TTVH Online

Khai mạc cuộc thi Tài năng trẻ Biên đạo múa toàn quốc 2019

15/07/2019 11:05 GMT+7

Tối 14/7, Cuộc thi Tài năng trẻ Biên đạo múa toàn quốc 2019 do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức, đã khai mạc tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội.

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 14/7, Cuộc thi Tài năng trẻ Biên đạo múa toàn quốc 2019 do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức, đã khai mạc tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội. 

Biên đạo múa Tấn Lộc: Chúng tôi có thể dở nhưng ít nhất, dám đam mê

Biên đạo múa Tấn Lộc: Chúng tôi có thể dở nhưng ít nhất, dám đam mê

Lâu lắm mới thấy trên đường phố Hà Nội treo những bandroll quảng cáo một vở múa đương đại. Lần này là Arabesque của biên đạo múa Tấn Lộc với một đêm diễn duy nhất của "Sương sớm" tại Rạp Công Nhân (4 Tràng Tiền, Hà Nội).

Sau Vòng Sơ khảo, Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn ra 12 thí sinh đến từ 9 đơn vị nghệ thuật công lập, 4 trường nghệ thuật chuyên ngành và duy nhất 1 đơn vị ngoài công lập, để bước vào vòng Chung kết. Đây là lần thứ 3 Cuộc thi được tổ chức sau thành công của 2 kỳ thi trước vào năm 2013 và 2016.

Chú thích ảnh
NSND Nguyễn Quang Vinh – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn – Phó Trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi phát biểu khai mạc

Tại lễ Khai mạc, NSND Nguyễn Quang Vinh – Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phát biểu: “Cuộc thi là dịp để các biên đạo trẻ có cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao thẩm mỹ cá nhân trong sáng tác đối với nghệ thuật múa đồng thời là cơ hội để mỗi biên đạo được thể hiện những đam mê cháy bỏng được trau dồi, ấp ủ, hun đúc từ tư duy đến hành động, từ những niềm vui, nỗi buồn, từ những nụ cười và cả sự trăn trở để tạo ra những công trình, những tác phẩm múa có chất lượng, có giá trị thực tiễn phục vụ đời sống tinh thần chung cho xã hội và đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật múa Việt Nam”.

Ông cũng bày tỏ mong muốn thông qua cuộc thi, có thể giúp các nhà quản lý đánh giá thực trạng về lực lượng biên đạo múa hiện nay để có cái nhìn đầy đủ hơn, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực hơn trong đào tạo, đầu tư, phát hiện, bồi dưỡng những tài năng trẻ, để tạo ra những công trình nghệ thuật có chất lượng nghệ thuật cao đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng và xây dựng định hướng cho sự phát triển chung của nghệ thuật biểu diễn Việt Nam hiện nay và tương lai.

Chú thích ảnh
Tác phẩm dự thi “Khúc Nguyệt cầm” – thí sinh Phạm Đắc Hải

Hội đồng Giám khảo vòng Chung kết gồm 5 thành viên , có trình độ và uy tín trên cả nước về lĩnh vực ngành: NSND Lê Ngọc Cường - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo và các ủy viên: NSND Nguyễn Hữu Từ, NSND Lữ Kiều Lê, NSƯT Trần Ly Ly và Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Anh.

Chú thích ảnh
“Dệt sợi tình” của thí sinh Đỗ Duy Đức

Ngay sau lễ Khai mạc, những tác phẩm ở lượt thi đầu tiên của các thí sinh đã được trình diễn trên sân khấu:  Đồng nát – Tạ Xuân Chiến (Học viện Múa Việt Nam); Dệt sợi tình - Đỗ Duy Đức (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội – Đoàn Văn công Quân khu 3); Khúc Nguyệt cầm - Phạm Đắc Hải (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn); Phận lục bình - Hà Thanh Hậu (Trường Trung cấp Múa TP.HCM);  Những mối quan hệ - Nguyễn Vũ Khánh (Công ty TNHH UNISON Hà Nội; Mộ đêm - Phan Vũ Lợi (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San – Gia Lai); Chiếu đời - Nguyễn Phương Linh (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; Người cùng khổ - Tống Mai Len (Học viện Múa Việt Nam); Đường cày trên nương - Hoàng Thị Nguyệt (Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La); Nhân sinh - Nguyễn Thành Phát (Đoàn Văn công Quân khu 7);  Mạch sống - Phạm Minh Tuấn (Trường Trung cấp Múa TP.HCM); Cuội già - Nguyễn Hải Trường (Học viện Múa Việt Nam).

Chú thích ảnh
“Những mối quan hệ” của thí sinh Nguyễn Vũ Khánh
Chú thích ảnh
“Đường cày trên nương” – thí sinh Hoàng Thị Nguyệt

Lượt thi thứ hai sẽ diễn ra vào 20h ngày 15/7 cũng tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ với các tác phẩm: Giấc ngủ chưa lành của Tạ Xuân Chiến; Giờ tăng gia của Đỗ Duy Đức; Nét quê của Phạm Đắc Hải; Rào giậu của Hà Thanh Hậu;  Kiếp sau của Nguyễn Vũ Khánh; Khát của Phan Vũ Lợi; Gánh của Nguyễn Phương Linh; Vì đó là Mẹ của Tống Mai Len; Khèn ngược của Hoàng Thị Nguyệt; Lột xác của Nguyễn Thành Phát; Khát của Phạm Minh Tuấn; Côn Đảo – ngày trở về của Nguyễn Hải Trường.

Chú thích ảnh
“Phận lục bình”  - thí sinh Hà Thanh Hậu

Cơ cấu giải thưởng gồm: 01 Giải Nhất (Có giá trị tương đương Huy chương Vàng), 02 giải Nhì (Có giá trị tương đương Huy chương Bạc), 03 giải Ba và 04 giải Khuyến khích; 01 giải thưởng cho Diễn viên múa xuất sắc và 01 giải thưởng cho Nhạc sĩ xuất sắc.

Chú thích ảnh
“Mạch sống” – thí sinh Phạm Minh Tuấn

Đêm bế mạc và trao giải sẽ diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ  vào 20h ngày 16/7/2019.

T.N. Ảnh: BTC

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN