thiết kế ra những đồ dùng tiện ích cho trẻ em, học sinh, người già, người khuyết tật. Bên Mỹ em đang theo phụ dạng tình nguyện viên cho một nhóm thiết kế về camera đời mới, dạng dùng cho học sinh đeo để nghe giảng bài, nó giúp tăng sự tập trung, nếu đoạn nào không nắm bắt kịp thì sau đó có thể xem lại. Camera này dự kiến sẽ tích hợp thêm các phương pháp tư duy để học sinh phân tích, học bài, làm bài”.

Chú thích ảnh
Gia Bảo trong chuyến từ thiện sau triển lãm

Sau 4 năm sống tại Boston, Gia Bảo cho biết đang có dự định đến năm 2020 là nộp đơn vào một trong những trường có bộ môn thiết kế ở thành phố này như Northeastern University, Boston College, Boston University… Nếu không vào được thì mới di chuyển đến các trường khác như Carnegie Mellon University, Syracuse University, Drexel University, Rutgers University, Virginia Politechnic Institute… Nhìn vào danh sách trường có khoa thiết kế uy tín mà chàng học sinh lớp 11 đã chọn cũng đủ thấy sự quyết tâm và tầm nhìn.

Chú thích ảnh
Gia Bảo vẽ chân dung cha mẹ

“Em thích Boston, thủ phủ của Massachusetts, vì nơi đây em tìm thấy chọn lựa và đam mê của mình. Nếu em được vào Northeastern University thì đúng giấc mơ là có thật, em sẽ được học nơi như ý, ở thêm thành phố này ít nhất 6-7 năm nữa, để học xong thạc sĩ thiết kế. Sau Sài Gòn, Boston với em rất gần gũi, thân thương”.

Chú thích ảnh
Gia Bảo trong một tiết mục văn nghệ tại Boston

Hỏi Gia Bảo học xong có muốn về Việt Nam làm không? “Có chứ, nhưng ít nhất là sau 10 năm. Em muốn xin việc vào một công ty thiết kế uy tín bên Mỹ để tích lũy kinh nghiệm, sau đó mới về Việt Nam làm cho một công ty Mỹ có văn phòng tại đây. Đến khi đủ năng lực và tài chính, sẽ mở công ty riêng, xây dựng ước mơ của mình tại quê nhà. Lĩnh vực mà em sẽ làm tại Việt Nam lúc đó vẫn là thiết kế các đồ dùng gia dụng tiện ích và nhân cảm, thân thiện với trẻ em, người già, người khuyết tật”.

Như Hà

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN