TTVH Online

Danh ca Kato Tokiko: Nhạc Trịnh là những bài hát đầy yêu thương

09/04/2019 07:14 GMT+7

Danh ca người Nhật Kato Tokiko được khán giả Việt Nam cảm kích vì đã thu âm các ca khúc Diễm xưa, Ngủ đi con… của Trịnh Công Sơn và đem chúng đi biểu diễn nhiều nơi. Chính vì vậy, việc bà tham gia diễn ở hai đêm nhạc 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn ngày 2 và 3/4/2019 tại TP.HCM được nhiều khán giả Việt chờ đợi.

(Thethaovanhoa.vn) - Danh ca người Nhật Kato Tokiko được khán giả Việt Nam cảm kích vì đã thu âm các ca khúc Diễm xưa, Ngủ đi con… của Trịnh Công Sơn và đem chúng đi biểu diễn nhiều nơi. Chính vì vậy, việc bà tham gia diễn ở hai đêm nhạc 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn ngày 2 và 3/4/2019 tại TP.HCM được nhiều khán giả Việt chờ đợi. Song song đó vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh cái duyên của bà với nhạc Trịnh.

Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt “Em còn nhớ hay em đã quên” kỷ niệm 18 năm ngày người nhạc sĩ qua đời, vào ngày 31/3/2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Năm 1968 một đài truyền hình của Nhật Bản sang Việt Nam để quay những chương trình âm nhạc đường phố, trong đó có bài Ngủ đi con. Chương trình được phát đúng vào thời điểm phong trào hát nhạc folk và nhạc phản chiến rất thịnh hành ở Nhật Bản nên bài hát Ngủ đi con được nhiều người chú ý.

Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với bà Kato Tokiko.

* Mảng đề tài phản chiến trong sự nghiệp sáng tác của Trịnh Công Sơn có phải là mảng đề tài bà quan tâm nhất không?

- Tôi không nghĩ nhiều về việc một bài hát có phải là nhạc phản chiến hoặc không. Bài Ngủ đi con tôi vẫn nghĩ là bài hát về tình yêu thương và Diễm xưa cũng vậy. Đúng thời kỳ rất nhiều bài hát phản chiến được ra đời ở Nhật thì tôi được nghe bài Ngủ đi con và đó là một bài hát ru với giai điệu rất đẹp, lời rất hay.

Chú thích ảnh
Danh ca Kato Tokiko. Ảnh: Gia Tiến

* Hai bài hát đó được khán giả Nhật đón nhận nồng nhiệt. Sự đón nhận này vì bản thân bài hát hoặc vì tên tuổi của bà nhiều hơn?

- Trước khi tôi hát Ngủ đi con thì đây đã là một bài hát rất nổi tiếng rồi và ngay cả bài Diễm xưa cũng đã được Khánh Ly thu bằng tiếng Nhật tại Nhật trước đó. Thật ra thì các bài hát vốn hay nên nổi tiếng chứ không phải nhờ tôi chúng mới nổi tiếng. Tôi chỉ là người tiếp nối. Tôi không hiểu những năm 1960 và 1970, khi Việt Nam đang có chiến tranh, ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thu những bài hát của mình ở Việt Nam có khó khăn lắm không mà họ phải sang Nhật, dịch sang tiếng Nhật.

Tôi lúc nào cũng hát những bài hát ấy với tất cả sự trân trọng. Tôi thấy đó là các tác phẩm vượt lên trên thời đại của nó và tôi rất yêu thích. Đó là lý do mà năm 1997 tôi đã sang Việt Nam gặp Trịnh Công Sơn để xin phép ông thu đĩa các bài hát đó.

* Trong các show hát Trịnh, bà luôn luôn hát mộc mạc với cây guitar như hai đêm vừa rồi?

- Đối với những ca khúc của Trịnh Công Sơn, tôi thích hát một mình như vậy hơn. Dĩ nhiên, trong những buổi hòa nhạc của tôi, cũng có lúc tôi hát với ban nhạc. Trịnh Công Sơn cũng thường hát nhạc của mình bằng cây đàn guitar như vậy.

Chú thích ảnh
Danh ca Kato Tokiko trên sân khấu đêm nhạc 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn tối 2/4/2019 tại TP.HCM. Ảnh: Gia Tiến

* Sau 20 năm trở lại, bà thấy các ca sĩ của chúng tôi hát nhạc Trịnh có khác trước đó không?

- Các bạn có một thế hệ mới hát nhạc Trịnh với giọng rất có nội lực, rất hay, hát bè, hòa âm phối khí đều tốt. Vừa rồi là một trong những chương trình hay nhất tôi được xem.

Năm 1999 ở Đà Nẵng, tôi có sang hát, con gái tôi chơi piano, Trịnh Công Sơn tự đánh đàn và có cả ca sĩ Hồng Nhung - khi ấy còn trẻ, hát Bống bồng ơi. Tôi mới biết ngoài những ca khúc kinh điển, Trịnh Công Sơn còn viết các ca khúc mới cho các ca sĩ trẻ và tôi rất thích. Hồng Nhung khi đó là một ca sĩ trẻ, cũng giống như các bạn có một số ca sĩ trẻ trong những đêm nhạc vừa rồi vậy.

* Bà có chia sẻ rằng bà muốn dịch các ca khúc khác nữa của Trịnh Công Sơn nhưng mãi đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Vì vấn đề thời gian, bà quá bận rộn, hay còn vì vấn đề ca từ của Trịnh Công Sơn thật sự là một thách thức đối với bà?

- Những tác phẩm của Trịnh Công Sơn thì phần lời và phần thơ rất vĩ đại, nếu tôi viết lời mà không thể chuyển tải được hết ý nghĩa thì sẽ thành thất lễ. Vì vậy, tôi phải dành thời gian để nghe thật nhiều, thấm thật nhiều thì mới có thể viết được. Tôi cũng thích bài Hạ trắng nhưng chưa ngấm đủ để viết. Nếu muốn dễ hơn thì tôi sẽ chuyển lời những bài mới hơn, viết về tình yêu.

* Bà có thể kể một vài kỷ niệm của bà với ca sĩ Khánh Ly trong những lần gặp gỡ hoặc biểu diễn cùng nhau?

- Lần đầu tiên nghe Khánh Ly hát bài Diễm xưa tôi rất cảm động. Đài truyền hình NHK đã làm một cuốn phim tư liệu về ca sĩ này vào năm 1997 và nhà sản xuất bộ phim ấy là bạn thân của tôi, đã kết nối để tôi gặp lại Khánh Ly. Chúng tôi quyết định làm một hòa nhạc ở Tokyo vào mùa Hè năm đó. Khi tôi đi lưu diễn tại Los Ageles (Mỹ), tôi đều ghé thăm nhà Khánh Ly hoặc mỗi khi cô ấy sang Tokyo đều ghé thăm tôi. Chúng tôi như chị em trong gia đình. Bản thân tôi cũng muốn cộng tác biểu diễn cùng với Khánh Ly ở Việt Nam.

* Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này.

Yêu nhạc Trịnh nhiều thập niên

Kato Tokiko là nữ nghệ sĩ nổi tiếng của Nhật Bản. Bà hát bằng tiếng Pháp, tiếng Nhật với các thể loại nhạc dân tộc, pop, jazz… Bà được nhận nhiều huân chương, giải thưởng danh giá của Nhật Bản và quốc tế. Năm 1970, bà thu bài Ngủ đi con trong album Hitorine no Komoriuta.

Năm 1981, bà hát bài Diễm xưa (Utsukushii Mukashi) trong album thu trực tiếp buổi hòa nhạc của bà ở quê nhà, nhưng mãi đến 1997 mới chính thức thu bài hát này trong album Tokiko-Cry. Năm 1982, lần đầu tiên bà diễn cùng ca sĩ Khánh Ly trong chương trình Asia Music Forum được tổ chức ở Tokyo, Nhật Bản. Bà còn là nhà hoạt động xã hội tích cực.

Lam Hạnh (thực hiện)

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN