TTVH Online

Pháo sáng và bóng tối

27/04/2019 13:34 GMT+7

Trên các diễn đàn bóng đá, không ít CĐV cho rằng những hình ảnh pháo sáng tại Hàng Đẫy vừa rồi khiến sân đấu này lung linh chẳng kém gì Serie A. Chắc chắn họ không lường trước được những hiểm họa từ hành động quá khích ấy.

(Thethaovanhoa.vn) - Trên các diễn đàn bóng đá, không ít CĐV cho rằng những hình ảnh pháo sáng tại Hàng Đẫy vừa rồi khiến sân đấu này lung linh chẳng kém gì Serie A. Chắc chắn họ không lường trước được những hiểm họa từ hành động quá khích ấy.

Pháo sáng, không quản được thì... cấm?

Pháo sáng, không quản được thì... cấm?

Sân Hàng Đẫy bị “treo” và phạt tiền 70 triệu vì an ninh không đảm bảo, để CĐV Hải Phòng đốt pháo tràn lan. Đội bóng đất Cảng cũng thêm một lần "hụt két" vì hành vi quậy phá của fan nhà, những người mà đã hơn một lần họ không chịu thừa nhận tư cách Hội CĐV chính thức.

1. Lâu nay, các fan bóng đá Hải Phòng vẫn nằm trong Top những nhóm CĐV cuồng nhiệt nhất Việt Nam. Người đất Cảng đi đến đâu là các khán đài luôn mang màu sắc rất riêng. Nhưng chính sự phấn khích thái quá cũng khiến hình ảnh CĐV Hải Phòng xấu đi rất nhiều. Từ việc đồng thanh chửi bới cầu thủ đối phương, trọng tài, rải tiền âm phủ, cho đến đốt và ném hàng trăm quả pháo sáng xuống sân Hàng Đẫy như vừa rồi.

VIDEO: CĐV Hải Phòng đốt và ném pháo sáng xuống sân Hàng Đẫy

Đốt pháo sáng có nguy hiểm không? Chắc chắn là có. Đặc tính của loại pháo này chịu được cả những điều kiện khắc nghiệt nhất, và dập bằng nước là không thể. Nó có thể cháy tới nhiệt độ 1600 độ C (nhiệt độ nóng chảy của thép) nên có thể gây bỏng cấp độ 4 đối với cơ và xương. Đặc biệt ở những nơi đông người, sẽ là một thảm họa nếu xảy ra cháy nổ. Có nhiều loại pháo sáng trộn hợp chất nitrat với carbon và phốt pho nên khí cháy sẽ tạo ra hợp chất gây khó thở. Pháo sáng còn nguy hiểm hơn khi ngày càng có nhiều bậc phụ huynh cho các em nhỏ đến sân xem bóng đá.

Chính vì những tác hại ấy, việc cấm đốt pháo sáng là hoàn toàn hợp lý. Đáng tiếc, chúng ta vẫn chưa có những cuộc tuyên truyền đủ độ thẩm thấu với các CĐV, đồng thời ban tổ chức các sân cũng gần như không có cách nào để ngăn việc mang pháo sáng vào sân, để rồi phải gánh hậu quả.

2. Người hâm mộ bóng đá thế giới chắc chắn chưa quên hình ảnh Marco Materrazi (Inter Milan) gác tay lên vai Rui Costa (AC Milan) ngán ngẩm chứng kiến trận tứ kết lượt về Champions League 2004-05 bị gián đoạn vì pháo sáng.

Ở trận ấy, sau khi Inter bị từ chối một bàn thắng, các interista quá khích đã ném hàng trăm quả pháo sáng xuống sân. Một trong số đó đã trúng vào vai thủ thành Dida khiến anh bị chấn thương. Trận đó Milan thắng 1-0, nhưng UEFA xử cho họ thắng 3-0, và Inter phải nộp phạt. Trước đó, trận derby thủ đô giữa Lazio và Roma hồi tháng 3/2004 cũng mở màn bằng màn pháo sáng, và kết thúc bằng hỗn chiến, khiến 170 người gồm các ultra và cảnh sát nhập viện. Những sự cố như thế khiến Serie A phải mạnh tay hơn nhiều và lệnh cấm pháo sáng bắt đầu được áp dụng từ mùa giải 2007-08.

Pháo sáng kích thích sự máu lửa, song sự máu lửa quá mức dẫn tới tình trạng hooligan. Các CĐV Croatia và Ý là một minh chứng, còn tại Đông Nam Á, chúng ta từng biết tới những nhóm ultras Malaysia nổi tiếng hiếu chiến và để lại hình ảnh rất xấu như ở Shah Alam năm 2014 mà nạn nhân chính là những CĐV Việt Nam. Và chính VFF cũng lĩnh đủ án phạt từ AFF và AFC sau khi không thể ngăn các CĐV đốt pháo sáng trên khán đài.

Chừng đó chưa đủ để lại cho chúng ta những bài học hay sao?

Tuấn Cương

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN