TTVH Online

Những biến động hấp dẫn trên thị trường ô tô Việt

31/07/2019 19:00 GMT+7

Hyundai Thành Công mở rộng qui mô, thêm thương hiệu mới. Mất Nissan, tập đoàn Tan Chong vẫn tìm cơ hội ở Việt Nam. Tuy còn ở qui mô nhỏ nhưng thị trường ô tô Việt Nam vẫn tăng trưởng hấp dẫn…

(Thethaovanhoa.vn) - Hyundai Thành Công mở rộng qui mô, thêm thương hiệu mới. Mất Nissan, tập đoàn Tan Chong vẫn tìm cơ hội ở Việt Nam. Tuy còn ở qui mô nhỏ nhưng thị trường ô tô Việt Nam vẫn tăng trưởng hấp dẫn…

Vì sao thị trường ô tô Việt sụt giảm mạnh trong tháng 2

Vì sao thị trường ô tô Việt sụt giảm mạnh trong tháng 2

Báo cáo bán hàng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong tháng 2, doanh số bán hàng của toàn thị trường chỉ đạt hơn 12.000 xe, giảm hơn 50% so với tháng 1 và giảm 29% so với tháng 2/2017.

Tuy không đình đám bằng những sự kiện lớn như Trường Hải hay Vinfast, nhưng nếu nhìn vào hiệu quả kinh doanh trên thị trường thì tập đoàn ô tô Thành Công, lâu nay vẫn được biết đến với cái tên Hyundai Thành Công, có thể xem là một bất ngờ lớn của một thương hiệu Việt. Chỉ sau 10 năm trở thành đối tác chính thức với Hyundai Hàn Quốc trong mảng ô tô du lịch ở Việt Nam, Thành Công đã đưa thương hiệu Hyundai trở thành một trong những thương hiệu bán chạy hàng đầu trên thị trường, cạnh tranh ngang ngửa với các thương hiệu mạnh từ Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu.

Năm 2018 doanh số xe du lịch Hyundai đạt 55.994 xe, chiếm 22% thị phần xe du lịch tại Việt Nam, chỉ xếp sau Trường Hải (kinh doanh 5 thương hiệu xe du lịch và bus), ngang ngửa Toyota. Nhiều mẫu xe Hyundai cạnh tranh ở vị trí hàng đầu phân khúc như i10 (phân khúc xe nhỏ đô thị), Accent (phân khúc sedan hạng A), Kona (SUV đô thị), SantaFe (SUV cỡ trung)… Cũng chỉ trong 10 năm, Hyundai Thành Công đã xây dựng được mạng lưới hơn 80 đại lý trên toàn quốc, còn nhiều hơn cả Toyota sau 25 năm. Tập đoàn này sở hữu nhà máy Hyundai tại Ninh Bình với công suất trên 60.000 xe/năm và đang chuẩn bị xây dựng thêm nhà máy thứ hai. Từ chỗ phân phối sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, tới nay hầu hết các mẫu xe của Hyundai Thành Công đều được lắp ráp trong nước. 

Chú thích ảnh

Thành công từ một thương hiệu, tuần qua, với việc chuyển đổi thành TC Motor, tập đoàn ô tô Việt Nam này cũng cho hay sẽ mở rộng sản xuất và kinh doanh sang các thương hiệu khác. Vậy là 3 tập đoàn ô tô 100% vốn Việt Nam hiện nay (Trường Hải, Vinfast, TC Motor) đều có qui mô sản xuất và kinh doanh đa thương hiệu. Riêng TC Motor, mặc dù chưa thông báo cụ thể về thương hiệu thứ hai mà tập đoàn này sẽ sở hữu tại Việt Nam sau Hyundai, nhưng nhiều dự đoán cho rằng đó sẽ là Nissan. 

Thương hiệu ô tô lớn thứ hai Nhật Bản vào Việt Nam chậm hơn hết thảy các đối thủ đồng hương, và thông qua đối tác nước ngoài, cụ thể năm 2010, tập đoàn Malaysia Tan Chong đã mua lại 74% cổ phần Nissan Việt Nam, 26% còn lại do Nissan Motor nắm giữ. Tuy nhiên hợp tác này sẽ chấm dứt toàn bộ vào 10/9/2019 và theo thông báo từ Nissan Motor, phía công ty mẹ đảm bảo sẽ tìm đối tác thích hợp mới để nâng cao hiệu quả kinh doanh tại Việt Nam. Hiện tại Nissan Motor vẫn chưa tiết lộ đối tác mới.

Mất quyền quản lý Nissan tại Việt Nam nhưng Tan Chong lại vừa ký kết một biên bản ghi nhớ với nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc SAIC (SAIC Motor International Co Ltd) để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, một dự án hợp tác đã được xây dựng, qua đó, Tan Chong sẽ tiếp tục “có chỗ đứng trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam”- người đại diện Tan Chong tiết lộ với phóng viên Malaysia. Hiện Tan Chong đang sở hữu nhà máy Nissan Đà Nẵng với công suất gần 40.000 xe/năm. 

Nửa đầu năm 2019, Việt Nam là một trong số rất ít thị trường ô tô tăng trưởng trên thế giới, với khoảng 75.400 xe nhập khẩu (tăng 250% so với cùng kỳ năm trước) và 91.731 xe lắp ráp trong nước (tăng 21%).

Phan Ka

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN