TTVH Online

NSND Phùng Há - một đời cống hiến cho nghệ thuật cải lương

04/07/2019 20:17 GMT+7

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phùng Há là “cây đại thụ” của sân khấu Việt Nam thế kỷ XX. Suốt một đời cống hiến cho nghệ thuật cải lương, bà đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả qua hàng loạt vai diễn nổi tiếng như: Lữ Bố, Dương Quý Phi, An Lộc Sơn, Nguyệt Nga, Nguyệt, Lựu... Và không chỉ nổi tiếng với những vai diễn để đời, bà còn có công lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ kế cận; một nghệ sĩ giàu lòng nhân ái.

(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phùng Há là “cây đại thụ” của sân khấu Việt Nam thế kỷ XX. Suốt một đời cống hiến cho nghệ thuật cải lương, bà đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả qua hàng loạt vai diễn nổi tiếng như: Lữ Bố, Dương Quý Phi, An Lộc Sơn, Nguyệt Nga, Nguyệt, Lựu... Và không chỉ nổi tiếng với những vai diễn để đời, bà còn có công lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ kế cận; một nghệ sĩ giàu lòng nhân ái. 

Khởi công vở 'Huyền thoại Gò Rồng Ấp': NSND Lệ Ngọc 'đổi vai' để thử thách mình

Khởi công vở 'Huyền thoại Gò Rồng Ấp': NSND Lệ Ngọc 'đổi vai' để thử thách mình

Sáng 17/6 tại Hà Nội, sân khấu Lệ Ngọc tổ chức khởi công vở kịch Huyền thoại Gò Rồng Ấp. Sau thành công rực rỡ của Tấm Cám, dự án mới của sân khấu Lệ Ngọc được quan tâm ngay khi công bố.

Trái tim người nghệ sĩ của nhân dân đã vĩnh viễn ngừng đập vào ngày này cách đây 10 năm, ngày 5-7-2009.

Người nghệ sĩ tài sắc nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh

Nghệ sĩ Phùng Há, tên thật là Trương Phụng Hảo, sinh ngày 30-4-1911, tại huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Cha của bà là người Quảng Đông, Trung Quốc, nên nghệ danh Phùng Há của bà chính là phát âm theo tiếng Quảng Đông của cái tên Phụng Hảo. Vì là con thứ 6 trong gia đình nên theo cách gọi của người miền Nam, bà được gọi là Bảy Phùng Há.

Chú thích ảnh
Chân dung nghệ sĩ nhân dân Phùng Há

Con đường đến với nghệ thuật của nghệ sĩ Phùng Há thật tình cờ. Do gia cảnh nghèo túng nên năm 13 tuổi, cô bé Phùng Há phải đi làm thuê cho một lò gạch để kiếm tiền. Nhưng nhờ có giọng ca hay, chất giọng tốt nên cô bé được nhiều người thương yêu. Thay vì mỗi ngày phải in 300 viên gạch để nhận được tiền công, cô bé chỉ cần ca cho mọi người nghe là được trả công bằng gạch. Từ đó, giọng ca non nớt nhưng tài hoa được các nghệ sĩ đàn anh phát hiện. Và bước ngoặt cuộc đời đã đến. Năm 14 tuổi, cô bé Phùng Há cùng mẹ khăn gói đi theo một gánh hát. Mỗi đêm, cô được trả số tiền gấp 10 lần in gạch. Chẳng bao lâu, Phùng Há đã trở thành cô đào tài sắc nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh, với nhiều vai diễn khác nhau từ bi đến hài và cả những vai kép võ. 

Nhân vật mà bà hóa thân mang nhiều tính cách và diện mạo. Khi thì bà khoác áo võ tướng, lúc lại đắm mình vào khúc oan nghiệt của Lan và Điệp hay đau đớn đoạn tuyệt. Nghệ sĩ Phùng Há từng chia sẻ: “Vai diễn nào tôi cũng thích, dù lớn hay nhỏ, chính hay phụ. Là diễn viên phải diễn tròn vai và hết khả năng, nhiệt tình để gởi đến khán giả”. 

Gần một thế kỷ gắn liền với nghệ thuật cải lương, bà đã để lại những vai diễn gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người hâm mộ như: Lữ Bố - còn gọi là Lã Bố trong vở "Phụng Nghi Đình", Dương Quý Phi trong vở "Tình sử Dương Quý Phi", An Lộc Sơn trong vở "Đường Minh Hoàng du nguyệt điện", Nguyệt trong vở "Tô Ánh Nguyệt", Lựu trong vở "Đời cô Lựu"... Đó là giá trị vĩnh hằng của người nghệ sĩ tài hoa, mà các lớp diễn viên sau này chưa ai đạt được.

Để đạt được kết quả như vậy, ngoài năng khiếu bẩm sinh, nghệ sĩ Phùng Há còn phải dày công khổ luyện, như vai Lữ Bố theo bà suốt mấy chục năm trời. Bà chia sẻ: “Ngày trước, gánh Phụng Hảo của tôi thiếu người đóng kép, thế là tôi mạnh dạn tiến thân vào. Bắt đầu từ vở “Phụng Nghi Đình”, tôi vào vai Lữ Bố. Nhiều khán giả từng xem tôi diễn đào thương đã không nhận ra tôi khi mặc đồ võ vào, thật uy nghiêm hùng mạnh. Chỉ khi tôi cất tiếng hát thì họ mới ồ lên. Có khi vì vai diễn giả trai mà làm cho tôi ê ẩm suốt mấy ngày liền không bước đi nổi”.

Đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh

Chú thích ảnh
NSND Bạch Tuyết và NSND Phùng Há năm 2002 tại phim trường HTV - chương trình Những cánh chim không mỏi

Không chỉ nổi tiếng với giọng hát xuất sắc, lối diễn xuất tinh tế, NSND Phùng Há còn góp phần to lớn trong sự nghiệp đào tạo những thế hệ nghệ sĩ cải lương của Việt Nam. Từ năm 1963, bà tham gia giảng dạy tại khoa diễn viên cải lương, trường quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn. Trong số những học trò của bà có nhiều nghệ sĩ tài danh như nghệ sĩ ưu tú: Thanh Nga, Bạch Tuyết, Thanh Sang, Thanh Thanh Hoa,... 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, NSND Phùng Há cùng NSND Nguyễn Thành Châu, NSND Ba Vân làm cố vấn cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và tham gia giảng dạy, đào tạo nên nhiều nghệ sĩ ưu tú sau này, như: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tấn Giao, Tô Châu, Thanh Lựu, Mỹ Hằng...

Hầu hết tất cả các thế hệ nghệ sĩ được bà đào tạo đều rất yêu quý và xem bà như người mẹ thứ hai của mình. Sự xuất hiện của bà ở bất cứ nơi đâu luôn là nguồn động viên cho lớp trẻ mạnh dạn hơn trên con đường nghệ thuật của họ. Và bản thân họ cũng học hỏi được ở người nghệ sĩ gạo cội này nhiều bài học. Đó là sự linh hoạt, sáng tạo khi gặp các tình huống khó, bất ngờ, hay sự chu đáo, tận tâm, trách nhiệm với nghề.

Giàu lòng nhân ái

Chú thích ảnh
NSND Phùng Há trên sân khấu

Là tấm gương sáng về lao động nghệ thuật, NSND Phùng Há còn là một hình mẫu tuyệt vời về việc chăm lo đến đời sống vật chất của các đồng nghiệp có hoàn cảnh éo le. Bà là người sáng lập nên Viện Dưỡng lão nghệ sĩ ở quận 8, TP Hồ Chí Minh. Đây là nơi chăm lo, nuôi dưỡng các nghệ sĩ già yếu, không nơi nương tựa. Đồng thời, bà còn đóng góp, sáng lập nên chùa nghệ sĩ và nghĩa trang nghệ sĩ tại Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Và mặc dù tuổi cao, nhưng mỗi khi chùa nghệ sĩ tổ chức các chuyến đi hoạt động từ thiện, bà luôn tham gia. Bà từng tâm sự: “Ở các vùng quê, còn lắm bà con khó khăn, rất cần được chia sẽ, hỗ trợ. Tôi còn sống ngày nào, cố gắng đi làm từ thiện ngày đó”.

Trước hình ảnh của một “cây đại thụ” của cải lương Nam bộ, làm việc không biết mệt mỏi, “ông vua vọng cổ” - nghệ sĩ ưu tú Viễn Châu đã tặng NSND Phùng Há những vần thơ:

“Tuổi già lụm cụm thấy mà thương

Đâu quản gần xa mấy chặng đường

Quà tặng trao tay người khốn khổ

Đẹp đời nghệ sĩ, đẹp quê hương”.

Ngày 5-7-2009, người nghệ sĩ tài hoa, giàu lòng nhân ái đã ra đi, để lại một khoảng trống khó thể lấp đầy trên sân khấu Việt Nam nói chung và cải lương Nam bộ nói riêng. NSND Phùng Há là người có công lớn trong việc làm nên lịch sử sân khấu cải lương Việt Nam. Dù con tim của người nghệ sĩ tài hoa và giàu lòng nhân ái đã ngừng đập nhưng giọng ca của bà vẫn còn mãi ngân nga trong lòng người hâm mộ./. 

Phương Nam (tổng hợp)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN