TTVH Online

Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn: Người sưu tập luôn nghĩ tranh của mình là… hàng độc

07/05/2019 07:31 GMT+7

Sách nghệ thuật "Sưu tập Trần Hậu Tuấn" dày gần 400 trang, vừa phát hành, là tập đầu tiên về bộ sưu tập đồ sộ của Trần Hậu Tuấn, do chính anh chắp bút.

(Thethaovanhoa.vn) - Sách nghệ thuật Sưu tập Trần Hậu Tuấn dày gần 400 trang, vừa phát hành, là tập đầu tiên về bộ sưu tập đồ sộ của Trần Hậu Tuấn, do chính anh chắp bút. Tập này giới thiệu hành trình nghệ thuật cùng nhiều danh họa như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Tạ Tỵ…

Chiêm ngưỡng bộ sưu tập tranh đồ sộ của Lưu Công Nhân

Chiêm ngưỡng bộ sưu tập tranh đồ sộ của Lưu Công Nhân

Các tác phẩm được giới thiệu tại “Nét” thuộc nhiều nhóm đề tài trong đó, có những tác phẩm nổi tiếng thuộc các thể loại chân dung thiếu nữ, khoả thân (nude) trên các chất liệu đa dạng như sơn dầu, giấy dó, bột mầu, phấn sáp, mầu nước, ký hoạ than chì...

“Sưu tầm là một vấn đề thuộc về tâm lý cá nhân. Với nhiều người, bức tranh trong bảo tàng cũng như bông hoa ngoài công viên, để xem chứ không phải để sở hữu. Còn người “mắc bệnh sưu tầm” lại muốn sở hữu bức tranh mình yêu thích, không phải để tích lũy tài sản mà chỉ vì muốn được xem nó hàng ngày” - nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn bắt đầu câu chuyện cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

Chú thích ảnh
Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn

* Tiêu chí sưu tập của anh là gì?

- Khá đơn giản. Tôi sưu tầm những tác phẩm mà tôi yêu thích vì thấy nó... đẹp. Còn tại sao tôi thấy nó đẹp thì chính tôi cũng không giải thích rõ được. Những gì tôi viết về các bức tranh mà tôi sưu tầm có thể nói lên phần nào điều đó. Còn về các tác giả, tôi không định bó hẹp trong một khu vực nào hoặc giai đoạn nào, chẳng qua là tùy duyên, do hoàn cảnh nên chỉ có thể sưu tầm được như vậy. Tôi cũng muốn sưu tầm cả Picasso, Dali hay Raphael... nữa!

* Nhiều người bên ngoài nghĩ sưu tập là mua bán đơn thuần, nhưng thực tế không phải vậy, vì có những tác phẩm là cơ duyên, với những câu chuyện sở hữu không kém phần gây cấn. Với anh chắc điều này không ít?

- Tôi đang viết và hy vọng sẽ sớm ra mắt bạn đọc câu chuyện về hành trình và số phận của các bức tranh “ba chìm, bảy nổi” trong quá trình sưu tầm. Bên cạnh đó là những câu chuyện về các nhà sưu tập, những người sở hữu tranh, những người yêu nghệ thuật nước nhà….

Chú thích ảnh
Cuốn sách nghệ thuật “Sưu tập Trần Hậu Tuấn” vừa phát hành

* Bức tranh có giá trị nhất thì có nhất thiết phải là bức tranh có giá bán cao nhất không, theo anh?

- Câu hỏi này thuộc về các khái niệm giá trị và giá cả. Đó là hai thứ khác biệt, một thứ thuộc về thẩm mỹ và văn hóa, một thứ thuộc về thị trường. Mà cả hai đều... khó, khó nói và khó làm! Khi mua một bức tranh mà mình yêu thích, tôi chẳng suy nghĩ nhiều về giá trị thẩm mỹ có tính phổ quát của nó hoặc giá cả của nó trên thị trường, mà đơn thuần chỉ vì tình yêu dành cho nó.

Thường thì khi yêu, chúng ta chẳng hề cân đong tình yêu của mình theo các tiêu chí giá trị hoặc giá cả thị trường. Thực tế cho thấy: bức tranh to hoặc nhỏ, đẹp hoặc xấu, giá tiền đắt hoặc rẻ, bán được hoặc không bán được, nổi tiếng hoặc không nổi tiếng… không có sự liên hệ gì với nhau.

*Vậy thì chắc anh có những bức là “hàng độc”, không phải vì nhiều tiền, mà phải có nhiều cơ duyên mới sở hữu được?

- Người sưu tầm nào cũng nghĩ bức tranh của mình là “hàng độc”. Ít ai bỏ thời gian, công sức, tiền bạc cho những thứ được sản xuất hàng loạt, nhanh nhiều tốt rẻ. Mỗi bức tranh tôi có được đều là những kỷ niệm cùng tác giả, nhà sưu tập,…; cũng là những niềm vui thường nhật của cuộc sống.

Chú thích ảnh
Một góc không gian sưu tập của Trần Hậu Tuấn

Chú thích ảnh

*Nhìn lại 100 năm của mỹ thuật Việt Nam hiện đại và đối chiếu với con đường mình đã đi qua, mức độ hài lòng của anh thế nào về bộ sưu tập? Những điều gì anh sẽ ưu tiên làm tiếp?

- Làm sao có thể hài lòng, khi sau bao nhiêu công sức và thời gian, tôi cũng chỉ có được một phần rất nhỏ những thành tựu của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại chứ chưa nói đến cả một thế kỷ hội họa. Điều ưu tiên của tôi lúc này là cuốn sách vừa ra mắt độc giả, tôi cảm thấy như vừa cất được một gánh nặng

*40 năm miệt mài vượt qua những gian khó thì chẳng tiền nào tính được, chưa nói bộ sưu tập còn là giá trị tinh thần và các giá trị trừu tượng khác như văn hóa, mỹ học, lịch sử… Thế nhưng, nếu anh muốn rửa tay gác kiếm để bàn giao cho con gái quản lý, hoặc người kế tục, ngân hàng muốn định giá để định vị giá trị di sản của bảo tàng tư nhân - xu thế chung là vậy- thì anh ước tính ra sao về mức đầu tư của mình?

- Câu hỏi này lại quay lại vấn đề giá trị và giá cả. Có thể với tôi thì bộ sưu tập là vô giá, nhưng với người khác thì nó chẳng có giá trị gì, còn với ngân hàng thì đấy là việc của ngân hàng. Có những bức tranh tôi được tặng, giá bao nhiêu tôi cũng không bán, vì nó là linh hồn của bộ sưu tập. Có những bức tranh vì yêu thích, tôi phải mua với giá rất cao mà ai nghe cũng ngạc nhiên nhưng chẳng hề hy vọng bán được khoảng 1/10 giá đã mua… Tôi nghĩ không thể ước tính về phần đầu tư cũng như giá cả thị trường của bộ sưu tập.

*Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Văn Bảy (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN