TTVH Online

Cần hiểu cho đúng Luật phòng, chống tác hại của rượu bia

06/06/2019 19:50 GMT+7

Đã có những quan điểm khác nhau của các đại biểu Quốc hội trong việc đồng ý hay phản đối siết chặt quản lý việc sử dụng và kinh doanh rượu bia, nhất là ở các nội dung như: hạn chế sử dụng rượu bia khi lái xe, quy định thời gian bán rượu bia, quảng cáo rượu bia trên các phương tiện thông tin đại chúng...

(Thethaovanhoa.vn) - Tại Phiên họp xin ý kiến Quốc hội về Dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia đã có những quan điểm khác nhau của các đại biểu Quốc hội trong việc đồng ý hay phản đối siết chặt quản lý việc sử dụng và kinh doanh rượu bia, nhất là ở các nội dung như: hạn chế sử dụng rượu bia khi lái xe, quy định thời gian bán rượu bia, quảng cáo rượu bia trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Đại biểu Quốc hội vẫn mong chờ việc cấm tuyệt đối lái xe uống rượu bia

Đại biểu Quốc hội vẫn mong chờ việc cấm tuyệt đối lái xe uống rượu bia

Việc cả hai phương án của Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đều không nhận được số phiếu quá bán trong chiều 3/6, đã khiến các đại biểu Quốc hội nhiều băn khoăn và thậm chí là nuối tiếc.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi nhận nhiều ý kiến, quan điểm của một số đại biểu Quốc hội để làm rõ những vấn đề dư luận quan tâm.

* Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Đoàn Bình Phước): Theo thông lệ quốc tế là cấm hoàn toàn việc uống rượu bia khi lái xe. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây là vấn đề liên quan tới văn hóa nên nhiều người chưa đồng tình cao việc cấm rượu bia khiến dư luận xã hội và nhiều cử tri hiểu lầm.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp toàn thể Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV - Ảnh: Dương Giang- TTXVN

"Hiểu lầm là nếu thông qua luật thì sẽ được phép uống rượu bia và nhiều thông tin khác được đưa trên các trang mạng khiến không ít đại biểu băn khoăn và không đồng tình vì những cách hiểu chưa đúng. Do đó, trong những phiên họp chất vấn vừa rồi, khi các đại biểu đặt ra những vấn đề liên quan, Chủ tịch Quốc hội đã thông tin chính thức tại hội trường và cũng để thông báo cho đại biểu cũng như cử tri cả nước hiểu rõ vấn đề này. Chúng ta đã có những luật khác điều chỉnh nên việc nghiên cứu để thông qua Luật phòng, chống tác hại của rượu bia nhằm mục đích quy định thêm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả các quy định đã có trước đây, góp phần giảm thiểu và tiến tới chấm dứt uống rượu bia trong quá trình tham gia giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản cho bản thân và những người xung quanh", đại biểu Hạnh nhấn mạnh.

Theo quan điểm của đại biểu Ngọc Hạnh, nếu thông lệ quốc tế đã quy định thì Việt Nam cần thể chế hóa các quy định đó thành luật, giúp cho luật có tính hiệu lực, tính pháp lý và khả thi hơn. Về lâu dài, chắc chắn sẽ có sự đồng thuận cao hơn trong các quy định.  

Quy định cấm quảng cáo rượu bia trong một số khung giờ phát sóng phát thanh, truyền hình là đề xuất hoàn toàn hợp lý. Vì nếu muốn giảm tác hại của rượu bia thì phải giảm quảng cáo là đương nhiên. Trước đây, việc quảng cáo rượu bia khá tràn lan, tiếp cận lúc nào cũng được, quảng cáo ở mọi khung giờ, chương trình. Thậm chí, chương trình bảo vệ sức khỏe vừa phát xong thì ngay sau đó là quảng cáo rượu bia. Thực sự rất bất hợp lý, phản cảm và không phù hợp.

Đại biểu Hạnh cho rằng: "Việc cấm thì cứ cấm chứ họ vẫn có cách quảng cáo thôi!" Tuy nhiên, trước mắt nên quy định cấm quảng cáo trong những khung giờ nhất định để hạn chế sự tiếp cận rượu bia ở tầng lớp thanh thiếu nhi, những đối tượng dưới hoặc chưa đủ 18 tuổi. Tôi tin các đại biểu và cử tri sẽ đồng tình, ủng hộ. Riêng quy định cấm bán rượu bia sau 22h tới 8h sáng hôm sau thì có thể không khả thi trước mắt, nhưng lâu dài sẽ phát huy hiệu quả. Chúng ta có khung giờ mới dễ quản lý và hiện nay dù có khó quy định, song triển khai thực hiện dần dần kết hợp với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục thì tôi tin người dân sẽ thích ứng với luật và tuân thủ". 

Trả lời câu hỏi về việc kiểm tra, kiểm soát sử dụng và kinh doanh rượu bia sẽ như thế nào, đại biểu Hạnh thẳng thắn, khi quy định đã được đưa vào luật thì sẽ sớm nghiên cứu tổ chức thực hiện. Quốc hội và Chính phủ sẽ tính toán và phân công các cơ quan, đơn vị chức năng vào cuộc thực thi nhiệm vụ cụ thể gắn với các chế tài áp dụng cho những trường hợp vi phạm.

Theo đại biểu Hạnh, trước mắt việc kiểm soát có thể bắt đầu từ việc thiết kế và tăng cường những công nghệ thông tin hỗ trợ. Đơn cử như lắp đặt các camera giám sát hay những thiết bị hỗ trợ cho các lực lượng chức năng tại các khu vực không được uống, không được bán rượu bia theo quy định.

Lẽ dĩ nhiên tiếp nhận một dự án luật và khi chưa bước vào thì ai cũng cho rằng khó thực hiện và khó khả thi. Nếu vì khó mà không quyết tâm làm, không cố gắng làm cho được thì luật hay các quy định có liên quan sẽ giảm tác dụng bởi mong muốn cuối cùng là bảo vệ sức khỏe và sinh mạng cho người dân. Tôi cho rằng Quốc hội và cử tri cả nước sẽ sớm đồng tình khi luật hoàn thiện. 

* Đại biểu Vũ Thị Thủy (Đoàn Hải Dương): Tôi bày tỏ sự đồng tình quan điểm với nội dung của dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia. Tuy nhiên, Quốc hội nên quy định cụ thể tỷ lệ và mức độ nồng độ cồn trong hơi thở khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là bao nhiêu thì là hành vi vi phạm, chứ không phải cứ uống là không được lái xe thì thật khó khả thi. Có như vậy thì luật sẽ khả thi và sát với thực tiễn cuộc sống.

Đại biểu Thủy cũng chưa đồng tình với quy định hạn chế thời gian bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ và cho rằng sẽ rất khó thực hiện, khó kiểm tra việc bán rượu bia từ 22h đến 8h sáng hôm sau. Ai sẽ là người đi kiểm tra và kiểm soát việc này khi ở nước ta có biết bao nhiêu là nhà hàng, quán xá. Ai là người xác nhận việc mình vi phạm rồi chế tài xử lý vi phạm nữa. Nói chung, không dễ thực hiện quy định này. 

* Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa): Thực tế có rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia nên việc đưa quy định không được uống rượu bia khi tham gia giao thông vào Nghị quyết Kỳ họp này là rất cần thiết nhằm giúp Chính phủ có giải pháp cứng rắn hơn, bao gồm tăng cường thanh tra, kiểm tra, tăng mức xử phạt… Dù điều này chỉ kéo dài đến khi Luật Phòng, chống tác hại rượu bia có hiệu lực thi hành thì cũng rất tốt.

Với kết quả biểu quyết 2 phương án “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu và khí thở có nồng độ cồn” và “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông”, đại biểu Lợi cũng tỏ rõ sự ngạc nhiên vì thấy cả hai phương án đều không quá bán.

"Bản thân tôi, lúc đầu cũng ủng hộ phương án "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông". Tuy nhiên, với tư cách cơ quan thẩm tra, nghe ý kiến nhiều chiều, cuối cùng tôi nhận thức rằng có điều khoản quy định “uống rượu bia không lái xe” có thể nâng cao chất lượng Luật Phòng, chống tác hại rượu bia", đại biểu Lợi nhấn mạnh.

Thực tế, pháp luật hiện hành cũng đã có nhiều quy định nghiêm cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông như Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thuỷ, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, không có chuyện không quy định việc này trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia thì không có chế tài xử lý. Theo tôi, nếu đưa được quy định này vào Luật Phòng, chống tác hại rượu bia thì pháp luật sẽ đồng bộ hơn./.

Thạch Huê & Thành Trung - TTXVN

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN