TTVH Online

Triển lãm 'Chuyện ghế': Vẻ đẹp 'tối giản' của Lê Thiết Cương

14/08/2019 07:16 GMT+7

Sau 18 năm, những chiếc ghế trong bộ sưu tập dài hơi của họa sĩ Lê Thiết Cương được mang ra trưng bày trong triển lãm tại Galery 39 Lý Quốc Sư (Hà Nội) - nơi thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm và điểm tụ họp nổi tiếng của giới văn nghệ sĩ Hà thành.

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 18 năm, những chiếc ghế trong bộ sưu tập dài hơi của họa sĩ Lê Thiết Cương được mang ra trưng bày trong triển lãm tại Galery 39 Lý Quốc Sư (Hà Nội) - nơi thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm và điểm tụ họp nổi tiếng của giới văn nghệ sĩ Hà thành.

Lê Thiết Cương tuyển chọn 50 tranh cho triển lãm 'Hà Nội/Hà Nội'

Lê Thiết Cương tuyển chọn 50 tranh cho triển lãm 'Hà Nội/Hà Nội'

50 bức tranh mang chủ đề Hà Nội/Hà Nội do giám tuyển Lê Thiết Cương và nhóm họa sỹ G39 tổ chức khai mạc ngày 24/11 tại Ngon Garden (70- Nguyễn Du, Hà Nội).

Triển lãm Chuyện ghế gồm 30 chiếc ghế chất liệu sắt hàn và sơn tĩnh điện, được tác giả bài trí theo một cách “tối giản” đúng nghĩa. Mỗi chiếc ghế mang một màu, một khối hình có sẵn: vuông, tròn, tam giác… không chiếc nào giống chiếc nào. Bên cạnh đó, một cuốn sách cùng tên cũng được họa sĩ cho ra mắt.

Triển lãm Chuyện ghế diễn ra từ ngày 9 đến 19/8 tại Gallery 39 (39 Lý Quốc Sư, Hà Nội). Sau Hà Nội, triển lãm sẽ diễn ra ở Huế (từ 29/8 đến 29/9), tại TP.HCM (cuối tháng 11) và tại Đà Lạt (cuối tháng 12).

Từ chiếc ghế “sơn son thếp bạc”

Họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ rất ngắn ngọn về triển lãm của mình đúng với phong cách nghệ thuật “tối giản” mà 30 năm qua, anh đã theo đuổi.

Theo họa sĩ, 30 chiếc ghế tại triển lãm được chọn lọc từ hơn 200 chiếc ghế mà anh đã chế tạo. Chuyện ghế được kể bắt đầu vào năm 1995, trong một lần đi chơi và sưu tầm đồ cổ, Lê Thiết Cương đã bắt gặp một chiếc ghế “sơn son thếp bạc”. Sau những ngày ngắm nghía, trong đầu anh nảy sinh tình cảm đặc biệt với những chiếc ghế.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Lê Thiết cương chia sẻ về “Chuyện ghế”

Ghế vốn là những vật dụng gắn liền với cuộc sống của người Việt từ xa xưa, trải dài hơn 4 nghìn năm lịch sử của dân tộc từ Bắc chí Nam. Tuổi thơ và cuộc sống của anh cũng gắn bó với những chiếc ghế, chính vì vậy Lê Thiết Cương đã tự nhủ sẽ làm một bộ sưu tập về những chiếc ghế Việt có tâm hồn, có tiếng nói, có tính thẩm mỹ và mang vẻ nghệ thuật.

Đến năm 2001, bộ sưu tập do Lê Thiết Cương sáng tạo đã hơn 200 chiếc, nhưng anh lại nhận ra rằng mình thiếu kiến thức về nội thất và kiến trúc, nên đành ngậm ngùi bỏ vào nhà kho.

Sau 18 năm cất những chiếc ghế trong kho, trong một dịp ca sĩ Giang Trang ngỏ ý mượn một chiếc ghế để biểu diễn. Khi nhìn ghế, những cảm xúc của ký ức ùa về và thấy tiếc về chuyện mình chưa kể, nên người nghệ sĩ tài ba mới nảy ý định đem Chuyện ghế để giới thiệu cho mọi người được thưởng lãm đứa con tinh thần sau hơn 18 năm lưu giữ.

Chú thích ảnh
Một chiếc ghế trong triển lãm

Đến chuyện ghế, chuyện đời

Nhìn vào những chiếc ghế của Lê Thiết Cương, người xem chỉ muốn ngắm nhìn mà không nỡ ngồi xuống.

Cũng vì lẽ đó, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha không cầm lòng nổi trước vẻ đẹp của nghệ thuật, ông chia sẻ: “Muốn ngắm mãi, ngắm lâu những chiếc ghế cô đơn đẹp lạ. Giữa muôn triệu kiểu ghế, ghế Cương độc khắc vào đời. Mảnh mai mà chắc. Ghế cùng người buông lơi số phận. Biểu tượng của uy quyền bỗng thấy thành ngớ ngẩn, trước vẻ an nhiên bình thản giữa trời… Cũng là ghế nhưng không phải để ngồi…”

Chú thích ảnh

Có mặt tại triển lãm, đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp bày tỏ: “Tôi gọi những chiếc ghế này là tác phẩm, rất hên cho tôi được gặp và trò chuyện cùng họa sĩ Lê Thiết Cương trước khi buổi triển lãm diễn ra. Tôi được tiếp cận bằng một câu chuyện khác rất hiện đại. Đúng là những chiếc ghế này rất đương đại, rất gần gũi. Dù suy tưởng, nhưng chắc chắn sẽ không khiến người xem bị thách đố, bị xoắn não khi thưởng lãm”.

Trong Chuyện ghế, tác giả không coi những chiếc ghế là vật dụng hằng ngày, chỉ có công năng để ngồi. Qua đó, người họa sĩ còn mở rộng liên tưởng đến ý nghĩa “ai cũng cần một nơi ngồi xứng đáng”. Họa sĩ nhấn mạnh, những chiếc ghế được đặt như những nhân vật có linh hồn và tiếng nói, đối thoại với nhau.

Ngoài ghế, triển lãm còn trưng bày các tác phẩm mới sáng tác của các khách mời thuộc nhóm họa sĩ 39: Lê Vi, Bình Nhi, Phương Bình, Phan Minh Châu, Nguyễn Hồng Phương, Võ Lương Nhi, Nguyễn Minh, Nguyễn Quốc Thắng, Doãn Hoàng Lâm, Tào Linh, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Ước. Đây cũng là dịp kỷ niệm 15 năm thành lập nhóm họa sĩ 39.

Vẫn tối giản, nhưng là “tối giản mới”…

Lê Thiết Cương chia sẻ, nếu một ngày không được sống trong công việc liên quan đến nghệ thuật, như thể ngày đó, con cá mắc cạn là anh sẽ không thở nữa. Với Lê Thiết Cương sống tức là vẽ, là sáng tạo. Sống là hành trình đi tìm cái mới lạ của nghệ thuật và được sống với nghệ thuật thì đó là những ngày tháng sống hạnh phúc và ý nghĩa nhất của đời anh.

Họa sĩ Lê Thiết Cương luôn sáng tạo với những chủ đề quen thuộc, gần gũi như phố xá, nhà cửa, cây cối, dòng sông, bàn ghế... nhưng bằng phong cách tối giản, để thổi hồn vào nhiều suy tưởng cho người xem. Anh bày tỏ: “Mỗi một lần triển lãm phải đưa ra được những cái mới, sáng tạo vẫn phải là tôi nhưng dứt khoát phải là một tôi mới. Nó vẫn phải tối giản như tôi đã từng đi trong 30 năm vừa rồi nhưng phải là tối giản mới”.

An Đạt

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN