TTVH Online

Thay đổi thói quen

26/03/2019 07:39 GMT+7

Mấy tuần qua, những thông tin liên tục về việc Hà Nội muốn thí điểm hạn chế xe máy đã cuốn cả xã hội vào một cuộc tranh luận lớn.

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy tuần qua, những thông tin liên tục về việc Hà Nội muốn thí điểm hạn chế xe máy đã cuốn cả xã hội vào một cuộc tranh luận lớn.

CHÍNH THỨC: Hà Nội phê duyệt đề án hạn chế xe máy

CHÍNH THỨC: Hà Nội phê duyệt đề án hạn chế xe máy

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5953/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hạn chế xe máy...

Với cá nhân tôi, điểm cốt yếu của cuộc tranh luận ấy - và cũng là điều quyết định tính khả thi của ý tưởng này - nằm ở một vấn đề tưởng như rất chung chung: thói quen trong sinh hoạt hàng ngày.

Trong từ điển Tiếng Việt thì “Thói quen là lối, cách sống hay hoạt động đã thành quen, khó thay đổi do lặp đi lặp lại lâu ngày. Thói quen tạo thành nếp sống. Thí dụ: có thói quen dậy sớm, thói quen nghề nghiệp“.

Vậy chuyện cấm xe máy thì có liên quan gì đến thói quen?

Chắc hẳn trong chúng ta nhiều người còn nhớ thời kỳ bao cấp, phương tiện cá nhân chủ yếu là xe đạp. Giao thông công cộng lúc đó trong thành phố chủ yếu vẫn là tàu điện. Tàu điện thì chở được nhiều người nhưng mà tốc độ chậm. Nhiều hôm, cùng mấy đứa bạn đi từ Bờ Hồ xuống công viên Lê Nin, ngồi trên tàu điện mà chúng tôi thấy sốt ruột vì tốc độ chậm rì rì. Nhìn những chiếc xe máy hiếm hoi phóng trên đường lúc bấy giờ, chúng tôi đứa nào cũng ước ao có một cái để đi.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Rồi cũng đến lúc chúng tôi được sở hữu chiếc xe máy đầu tiên, sau rất nhiều năm cố gắng dè sẻn và tiết kiệm. Chưa hết, mua xe máy cũng đồng nghĩa với việc hàng tháng sẽ mất thêm một khoản tiền để “nuôi” nó. Vậy nhưng, ai cũng thấy sung sướng khi được leo lên xe để chạy những vòng đầu tiên.

Rõ ràng đang phải gò lưng ì ạch đạp xe hàng ngày, nay chỉ thoắt một cái là máy đã nổ, lốp căng xăng đầy là yên tâm phóng lượn bất kể mọi chỗ. Đường to hay nhỏ, ngõ ngách cỡ nào thì xe máy đều có thể “chui vào” được. Bởi thế, điều cảm nhận rõ nhất là chúng ta đang tiết kiệm được thời gian và chủ động, không phụ thuộc vào các phương tiện như xe điện.

Thói quen chúng ta cũng thay đổi theo khi đi làm bằng xe máy. Ngày trước, đi xe đạp phải dậy sớm, bây giờ xe máy giúp người dùng đủng đỉnh “câu giờ”. Có xe máy, trót đi nhầm một đoạn đường thì, chỉ cần quay đầu là xong, kể cả ngược chiều một đoạn cũng không sao. Chiều về , ghé qua chợ mua gì đó, chỉ cần đỗ xe, chống chân ngay sát vỉa hè là xong việc.

Lâu dần, chúng ta đã bị phụ thuộc vào xe máy mà không để ý. Nó đã thành thói quen: rất ít khi chúng ta chấp nhận bỏ xe máy, đi bộ làm một việc gì đó như thời xưa, kể cả trong khoảng cách chỉ vài trăm mét thôi.

***

Cuộc sống có quy luật tự nhiên: cái gì trở nên “quá tải” và không còn phù hợp thì đều bị đào thải. Bây giờ, đã nhiều người phân tích rõ mặt trái của xe máy đối với giao thông trong đô thị.

Thẳng thắn, cấm xe máy là một câu chuyện lớn và đòi hỏi tính toán kĩ. Nhưng về cơ bản, chúng ta ai cũng mong muốn có một cuộc sống văn minh trong tương lai, mong có một môi trường an toàn, sạch sẽ, có được những con phố, những không gian công cộng có thể đi bộ, ngồi đọc sách hay là tập thể dục buổi sáng.

Muốn vậy, rõ ràng, sẽ hợp lý nếu ta chấp nhận thay đổi từ bỏ thói quen sinh hoạt hàng ngày cùng với chiếc xe máy, để thay bằng việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Nhưng chỉ có vậy thì chưa đủ.

Tất yếu, một loạt thói quen khác cũng sẽ phải hình thành (hoặc thay đổi so với thói quen “thoải mái” khi dùng xe máy): chính xác giờ giấc đi làm, đi học; tăng cường đi bộ để vừa rèn luyện sức khỏe, vừa thích nghi với các dịch vụ công cộng; làm việc có khoa học, có lịch trình hơn theo kiểu “giờ nào việc ấy” chứ không tùy tiện như trước đây.

Thay đổi bất cứ thói quen nào cũng đều khó khăn, nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Tạo hóa rất công bằng khi ban cho con người chúng ta ai cũng có 24 giờ một ngày, thay đổi thói quen cũng chính là làm sao sử dụng thời gian đó hiệu quả, tùy theo công việc của mỗi cá nhân nhưng phải phù hợp với cái chung của cả cộng đồng.

Hãy cứ tự nhủ với bản thân: nếu có cấm xe máy, mọi thứ cũng không phải là tai họa. Ta chỉ cần học cách thay đổi để có thêm những thói quen tích cực với mình.

Xuân An

Bản quyền © Báo điện tử Thể thao & Văn hóa - TTXVN