TTVH Online

Triển lãm 'Câu chuyện từ chiếc máy ảnh': Một chứng nhân đặc biệt của chiến tranh Việt Nam

11/07/2019 11:00 GMT+7

Lịch sử và văn hóa luôn gắn với những câu chuyện được kể lại và lưu truyền. Ở đó, những chứng nhân đích thực sẽ thành biểu tượng của sự thật. Và, với sự khốc liệt của chiến tranh Việt Nam được phóng viên chiến trường Ignacio Ezcurra (1939-1968, người Argentina) ghi lại, những bức ảnh của ông chính là chứng nhân.

(Thethaovanhoa.vn) - Lịch sử và văn hóa luôn gắn với những câu chuyện được kể lại và lưu truyền. Ở đó, những chứng nhân đích thực sẽ thành biểu tượng của sự thật. Và, với sự khốc liệt của chiến tranh Việt Nam được phóng viên chiến trường Ignacio Ezcurra (1939-1968, người Argentina) ghi lại, những bức ảnh của ông chính là chứng nhân.

'Hồi hương' bộ ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam 'Requiem'

'Hồi hương' bộ ảnh nổi tiếng nhất về chiến tranh Việt Nam 'Requiem'

Đồng bào trong nước và du khách quốc tế khi đến thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (TP HCM) luôn ấn tượng với bộ ảnh “Requiem” (Hồi niệm) nổi tiếng thế giới.

1. Triển lãm Câu chuyện từ chiếc máy ảnh khai mạc sáng 9/7/2019 tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) giới thiệu một phần di sản của ông. Với hơn 130 bức ảnh và các hiện vật khác, Ignacio Ezcurra và cô cháu ngoại Luisa Duggan đãlàm một cuộc liên nối về Việt Nam trong hai thời điểm là 1968 và 2018.

Ngày 8/5/1968 tại Chợ Lớn (Sài Gòn), Ignacio Ezcurra mất tích. Theo nhiều thông tin phỏng đoán, ông chết và được chôn vội vã trong một ngôi mộ nào đó. Ignacio Ezcurra đến Việt Nam khá muộn, khi lúc chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đang diễn ra. Trong một lá thư viết cho mẹ của ông có đoạn: “Con muốn đến Việt Nam, con muốn xem điều gì đang diễn ra, bởi có gì đó không đúng với những điều họ đang nói, con muốn đến đó và mang về sự thật…”.

Chú thích ảnh
Nhà báo quá cố Ignacio Ezcurra và cháu ngoại Luisa Duggan hiện tại. Ảnh: L.Điền

Với tâm thế như vậy, nên khi đến Huế và Sài Gòn, Ignacio Ezcurra không chỉ chụp cuộc chiến, mà còn chụp đời sống và nhiều điều khác - nói chung là những chuyện “hậu trường”. Lúc ấy, những bức ảnh đời thường này có thể chưa nóng hổi thời sự. Nhưng bây giờ nhìn lại thì chúng đủ độ lùi để cho thấy nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, giúp hiểu hơn về chiến tranh, về giá trị của hòa bình.

Rất may, dù ông mất tích, nhưng nhiều phim chụp chiến trường và kỷ vật vẫn còn, được chuyển về cho gia đình. Chính tư liệu này làm nên cuốn sách Hasta Vietnam (Đến tận Việt Nam) – hiện nay trở thành một giáo trình báo chí quan trọng tại Argentina và một số nước khu vực Nam Mỹ. Chiến tranh trong mắt của Ignacio Ezcurra không chỉ có sự khốc liệt, mất mát đơn thuần, mà chính cái cảm giác phi lý của nó làm cho con người trong cuộc bừng tỉnh để tìm kiếm hy vọng sống. Sách cũng phác họa được một phần tính cách con người và văn hóa Việt Nam.

Chú thích ảnh
Cuốn sách “Hasta Vietnam” (Đến tận Việt Nam) của Ignacio Ezcurra được tái bản nhiều lần, dễ dàng nhìn thấy ở nhiều nhà sách mới và cũ

Triển lãm còn thú vị ở chính chiếc máy ảnh Pentax Honeywell H3 mà Ignacio Ezcurra dùng tại Việt Nam. Nó không chỉ là vật chứng, mà còn trở thành nhân chứng, vì những bức ảnh từ nó đã thành những câu chuyện chân thực về Việt Nam thời chiến. Nửa thế kỷ trước, tuy Pentax Honeywell H3 là một máy ảnh “thiện chiến”, nhưng so với thực tế cuộc chiến thì vẫn còn quá chậm chạp, khuôn hình hạn hẹp. Thu lại những khoảnh khắc ác liệt, trải rộng vào một khuôn hình và tốc độ giới hạn như vậy là điều khó khăn về kỹ thuật, nhưng về mặt ý niệm thì rất lý thú. Dường như ống kính mày ảnh và con mắt của nhà báo muốn chiến tranh phải thu hẹp lại, phải dừng lại.

2. Đúng 50 năm sau, cháu ngoại của ông là Luisa Duggan đã đến Việt Nam, tìm lại những dấu chân của ông mình tại Huế, Sài Gòn… năm 1968. Cô dùng chính chiếc máy ảnh Pentax Honeywell H3 của ông ngoại để chụp Việt Nam hôm nay. Những bức ảnh như là cuộc tìm kiếm sự sống kế tiếp mà chính Ignacio Ezcurra đã phác họa từ trong chiến tranh.

Chú thích ảnh
Chiếc Pentax Honeywell H3 mà Ignacio Ezcurra và cháu ngoại Luisa Duggan đã dùng

“Từ lúc nhỏ, chiếc Pentax Honeywell H3 luôn cùng tôi trên mọi nẻo đường. Nó khá nặng, chụp chậm, khó điều khiển, nhưng tôi biết nó đã cùng ông tôi ra chiến trường và trở về với gia đình, trong khi ông thì nằm lại. Chính vì vậy, cảm giác khi chụp ở Argentina, ở một số nước và ở Việt Nam là hoàn toàn khác nhau. Khi rửa những bức ảnh tại Việt Nam, tôi như nhìn thấy trong đó những suy nghĩ, những dấu chân và thân xác của ông ngoại mình” - Luisa Duggan chia sẻ.

Rồi cô nói thêm: “Việc đến Việt Nam không phải là sự bộc phát mà là một quyết định đã kéo dài đến 50 năm. Ống kính của máy ảnh đã cho tôi thấy một cách rõ nét nhất những gì tôi còn chưa rõ về nơi đây. Một phần trong tôi thuộc về Việt Nam, như ông tôi vậy. Chúng tôi sẽ còn trở lại Việt Nam và lăng kính của chiếc máy ảnh sẽ tiếp tục kể câu chuyện về nơi này”.

Gồm 130 hình ảnh, tư liệu và hiện vật, triển lãm Câu chuyện từ chiếc máy ảnh được Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP. HCM phối hợp với Đại sứ quán Argentina tổ chức nhất kỷ niệm 203 năm ngày Lễ Độc lập nước Cộng hòa Argentina (ngày 9/7). Triển lãm sẽ kéo dài đến 30/8.

Văn Bảy

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN