TTVH Online

Cựu giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn: 'Tôi ngẩng cao đầu rời cuộc chơi'

21/08/2019 09:20 GMT+7

Ông Đoàn Phú Tấn là một chân dung tiêu biểu trong đời sống bóng đá và làng trọng tài Việt Nam. Một người giỏi nghề, mẫu mực, đầy tâm huyết với trái bóng tròn, nên khi vừa "gác kiếm", ông để lại sự tôn trọng trong giới cũng như khán giả yêu bóng đá. Cuộc đối thoại với Thể thao & Văn hóa hẳn giúp bạn đọc có nhiều góc nhìn thú vị.

(Thethaovanhoa.vn) - Ông Đoàn Phú Tấn là một chân dung tiêu biểu trong đời sống bóng đá và làng trọng tài Việt Nam. Một người giỏi nghề, mẫu mực, đầy tâm huyết với trái bóng tròn, nên khi vừa "gác kiếm", ông để lại sự tôn trọng trong giới cũng như khán giả yêu bóng đá. Cuộc đối thoại với Thể thao & Văn hóa hẳn giúp bạn đọc có nhiều góc nhìn thú vị.

Giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn: 'Đau lòng khi trọng tài Chiến mắc sai sót nghiêm trọng'

Giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn: 'Đau lòng khi trọng tài Chiến mắc sai sót nghiêm trọng'

Ông Đoàn Phú Tấn, người đảm nhiệm cương vị giám sát trọng tài trận FLC Thanh Hóa - SLNA chiều 8/5 xác nhận với Thể thao&Văn hóa về những sai sót nghiêm trọng của vị Vua sân cỏ này.

* Thể thao & Văn hóa: Ông sinh ra trong dòng dõi "danh gia vọng tộc", ngã rẽ nào ông đến với nghề " cầm cân, nảy mực" sân cỏ?

- Ông Đoàn Phú Tấn: Bóng đá là môn thể thao mà cả gia đình, từ bố tôi (nhà văn Đoàn Phú Tứ) và các anh em tôi đều ham thích. Tôi đã từng được theo bố tôi ra sân Hàng Đẫy, sân Cột Cờ vào những đầu giờ chiều nắng gắt, để xem những trận đấu giải vô địch miền Bắc, hoặc không được ra sân thì ghé sát tai vào những chiếc radio hoặc loa truyền thanh để được hình dung các diễn biến trên sân. Đam mê môn bóng đá, nhưng lại không có năng khiếu đá bóng, tôi chọn cho mình theo đuổi nghiệp trọng tài bóng đá.

Bắt đầu từ năm 1978, khi đang làm giáo viên Toán một trường cấp 2 ở Đông Anh, tôi tham gia trọng tài phong trào của huyện. Sau 1-2 năm thì được các anh ở Sở TDTT Hà Nội về phát hiện và cho phép về sinh hoạt chuyên môn với tập thể trọng tài bóng đá Hà Nội và tham gia các giải của thành phố. Đó là thời của các anh đã rất nổi tiếng như Vương Cường, Gia Quang, Đắc Mùi, Bá Hảo, Bùi Đình Đắc… Năm 1989 thì chính thức được tham gia giải VĐQG, hoạt động liên tục từ đó đến hết năm 1998 (hết tuổi 45, nghỉ theo quy định) trong vai trò trợ lý trọng tài rồi trọng tài, được phân công làm tổ trưởng 1 tổ trọng tài trong 6-8 tổ làm nhiệm vụ giải VĐQG.

Sau này, từ những năm sau năm 2000, khi được đề bạt làm Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), tôi vẫn tiếp tục cố gắng để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ cả 2 nơi, nhà trường và sân bóng.

Đến năm 2018, hết tuổi làm giám sát trọng tài (quy định 65 tuổi), tôi đành chia tay với một công việc rất yêu thích là hòa mình vào không khí trận đấu trên các sân, kèm cặp thực tế đội ngũ học trò trọng tài… sao tránh khỏi sự bùi ngùi, bịn rịn.

Thế nhưng, có 2 điều an ủi tôi, là cũng còn có những dịp tôi được mời lên lớp phổ biến Luật cho các đội bóng, các lứa tuyển, và các học trò trọng tài của tôi vẫn thường xuyên giữ mối liên lạc, trao đổi, học hỏi thêm qua nhiều kênh; vì vậy, tôi vẫn còn được hoạt động. Với sự phát triển của luật bóng đá, kèm theo những yêu cầu mới của nghiệp vụ trọng tài, tôi thấy mình còn có ích không ít.

* Thời trước, bóng đá bao cấp thiếu thốn đủ bề nhưng rất nhiều trọng tài, giám sát nổi tiếng về chuyên môn. Ông có thể kể ra đây những bậc tiền bối của mình?

- Một câu hỏi dễ mà khó. Cái thời bao cấp khó khăn là thế, nhưng người ta chỉ nghĩ đến nỗ lực hoàn thành vai trò, nhiệm vụ. Hơn nữa, cái tiêu cực thời ấy cũng không không thể lớn như những cám dỗ thời nay. Vì thế, các trọng tài có năng lực, có đam mê, không phải “phân tâm” vì những gì bên lề, họ chỉ có một con đường là cố gắng để xuất sắc. Có thể kể các “anh lớn” đối với thế hệ chúng tôi, được kính trọng về tài năng và nhân cách: Huy Khôi, Vương Cường, Gia Quang, Bá Hảo, Đắc Mùi, Nguyễn Thu, Phạm Minh, Đỗ Đình Hùng, …

Các phương tiện truyền thông thời các anh ấy cũng khác xa bây giờ. Bây giờ, sự quan tâm của khán giả, được các phương tiện truyền thông đáp ứng, khiến cho độ “khó” đối với công việc trọng tài cao hơn rất nhiều so với thời trước. Về kiến thức luật, lý luận nghiệp vụ trọng tài, chắc chắn anh em trẻ hơn thế hệ trước; nhưng, cái sai, cái sót dễ lộ ra, khiến dễ bị búa rìu, dễ mất tinh thần hơn trước.

* Bóng đá chuyên nghiệp đã 19 năm, chất và lượng trọng tài vẫn yếu kém. Ít gương mặt nổi bật. Ông có thể lý giải nguyên nhân?

- Như đã nói ở trên, thời nay, mọi chi tiết đều dễ dàng bị phơi bày. Cho nên, một đánh giá đơn giản là trọng tài thời nay chất lượng yếu kém, cũng chỉ đúng một phần.

Phần chưa đúng, là mọi sai sót đều bị phơi bày, khiến cho hình ảnh thế hệ trọng tài ngày nay bị coi là đều “yếu kém”. Trọng tài chưa theo kịp diễn biến các trận đấu ngày càng cao, trình độ và độ “quái” của cầu thủ cũng ngày càng cao.

Phần đúng, là quả thật trọng tài ngày nay bản lĩnh xoàng quá. Nhiều vấn đề, nhiều tình huống, kể cả là tình huống “mẫu”, dạy đi dạy lại rồi mà khi gặp vẫn không dám làm đúng.

Phần khách quan, phải nói rằng áp lực do truyền thông tác động là yếu tố trọng tài khó vượt qua nhất. Bên cạnh đó, cơ quan điều hành chưa thực sự đủ bản lĩnh để điều hành một cách “chuyên nghiệp”

* Trọng tài có tốt thì môi trường bóng đá nói chung phải tốt lên vì có câu: Bóng đá nào trọng tài đó? Ông có nghĩ vậy không?

- Câu hỏi này mang tính triết lý nhiều quá. Cái gì tốt thì làm cho cái gì tốt lên ?

Tôi có suy nghĩ hơi khác một chút. Nếu nói “bóng đá nào, trọng tài đó” thì có nghĩa trọng tài là một phần đang bị “nhúng” trong một nền bóng đá, mà nền bóng đá ấy chưa khá, thì trọng tài chưa khá được. Điều đó tất nhiên không sai.

Nhưng, ở một khía cạnh khác, trọng tài nên (hoặc phải) nhận lãnh một trách nhiệm đi trước đi, chứ đâu phải bị chi phối hay gì đó mà chìm trong đó ?

Đáng tiếc là, phải với những suy nghĩ “văn minh”, đi với một bộ máy điều hành “văn minh”, mới có thể đẩy một đội ngũ như “trọng tài làm tốt trước” như những gì được kỳ vọng

* Kỷ niệm nào vui nhất và buồn nhất trong sự nghiệp ông?

- Tôi đã trải qua một giai đoạn khó khăn nhất trong sự nghiệp của mình. Đó là năm 2013, khi có những nghi vấn về việc có tổ trọng tài nhận tiền bồi dưỡng của một đội bóng, khi đó tôi là Phó ban Trọng tài của VFF, giúp Trưởng ban Trọng tài soạn thảo phân công trọng tài cho giải VĐQG.

Ngày xảy ra sự việc ấy là ngày làm việc cuối cùng của tôi trong vai trò hiệu trưởng một nhà trường, ngày tôi ở trường để bàn giao nhiệm vụ cho người kế nhiệm. Sau sự việc này, VFF đã có những ứng xử rất sốc với tôi và lãnh đạo Ban trọng tài. Báo Thể thao & Văn hóa khi đó đã giúp đăng tải những ý kiến phản ứng ý kiến có phần rất gay gắt của tôi. Nhờ đó, nhiều người hiểu rõ sự việc hơn.

* Hôm nay kỷ niệm Thể thao & Văn hóa ra số đầu tiên. Ông có kỷ niệm gì với tờ báo và nghề phóng viên thể thao?

- Trên đây chỉ là một kỷ niệm có tính cá nhân. Còn về Thể thao & Văn hóa, có lẽ đây là tờ báo thể thao tôi gắn bó nhiều nhất, từ cái thời mà những thông tin về bóng đá quốc tế chỉ có thể xem được từ tờ báo này.

Chúc Ban biên tập, anh chị em phóng viên, biên tập và làm những công việc khác, luôn có đủ sức khỏe, niềm đam mê để đưa tờ báo rất đáng xem này lên một tầm cao mới.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Chúc ông luôn khỏe mạnh, tiếp tục có những đóng góp cho giới trọng tài Việt Nam.

Học viện trọng tài bóng đá là gì?

* Ông từng ấp ủ thành lập Học viện Trọng tài. Vậy Học viện ấy thành lập sẽ giải quyết những điều cấp bách gì?

- Một câu hỏi rất hay. “Học viện trọng tài” là gì? Rất nhiều người cho rằng “Học viện” phải là một nơi có quy mô, thậm chí một cơ ngơi đồ sộ. Tôi lại nghĩ đơn giản thôi. Học viện là một mô hình để “chăn gà nòi”. Qua một đời đào tạo trọng tài, tôi thấy tiếc vô cùng những nhân tố nhìn thấy có thể phát triển tốt, rồi chẳng đi đến đâu. Vì sao?

Một là, không có cơ chế chăm sóc đặc biệt, để thấy triển vọng thì phải chăm, từ đó mà sử dụng những người thầy đích thực chăm sóc những cái mầm non triển vọng ấy. Tất cả các học viên cứ theo một lối mòn mà đi, có năng khiếu cũng thui chột mà thôi.

Hai là, phải có một mô hình, để những ngưới có triển vọng ấy, phải được phát triển theo một mô hình đặc biêt, một chương trình đặc biệt. Đó chính là “Học viện trọng tài”.

Hữu Quý (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN